(HNM) - Sau 3 năm phải cầu viện gói giải cứu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh Châu Âu (EU) và Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB), nền kinh tế Bồ Đào Nha đã có bước đi lớn thoát ra khỏi chương trình cứu trợ và giành lại lòng tin của các nhà đầu tư.
Theo tuyên bố của Thủ tướng Bồ Đào Nha Passos Coelho trên truyền hình quốc gia ngày 5-5, nước này sẽ chính thức ra khỏi chương trình cứu trợ trị giá 78 tỷ euro vào ngày 17-5. Quyết định này nhận được sự đánh giá cao của nhiều nhà kinh tế khi cho rằng Lisbon đã chứng tỏ sự vượt trội so với các quốc gia trong khu vực.
Dù đạt được bước tiến lớn về kinh tế nhưng Bồ Đào Nha vẫn phải đối mặt nguy cơ bất ổn xã hội vì chính sách "thắt lưng buộc bụng". |
Mặc dù vẫn phải vật lộn để thoát cuộc khủng hoảng nợ công, suy thoái kinh tế và sự phản đối của dân chúng vì những biện pháp "thắt lưng buộc bụng", kinh tế Bồ Đào Nha cũng như chi tiêu tiêu dùng đã bắt đầu phục hồi từ cuối năm ngoái và đạt mức tăng trưởng 1,1%. Dự báo kinh tế Bồ Đào Nha sẽ tăng trưởng 1,3% trong năm nay và 1,5% trong năm tới. Điều này cũng góp phần cải thiện tình hình tài chính công, nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh lên đã giúp tăng thu nhập cá nhân và giảm chi phí. Nhờ vậy, thâm hụt ngân sách nhà nước năm ngoái xuống mức 4,9%, thấp hơn mức 6,4% của năm 2012. Tỷ lệ thất nghiệp ở Bồ Đào Nha cũng đã giảm từ kỷ lục 17,7% vào đầu năm 2013 xuống còn 15,2% trong quý đầu tiên năm 2014. Tuy nhiên, nợ công trong năm ngoái vẫn tương đương 129% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với mức 124,1% của năm trước đó.
Đánh giá lại quá trình nỗ lực của Bồ Đào Nha, không thể bỏ qua các biện pháp thắt chặt kinh tế để giảm thâm hụt ngân sách cũng như mạnh dạn phát hành trái phiếu để huy động tài chính và đẩy mạnh xuất khẩu. Cách đây ít ngày, Bồ Đào Nha đã thu được 1,25 tỷ euro thông qua chương trình phát hành trái phiếu ngắn hạn. Theo Cơ quan quản lý nợ quốc gia, Lisbon đã bán được 925 triệu euro trái phiếu kỳ hạn 1 năm với mức lãi suất 0,597% và 325 triệu euro trái phiếu kỳ hạn 9 tháng với mức lãi suất là 0,487%.
Nhiều nhà phân tích nhận định, sự kiện Bồ Đào Nha quyết định rút khỏi chương trình cứu trợ ngay trước Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) được tổ chức tại Brussels (Bỉ) ngày 5-5 là nhằm "ghi điểm" với các nước đối tác và nâng cao uy tín của chính phủ nước này. Nhưng thị trường tài chính Bồ Đào Nha mới chỉ ở mức tương đối thuận lợi, lòng tin của các nhà đầu tư mới chớm được khôi phục và hiện xuất khẩu của Lisbon vẫn phụ thuộc rất lớn vào môi trường kinh tế chung của EU. Vì vậy, nhiều khả năng sau khi rút khỏi chương trình cứu trợ, Bồ Đào Nha sẽ lựa chọn áp dụng một hạn mức tín dụng phòng ngừa, đồng nghĩa với việc gia tăng giám sát và các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" để tự huy động nguồn tài chính từ thị trường trái phiếu và đạt được tăng trưởng bền vững.
Điều đáng lo ngại vào thời điểm quyết định thoát nợ của xứ Bồ vào lúc này là kế hoạch ngân sách năm 2014 của Lisbon với mục tiêu tiết kiệm 3,9 tỷ euro thông qua việc cắt giảm lương và tiền trợ cấp hưu trí của khu vực công đã vấp phải sự phản đối, chỉ trích mạnh mẽ của người dân. Hầu như cuối tuần nào trên đường phố Lisbon cũng có biểu tình. Như vậy, không khó để nhận ra những thách thức trước mắt của Chính phủ Bồ Đào Nha là vừa giữ được nhịp độ tăng trưởng ổn định lại vừa xoa dịu được cơn thịnh nộ của nhiều tầng lớp dân chúng vốn đã mất kiên nhẫn vì chương trình khắc khổ kéo dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.