Theo dõi Báo Hànộimới trên

Buồn, vui chiếu phim lưu động

Thu Hiền| 18/02/2013 06:45

(HNM) - Tưởng cảnh chiếu phim ở sân kho hợp tác xã, sân bóng hay đình làng chỉ còn trong hoài niệm xa lắc, nhưng thực tế hiện nay vẫn còn những người hằng ngày mang phim đến các làng, bản chiếu miễn phí...


1. Tôi đề đạt nguyện vọng được cùng đội chiếu bóng lên vùng cao, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Hà Nội Trương Xuân Hà nhìn tôi từ đầu đến chân rồi hỏi: "Ở nội thành quen rồi có đi bộ được không, có sợ muỗi cắn không, sợ về muộn không?".

Đội chiếu bóng số 3 (Ba Vì) chuẩn bị máy móc chiếu phim.


Tôi nói: "Gian khổ là chuyện nhỏ, có được tin bài hay mới là chuyện lớn". Ông Hà cười khà khà: "Vậy thì đi cùng Đội chiếu bóng Ba Vì. Nhớ lịch đấy. Nhớ đi giày bệt nhé!".

Y hẹn, tôi leo lên chiếc xe ô tô hiệu Hyundai cũ mang biển số 33M 6270 cùng Đội chiếu bóng số 3 (Ba Vì) lên thôn Khánh Chúc Đồi, xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì). 19h30 mới chiếu phim, nhưng đi từ 15h30 để Đội chiếu bóng còn kịp chuẩn bị điện, loa đài, máy móc. Quãng đường từ trung tâm huyện Ba Vì lên điểm chiếu chừng 40km, nhưng "cõng" thêm người và máy móc đủ kiểu lỉnh kỉnh nên xe bò như rùa, mọi người vừa ôm máy móc vừa lo xe "giở chứng" là buổi chiếu… đi tong.

17h, chiếc Hyundai "già" cũng hoàn thành nhiệm vụ "cõng" người và máy lên chân núi Ba Vì. Đội trưởng Nguyễn Văn Vinh vừa mở cửa xe, vừa cười: "Có phụ nữ đi cùng có khác. Anh em khí thế, xe cũng khí thế".

Đội chiếu phim về, dân bản Mường ở Khánh Chúc Đồi vui lắm. Trời nhá nhem tối, người dân đã lục tục đến sân nhà văn hóa thôn. Người ở xa thì ngồi trên xe, người ở gần thì mang ghế, ni lông, vải bạt trải ra bãi cỏ rộng thênh, khoan khoái đợi phim. Bí thư Chi bộ thôn Nguyễn Văn Chung hồ hởi: "Bà con nghe đài truyền thanh xã thông báo có đội chiếu phim lên, ai cũng mừng. Thôn có điện đã lâu, gần 100% hộ dân có ti vi, nhiều nhà đã kết nối internet, nhưng nhiều người vẫn thích xem phim màn ảnh rộng. Đến đây, bà con vừa được xem phim, vừa sinh hoạt cộng đồng".

19h, sân nhà văn hóa Khánh Chúc Đồi đã kín người. Điện thoại của Đội trưởng Nguyễn Văn Vinh liên tục đổ chuông vì bà con yêu cầu chiếu sớm. Các thành viên Đội chiếu bóng Ba Vì ăn vội bát cơm để kịp làm nhiệm vụ. Đèn bật chiếu, trẻ em reo hò, người lớn chăm chú. Ánh sáng từ máy chiếu phim phát ra giữa không gian mênh mang, đen đặc của rừng núi Ba Vì vào đêm trông giống như vì sao sáng xuất hiện trên bầu trời. Chiếu xong 30 phút phim thời sự "Lê Trọng Tấn - Một đời binh nghiệp", trời đổ mưa.

"Mưa! Mưa! Mưa! Anh em chuyển máy chiếu vào nhà văn hóa. Nhanh lên. Dây điện ở trong xe, lấy ra nối thêm vào. Bằng mọi giá không hoãn buổi chiếu" - Đội trưởng Nguyễn Văn Vinh vừa chỉ đạo, vừa tất bật chuyển đồ cùng anh em và bà con hỗ trợ.

Chừng 15 phút sau, máy chiếu bật sáng. Những hình ảnh sinh động của bộ phim ăn khách "Vũ điệu tử thần" đến với bà con vùng núi Ba Vì. Nội dung bộ phim tuyên truyền phòng chống ma túy - một đề tài không mới nhưng chưa bao giờ hết tính thời sự nóng hổi được bà con chăm chú theo dõi. Em Nguyễn Tùng Dương, lớp 6B, Trường THCS Khánh Thượng xem đến cảnh các vũ nữ "phê thuốc" quay sang nói với các bạn: "Các cô ấy nghiện ma túy đấy. Nghiện ma túy là xấu, là tự hủy hoại chính mình và gia đình, mình đừng dại mắc phải".

Nhìn lũ trẻ tự rút ra được bài học cho mình khi xem phim, ông Nguyễn Văn Thứ, 75 tuổi, thôn Khánh Chúc Đồi nói: "Những buổi tuyên truyền như thế này thật hiệu quả, vì có nhiều nhân dân trong thôn tới xem. Mấy năm trước thôn còn có người nghiện ma túy, nay hết rồi, người dân vui lắm".

22h, phim "Vũ điệu tử thần" kết thúc, bà con chạy lên hỏi Đội trưởng Nguyễn Văn Vinh: Bao giờ chiếu phim tiếp? Khi biết mấy tháng nữa đội chiếu bóng mới quay lại, nhiều người không giấu nổi sự tiếc nuối. Họ bảo nhau "Nhà nước quy định thế rồi, phải chờ thôi. Anh em còn đi chiếu phim phục vụ bản khác chứ".

