(HNM) - Sau gần một tháng (từ ngày 19-3-2012) Bộ Tư pháp triển khai đăng ký giao dịch bảo đảm (ĐKGDBĐ) trực tuyến bằng động sản tại địa chỉ website: www.dktructuyen.moj.gov.vn với cơ sở dữ liệu (CSDL) thông tin khá đầy đủ...
www.dktructuyen.moj.gov.vn với cơ sở dữ liệu (CSDL) thông tin khá đầy đủ đã cho thấy những ưu điểm vượt trội so với các hình thức đăng ký trước đây (bưu điện, fax, email…). Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đông Tùng, Phó Cục trưởng Cục ĐKGDBĐ (Bộ Tư pháp) về hệ thống dịch vụ công này.
Trang web của Bộ Tư pháp để triển khai đăng ký giao dịch bảo đảm trực tuyến bằng động sản.
- Ông có thể cho biết việc ĐKGDBĐ trực tuyến bằng động sản như hiện nay có những ưu điểm gì so với các hình thức ĐKGDBĐ trước đây?
- Với hình thức đăng ký trực tuyến, khách hàng chỉ cần thực hiện các thao tác trên máy tính rồi gửi qua mạng mà không cần phải đi đến tận nơi, cũng không mất thời gian chờ đợi. Trước đây, nhận nhiều đơn đăng ký qua đường fax, cơ quan đăng ký phải nhập đơn thủ công, gõ lại nội dung đơn đăng ký để chuyển vào CSDL nên mất nhiều thời gian. Trong khi quy định của Bộ Tư pháp thời hạn nhập đơn là một ngày, kể từ khi nhận đơn (đơn gửi sau 15h có thể kéo dài sang ngày hôm sau). Điều này sẽ gây rủi ro cho bên đăng ký thông tin bởi nếu hai khách hàng cùng gửi sau 15h. Việc đăng ký trực tuyến hiện nay khắc phục được tất cả những điều đó vì tất cả những thông tin đăng ký sẽ được đưa vào CSDL ngay lập tức. Hơn nữa, hình thức này không chỉ có lợi cho khách hàng mà ngay cả đối với 3 trung tâm ĐKGDBĐ (tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh) cũng giảm tải được khối lượng công việc đáng kể.
- Những ưu điểm đó tương ứng thế nào với việc giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC)?
- Tiện ích của hệ thống ĐKGDBĐ trực tuyến bằng động sản là người dân có thể tự tra cứu thông tin về GDBĐ, hợp đồng, tài sản kê biên thông qua hệ thống đăng ký trực tuyến và không phải nộp phí cung cấp thông tin. Việc áp dụng hệ thống đăng ký này cũng sẽ giúp cắt giảm chi phí hành chính do ngân sách nhà nước cấp để bảo đảm hoạt động thường xuyên của các cơ quan ĐKGDBĐ. Đồng thời, tiết kiệm các chi phí về thời gian, đi lại, hành chính… cho cá nhân, tổ chức khi tham gia giao dịch. Theo tính toán, hình thức này giúp giảm tới 70% chi phí tuân thủ TTHC. Có thể nói đây là bước tiến mới của dịch vụ công trong ĐKGDBĐ bằng động sản.
- Những rủi ro mà khách hàng cũng như cơ quan đăng ký có thể gặp phải khi thực hiện hình thức này là gì?
- Có thể khẳng định là hệ thống ĐKGDBĐ bằng động sản (trừ tàu bay, tàu biển) này không có rủi ro nào về phía khách hàng. Hệ thống đăng ký được vận hành trên cơ sở nguyên tắc "thông báo", người yêu cầu đăng ký phải chịu trách nhiệm về nội dung kê khai và thông tin về GDBĐ được đăng ký theo nội dung kê khai này. Người yêu cầu đăng ký phải kê khai nội dung chính xác, đúng sự thật, đúng thỏa thuận của các bên về GDBĐ, hợp đồng. Để sử dụng và hưởng lợi ích từ hệ thống đăng ký trực tuyến về GDBĐ thì tổ chức, cá nhân sử dụng tài khoản đăng ký trực tuyến để truy cập. Tài khoản đăng ký trực tuyến được cấp cho 2 nhóm đối tượng, bao gồm khách hàng thường xuyên và khách hàng vãng lai. Đối với khách hàng thường xuyên, tài khoản do Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ cấp. Những khách hàng chưa đăng ký khách hàng thường xuyên phải gửi hồ sơ đến Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ để được cấp mới số tài khoản và thực hiện đăng ký. Đối với khách hàng vãng lai sẽ sử dụng số biên lai, số thẻ tín dụng, số thẻ ghi nợ để truy cập vào hệ thống đăng ký trực tuyến và thực hiện đăng ký.
- Vậy vấn đề "hậu kiểm" có được đặt ra để bảo đảm các thông tin mà bên yêu cầu đăng ký đã kê khai là chính xác?
- Từ khi xây dựng hệ thống này, vấn đề "hậu kiểm" đã được chúng tôi nêu ra. Đơn trực tuyến gửi đến được phân cho 3 cơ sở đăng ký (Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh). Họ sẽ kiểm tra xem đơn đó có đúng thẩm quyền không, đặc biệt là kiểm tra để ngăn chặn đơn đăng ký có tính chất phá hoại. Có thể khẳng định, so với một số nước trên thế giới, hệ thống đăng ký của Việt Nam có tính ưu việt về chế độ thẩm tra về thẩm quyền pháp lý và những vấn đề mang tính nhạy cảm.
- Bảo mật thông tin là vấn đề mà nhiều người tham gia giao dịch trực tuyến quan tâm, hệ thống này có bảo đảm được điều đó?
- Đây là dịch vụ công liên quan đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và công dân, nên khi thiết kế hệ thống, cùng với những yêu cầu để bảo đảm cho hoạt động nghiệp vụ, thì việc bảo mật tối đa thông tin cho khách hàng cũng được đặt ra. Theo đó, song song với CSDL hệ thống ĐKGDBĐ còn có CSDL khác, tương tự như một ngân hàng lưu trữ dữ liệu để phòng khi xảy ra sự cố đối với hệ thống ĐKGDBĐ trực tuyến thì các dữ liệu của khách hàng vẫn được lưu trữ an toàn. Cần nói rõ, thông tin liên quan đến cá nhân, pháp nhân như tên, ngành nghề kinh doanh… là bảo mật còn những thông tin liên quan đến tài sản ĐKGDBĐ không bảo mật. Điều này nhằm tránh những rủi ro trong các trường hợp tài sản thế chấp nhiều nơi, cao hơn giá trị thực của tài sản.
- Nhìn chung khách hàng hài lòng với hình thức ĐKGDBĐ trực tuyến, tuy nhiên, không ít người cho rằng, tốc độ đường truyền còn chậm, ông có thể cho biết nguyên nhân và hướng khắc phục?
- Đường truyền hơi chậm là do hệ thống đang sử dụng mạng LAN phục vụ chung nhiều công việc. Chúng tôi đã và đang khắc phục để đáp ứng yêu cầu, mang lại sự hài lòng cho tổ chức, công dân khi thực hiện ĐKGDBĐ trực tuyến bằng động sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.