(HNM) - Bưởi Diễn là một trong những cây ăn quả chủ lực của Hà Nội. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hiệu quả kinh tế của các mô hình bưởi Diễn rất cao, trung bình từ 300 đến 600 triệu đồng/hécta.
Tỷ lệ đậu quả chưa đến 30%
Năm nay là năm thứ 2 vùng bưởi Diễn tại một số xã Chương Mỹ như: Nam Phương Tiến, Trần Phú, thị trấn Xuân Mai… rơi vào tình trạng mất mùa. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng, toàn xã có trên 120ha sản xuất bưởi Diễn, trung bình mỗi hécta bưởi Diễn cho thu nhập 150 - 450 triệu đồng. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, hầu hết các vườn bưởi Diễn ra hoa nhiều nhưng tỷ lệ đậu quả rất ít, có vườn lơ thơ vài quả, coi như mất trắng.
Hai năm gần đây do yếu tố thời tiết nên bưởi Diễn đậu quả thấp. Ảnh: Vương Trần |
Không chỉ Nam Phương Tiến, một số xã khác trên địa bàn huyện Chương Mỹ cũng rơi vào cảnh mất mùa. Vốn là một trong những vườn bưởi Diễn lớn nhất thị trấn Xuân Mai, ông Nguyễn Đức Thọ - chủ vườn bưởi trên 1ha tại thị trấn cho biết, hai năm trở lại đây, bưởi ra hoa rất nhiều song đến khi đậu quả lại ít. Quả phát triển bằng cái chén là rụng, hoặc không đậu quả. Năm nay, vườn bưởi của gia đình ông thiệt hại nặng bởi tỷ lệ đậu quả chưa đến 30%. Số lượng quả trên mỗi cây chỉ đếm trên đầu ngón tay, trung bình từ 5 đến 7 quả/cây.
Hiện toàn huyện Chương Mỹ có trên 400ha trồng bưởi Diễn. Bưởi Diễn Chương Mỹ đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể. Bưởi trở thành nguồn thu lớn không chỉ cho các xã mà còn cho cả huyện. Do tình trạng mất mùa kéo dài 2 năm khiến năng suất bưởi giảm nên thu nhập của các chủ vườn cũng giảm mạnh, trung bình chỉ đạt 50 - 70 triệu đồng/ha.
Cần sớm khắc phục
Lý giải về tình trạng này, TS Cao Văn Chí - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có múi (Viện Nghiên cứu rau quả) cho rằng: bưởi Diễn ra hoa, đậu quả vào tháng 1 - 2 Âm lịch trùng với thời điểm mưa nhiều, độ ẩm cao, do đó thường xảy ra hiện tượng thối nhũn hoa, đậu quả kém. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho cây dễ bị nhiễm nấm bệnh. Nếu kết hợp với mất cân bằng dinh dưỡng, hiện tượng rụng hoa, quả non diễn ra phức tạp hơn, khó kiểm soát, có thể rụng tới 70 - 80% số hoa, quả trên cây. Ngoài ra, do phát triển bưởi Diễn theo xu hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và phá bỏ cây bưởi chua truyền thống cùng cây bưởi khác dòng… dẫn tới bưởi Diễn không được thụ phấn chéo và bổ sung phấn dẫn tới tình trạng ra hoa nhiều nhưng khả năng thụ phấn, đậu quả thấp.
Theo ông Cao Văn Chí, để khắc phục tình trạng này, cần điều tiết quá trình phát triển cân đối, hài hòa qua các thời kỳ sinh trưởng sinh dưỡng và sinh trưởng. Đất trồng bưởi phải được cải tạo thường xuyên, hằng năm bón bổ sung hàm lượng phân hữu cơ vi sinh, vôi bột, lân để cải tạo đất. Bên cạnh đó, cần áp dụng đúng và triệt để các biện pháp kỹ thuật như: cắt tỉa tạo tán (làm cho cây bưởi thông thoáng) và bón phân phù hợp... Các chủ vườn cũng có thể trồng xen, cắt tỉa để "trẻ hóa" cây bưởi Diễn già cỗi và ghép cải tạo một số giống cây bưởi khác như bưởi Diễn trái chum, bưởi đỏ Tân Lạc (Hòa Bình), bưởi da xanh (Tiền Giang), bưởi đường Cát Quế (Hà Nội), bưởi Hoàng (Hưng Yên)... để tăng khả năng thụ phấn chéo, bổ sung phấn trong giai đoạn cây bưởi Diễn ra hoa, đậu quả.
Để khắc phục tình trạng bưởi mất mùa hoặc bưởi ra quả cách năm, Sở NN&PTNT đã mời các nhà khoa học, các chuyên gia nông nghiệp cùng vào cuộc để làm rõ nguyên nhân, đưa ra giải pháp khắc phục. Được biết, không chỉ giống bưởi Diễn mà hầu hết các giống bưởi khác như: bưởi Đoan Hùng, bưởi Phúc Trạch... cũng cùng chung cảnh ngộ mất mùa do mấy năm gần đây thời tiết biến đổi thất thường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.