Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bưởi Diễn - Nỗi lo bảo tồn giống

Nguyễn Mai - Thu Hằng| 01/09/2010 06:50

(HNM) - Năm 2010 là năm thứ 6 liên tiếp cây bưởi Diễn trên chính đất Phú Diễn (Từ Liêm) mất mùa không rõ nguyên nhân. Bưởi mất mùa không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng bưởi mà nỗi buồn, vẻ lo lắng còn hiển hiện trên khuôn mặt của những người dân, gắn bó với cây bưởi mấy chục năm nay. Họ lo rằng giống cây ăn quả đặc sản vô cùng quý báu của Thủ đô Hà Nội có khả năng mai một.


Điệp khúc mất mùa


Bưởi Diễn - đặc sản quý của đất Hà thành.


Phú Diễn là quê hương của giống bưởi Diễn, một thứ đặc sản quý của Thủ đô Hà Nội. Những bậc thầy về ẩm thực từng ca ngợi loại quả đặc sản này: "Ðây là loại quả lâu niên có da xanh, khi chín đổ màu vàng tươi, vỏ mỏng như tờ giấy, nổi hằn hình múi, mùi thơm mát, ăn vào ngọt mát, tỉnh người". Tương truyền đây là giống bưởi quý, xưa kia chỉ dùng để tiến vua. Những năm trước đây, nhờ phát triển diện tích trồng bưởi, đời sống của người dân trong xã đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, không hiểu vì sao liên tiếp 6 năm gần đây, người dân xã Phú Diễn phải "khóc dở, mếu dở" vì bưởi mất mùa.

Theo thông lệ, bưởi Diễn thường ra hoa vào đầu xuân và mùa thu đến, những trái bưởi đã vàng rực trên cành, nhưng chúng tôi về Phú Diễn vào những ngày thu vàng này, thấy những vườn bưởi ở đây đều trơ lá, lượng quả rất ít và quả nhỏ. Tới thăm vườn của anh Phí Văn Hòa ở thôn Phú Diễn, chúng tôi thực sự bất ngờ khi thấy 6 sào bưởi chỉ loáng thoáng mỗi cây vài quả. Anh Hòa cho biết, cũng vẫn vườn bưởi này, cách đây 7 năm quả rất sai, cho thu hàng trăm triệu đồng, nay vẫn cách chăm sóc như vậy, nhưng không hiểu sao, bưởi lại không có quả. Để chăm sóc vườn bưởi, hằng năm anh đều đầu tư công sức bón phân, tỉa cành nhưng vẫn không hiệu quả. Cùng với anh Hòa, gia đình chị Nguyễn Thị Hoan cũng rơi vào cảnh tương tự. Gia đình chị đã trồng bưởi nhiều năm nay, nhưng vẫn mất mùa liên tiếp, sản lượng giảm đến 80% so với những năm trước. Chán nản, chị Hoan cho biết, nếu tiếp tục mất mùa, gia đình chị sẽ chặt bỏ bưởi, trồng ổi và một số loại rau màu khác.

Theo lãnh đạo UBND xã Phú Diễn, toàn xã có gần 1.300 hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó có khoảng 600 hộ trồng bưởi Diễn với diện tích 50ha. Bưởi Diễn mất mùa liên tiếp nên nhiều hộ trồng bưởi đã bắt đầu nản chí. Nếu như từ năm 2005 về trước, bình quân mỗi hộ thu được 70 - 80 triệu đồng tiền bưởi/năm, có hộ thu trên 100 triệu đồng thì mấy năm lại đây, do mất mùa, có hộ chỉ thu khoảng 20 triệu đồng/năm, có hộ lỗ nặng do phải đầu tư quá lớn.

Chờ... phép màu

Theo ông Nguyễn Văn Cương, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phú Diễn, cây bưởi Diễn liên tiếp mất mùa mà không rõ nguyên nhân. Về kinh nghiệm trồng bưởi thì người Diễn đã có rất nhiều, từ trước đến nay họ vẫn trồng và chăm sóc theo cách truyền thống, cho năng suất cao. Sau khi bưởi mất mùa, nhiều hộ còn công phu thuê người cọ rửa gốc và từng cành nhằm "thay da" cho cây nhưng vẫn không đậu quả. Ngoài những kinh nghiệm truyền thống, để khắc phục tình trạng bưởi mất mùa, HTX rất tích cực phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật IPM (Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp) trên cây ăn quả; chuyển giao tiến bộ KHKT trồng và chăm sóc bưởi Diễn cho nông dân, mời các chuyên gia đầu ngành về cây ăn quả đến nghiên cứu, tìm thuốc chữa trị cho cây bưởi nhưng mất mùa vẫn hoàn mất mùa. Ông Phí Lê Bình, Chủ tịch UBND xã Phú Diễn cho biết, bưởi mất mùa khiến diện tích trồng bưởi Diễn trên địa bàn xã đã và đang thu hẹp dần. Nhiều người dân tâm huyết với cây bưởi chỉ còn biết trông chờ vào "phép màu" sẽ đến để làm hồi sinh giống bưởi Diễn - thứ đặc sản quý giá của đất Hà thành.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bưởi Diễn - Nỗi lo bảo tồn giống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.