2. Tuy không phải "cõng phim" lên bản, các buổi chiếu phim lưu động phục vụ sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở nội thành Hà Nội do Phòng nghiệp vụ thuộc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Hà Nội đảm nhiệm cũng phải thực hiện các công đoạn tương tự. Nhiều năm đi chiếu phim, Trưởng phòng Nguyễn Văn Thụy không kể hết nỗi vất vả mà anh và đồng đội đã trải qua nhằm mang những thước phim sinh động đến cho sinh viên nghèo. Mỗi điểm đến là một kỷ niệm. Kỷ niệm sâu sắc với đội chiếu bóng "hai trong một" này (vừa quản lý, vừa chiếu phim phục vụ) là những buổi chiếu tại hội trường C2, Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBK).

Chỉ cần một tấm pano in chữ "Đoàn thanh niên Đại học Bách khoa Hà Nội" cùng hình ảnh nhân vật chính của bộ phim sắp được trình chiếu, "rạp chiếu phim" hội trường C2 với sức chứa hơn 1.000 người hầu như kín chỗ. Là một khán giả trong buổi chiếu phim "Công chúa tóc xù" vào thời điểm sinh viên ĐHBK thi học kỳ xong, chuẩn bị về quê nghỉ tết, tôi phần nào hiểu được vì sao các buổi chiếu phim ở đây hấp dẫn đến thế.

Anh Lê Xuân Thành, Ủy viên Thường vụ Đoàn trường ĐHBK cho biết: Mặc dù Nhà nước chiếu phim miễn phí phục vụ sinh viên, nhưng mỗi buổi chiếu phim, Đoàn trường thu 10.000 đồng/vé để đóng góp vào Quỹ "Tuổi trẻ Bách Khoa nhân ái". Trung bình hai tháng, Trường ĐHBK tổ chức chiếu phim một lần nên số tiền thu được cũng kha khá. Quỹ này dùng để giúp đỡ các sinh viên Bách khoa có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi và nhiều hoạt động từ thiện, xã hội khác. "Để thu hút người xem, Đoàn trường đặt hàng với Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Hà Nội chiếu các phim vừa đáp ứng được nhu cầu giải trí của tuổi trẻ, vừa mang yếu tố tình cảm cách mạng như phim "Đừng đốt", "Mùi Cỏ cháy", "Cánh đồng bất tận" - Anh Lê Xuân Thành chia sẻ.

Chọn lựa được các bộ phim hài hòa giữa yếu tố chính trị, thẩm mỹ và giải trí, hoạt động chiếu phim lưu động đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần lành mạnh ở Trường ĐHBK. Em Nguyễn Ngọc Sơn, sinh viên K54, Khoa Điện - Điện tử tâm sự: "Xem phim cũng như một buổi sinh hoạt văn hóa, chúng em có cơ hội hiểu biết xã hội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần... Quan trọng hơn, chúng em có cơ hội chia sẻ khó khăn với các bạn có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình".

3. Chiếu phim lưu động, như người ta thường nói, là mang văn hóa đến cho người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa. Nghe "oách" thật đấy, nhưng có đi với họ mới thấy nhiều khi mấy anh chiếu bóng chẳng khác nào mấy anh du lịch bụi, nghỉ đâu là nhà, ngã đâu là giường.

Mê phim từ nhỏ, Đội trưởng Đội chiếu bóng số 3 (Ba Vì) Nguyễn Văn Vinh đi chiếu phim lưu động từ năm 1983 đến nay. Anh kể, nhiều lần đi chiếu ở xã Khánh Thượng, trời mưa, đường đất, xe không đi nổi, anh em ì ạch lội bùn đẩy xe đi từng bước, từng bước một. Trong tình huống ấy, người có thể bị ướt, bị ốm nhưng máy móc và xe cộ thì dứt khoát phải bảo đảm an toàn. Lại có lần chiếu phim xong, bà con yêu cầu được xem tiếp, hết phim này đến phim khác, khi bà con đi về, ngày mới đã đến, anh em đành ngủ lại nơi chiếu phim. Còn chuyện xe bị hỏng, anh em phải ngủ đường là… bình thường.

Khó khăn, gian khổ chẳng có nghĩa lý gì với những người đam mê nghề chiếu phim lưu động, họ chỉ thấy buồn, thấy trăn trở khi nghề của họ bị chính đối tượng họ hướng tới để phục vụ không còn mặn mà như xưa. Kể về những lần đi liên hệ điểm chiếu phim bị cán bộ địa phương từ chối hoặc những buổi chiếu lượng khán giả chỉ nhỉnh hơn người phục vụ chút ít, giọng anh Trần Hồng Quân, cán bộ phòng nghiệp vụ, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Hà Nội chùng xuống. Anh cho biết: "Các đội chiếu bóng có nhiệm vụ đi xóa điểm trắng, nhưng khi đến liên hệ, cán bộ địa phương lấy lý do bận họp, bận đi làm thì anh em không thể bắt buộc họ phải tạo điều kiện cho các đội chiếu phim. Có những địa phương mời các đội đến đàng hoàng, các đội lên lịch, mang máy móc đến thì chính quyền địa phương lại thờ ơ cứ như đội chiếu bóng đến làm phiền, nhờ vả họ. May mắn sao số đó không nhiều, phần lớn người dân vẫn mong muốn mỗi tháng họ được xem phim màn ảnh rộng một lần, cho nên anh em chúng tôi hoạt động hết "công suất" cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu. Đó cũng là động lực để chúng tôi yêu nghề, gắn bó với nghề".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Buồn, vui chiếu phim lưu động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.