(HNM) - Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng trở nên gắn bó hơn với những hợp tác trong lĩnh vực kinh tế cũng như trong cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp gỡ phái đoàn quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ tại thủ đô Mátxcơva. |
Quan hệ giữa Ankara và Mátxcơva từng “chạm đáy” khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga tại khu vực gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria vào tháng 11-2015. Căng thẳng kéo dài gần 2 năm, cho đến khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan gửi lời xin lỗi Nga, hai nước mới bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ. Nhờ hàng loạt chuyến thăm của lãnh đạo và quan chức cấp cao hai nước, mối quan hệ thăng trầm này dần ghi nhận nhiều hoạt động hợp tác trên cả bình diện song phương và đa phương.
Thêm vào đó, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều đang chịu sức ép kinh tế trước đòn trừng phạt mạnh mẽ của Mỹ. Căng thẳng phủ bóng quan hệ giữa Moscow và phương Tây với những hành động “ăn miếng trả miếng” liên quan tới vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal cùng con gái bị đầu độc hồi đầu tháng 3-2018. Còn Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một đồng minh trong liên minh quân sự NATO của Mỹ đã chấp nhận thương vụ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga bất chấp lời cảnh báo trừng phạt nặng nề từ Washington.
Có thể thấy hàng loạt yếu tố giúp Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dẹp bỏ những bất đồng cũ để xích lại gần nhau. Trong đó, việc đạt được tiếng nói chung trên chiến trường Syria và tìm kiếm những bước đi hòa bình tiếp theo cho cuộc nội chiến đang bước sang năm thứ 8 tại quốc gia Trung Đông này đang là một trong những nội dung được ưu tiên hàng đầu.
Theo các chuyên gia, nút thắt cuối cùng trong vấn đề này hiện nay là lợi ích của các bên tại chiến trường Idlib thuộc miền Tây Bắc Syria - thành trì lớn cuối cùng của phe nổi dậy, là khu vực giảm leo thang quân sự theo thỏa thuận đạt được tại thủ đô Astana (Kazakhstan). Trong thời gian qua, Idlib liên tiếp hứng chịu những trận oanh kích ác liệt do quân đội trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad phát động với mục tiêu cao nhất là giành lại thành trì này.
Giới quan sát nhận định, vấn đề Idlib chính là lý do mà các quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ gồm Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu, Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar và người đứng đầu Cơ quan Tình báo quốc gia (MIT) Hakan Fidan có mặt tại xứ sở Bạch dương. Tại các cuộc gặp riêng rẽ với những người đồng cấp nước chủ nhà và một cuộc gặp chung với Tổng thống V.Putin sau đó, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã trao đổi về những diễn biến mới nhất trên chiến trường Syria.
Hai bên nhất trí cho rằng, một giải pháp quân sự cho vấn đề Idlib sẽ là thảm họa không chỉ riêng đối với khu vực Tây Bắc Syria mà là toàn bộ đất nước Trung Đông này. Việc cần làm hiện nay là tuân thủ lệnh ngừng bắn và duy trì hợp tác, đặc biệt là hồi hương người tị nạn. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Nga tại Idlib để tiêu diệt các phần tử đối lập trong khu vực. Những đề xuất về phương án giải quyết tình hình ở vùng này đã được đưa ra, song không được công khai với báo giới.
Dự kiến vào giữa tháng 9-2018, các quan chức Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran sẽ cùng nhau tới Geneve (Thụy Sĩ) theo lời mời của Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Syria Staffan de Mistura để tham gia cuộc đối thoại về thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria. Các giải pháp chính trị cho vấn đề Syria đang được hình thành, trong đó động lực cho hòa bình tại quốc gia Trung Đông này được mở ra một phần chính nhờ việc Ankara và Moscow chứng tỏ thiện chí từ cả hai phía, hàn gắn rạn nứt quan hệ trong quá khứ, thường xuyên trao đổi và đối thoại để tăng cường tin cậy, hướng tới những hợp tác triển vọng trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.