(HNM) - Quốc hội (QH) sẽ thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Đây là một điểm mới trong dự thảo đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của QH đang được cử tri đặc biệt quan tâm.
Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn tại dự thảo đề án đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của QH là theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.
Theo đó, việc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành hằng năm đối với chức danh Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch QH, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước. Một điểm đáng chú ý, kết quả bỏ phiếu sẽ được công bố công khai. Người không đủ số phiếu tín nhiệm quá bán so với tổng số đại biểu QH hai lần liên tiếp sẽ được xem xét, trình QH miễn nhiệm hoặc từ chức. Về lộ trình Ủy ban Thường vụ QH sẽ xây dựng quy chế quy định cụ thể quy trình, thủ tục bỏ phiếu tín nhiệm để thảo luận, lấy ý kiến của các đại biểu tại kỳ họp thứ ba và dự kiến sẽ trình QH xem xét, ban hành tại kỳ họp thứ tư, QH khóa XIII.
Quy định bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu và phê chuẩn đã được quy định trong Hiến pháp sửa đổi năm 2001. Luật Tổ chức QH và Luật Hoạt động giám sát cũng đã đề cập tới nội dung này. Song do nhiều lý do khác nhau, việc bỏ phiếu tín nhiệm chưa được thực hiện. Chính vì vậy, khi Ủy ban Thường vụ QH xới lên và mang ra bàn thảo tại kỳ họp vừa qua đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri. Mong muốn việc thực hiện sẽ được triển khai quyết liệt hơn trong thời gian tới song cũng có ý kiến hoài nghi liệu việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh thực hiện hằng năm có thực sự khả thi?
Vẫn còn rào cản
Tại điều 12, Luật Tổ chức của QH có quy định: Ủy ban Thường vụ QH trình QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn khi có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu QH hoặc kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của QH. Tương tự, những nội dung này cũng được quy định tại Điều 13 Luật Hoạt động giám sát của QH. Với những quy định chặt chẽ này, chính các đại biểu QH và không ít cử tri cho rằng, việc thực thi đủ các yếu tố nêu trên là một bài toán khó khả thi khi thực hiện. Bởi để có đủ số lượng 20% đại biểu QH đồng ý thông qua đã là cả một vấn đề khó khăn. Thực tế đã chứng minh, tại kỳ họp thứ 5 QH khóa XI, đã có 5 đại biểu QH đề nghị Ủy ban Thường vụ QH đưa ra QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với các vị bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, Y tế, Bưu chính - Viễn thông và Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục - Thể thao. Sau khi Ủy ban Thường vụ QH gửi văn bản xin ý kiến, hầu hết các đoàn đại biểu QH thống nhất chưa bỏ phiếu tín nhiệm như đề nghị vì chưa đủ các điều kiện của pháp luật.
Hơn nữa, theo phạm vi điều chỉnh của đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của QH, số lượng các chức danh phải bỏ phiếu tín nhiệm là rất rộng. Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương, nếu quy định bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh "do QH bầu hoặc phê chuẩn" thì phải thực hiện bỏ phiếu rất nhiều chức danh, đến cả đoàn thư ký kỳ họp chứ không dừng ở các chức danh nêu trên.
Mặt khác, nếu thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm như dự thảo đề án đổi mới với các chức danh từ Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch QH, các Phó Chủ tịch QH tới Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm các ủy ban QH thì cũng đã rất nhiều. Như vậy, sẽ cần rất nhiều thời gian để thực hiện bởi việc này liên quan trực tiếp tới sinh mạng chính trị của cán bộ, không thể làm nhanh, làm vội. Cần nhiều thời gian - điều này có mâu thuẫn không khi QH đang mong muốn sẽ cải tiến và rút ngắn thời gian các kỳ họp?
Bỏ phiếu tín nhiệm chính là thước đo sự tin cậy của nhân dân đối với các chức danh do QH đại diện cho mình bầu và phê chuẩn. Chủ trương đã có, điều cử tri mong muốn hiện nay là những biện pháp, động thái tích cực để chủ trương sớm đi vào cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.