Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước tiến đáng hoan nghênh

Hoàng Linh| 29/10/2018 05:42

(HNM) - Trước đây, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán với Iran về vấn đề Syria, nhưng Hội nghị Thượng đỉnh lần này đánh dấu sự tham dự của hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức - những quốc gia đóng vai trò quan trọng nhất trong Liên minh châu Âu (EU).

Lãnh đạo Nga, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp tham gia hội nghị tại Istanbul.


Trước đây, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán với Iran về vấn đề Syria, nhưng Hội nghị Thượng đỉnh lần này đánh dấu sự tham dự của hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức - những quốc gia đóng vai trò quan trọng nhất trong Liên minh châu Âu (EU). Bên cạnh đó, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura cũng góp mặt.

Sau 7 năm, cuộc xung đột ở Syria đã làm hơn 360.000 người thiệt mạng và hàng triệu người dân quốc gia Tây Nam Á này phải rời bỏ đất nước đi lánh nạn. Mới đây, Nga với tư cách đồng minh của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí lập một vùng đệm phi quân sự xung quanh Idlib.

Tuy nhiên, động thái này chưa thể hạn chế được bạo lực gia tăng, thậm chí xung đột ngày càng căng thẳng hơn. Trong tuần qua, đã có ít nhất 7 thường dân thiệt mạng, con số lớn nhất kể từ khi vùng đệm được thiết lập. Trước thực trạng đáng lo ngại, các bên liên quan thấy cần thiết phải tổ chức ngay một Hội nghị Thượng đỉnh nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị lâu dài cho cuộc nội chiến Syria.

Trong Tuyên bố chung đưa ra, lãnh đạo bốn nước nhất trí cho rằng cuộc khủng hoảng Syria chỉ có thể được giải quyết bằng biện pháp chính trị - ngoại giao, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của một lệnh ngừng bắn lâu dài tại Syria, cũng như sự cần thiết của cuộc chiến chống lại các nhóm phiến quân. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết của việc tạo điều kiện an toàn trên khắp Syria để người tị nạn tự nguyện trở về, đồng thời nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng nhân đạo tại Idlib.

Đối với mục tiêu này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thúc giục Nga cần phải tạo sức ép rõ ràng và cứng rắn hơn đối với Damascus để bảo đảm lệnh ngừng bắn tại Idlib được thực thi. Các nhà lãnh đạo cũng tái khẳng định lập trường phản đối mạnh mẽ đối với việc sử dụng các loại vũ khí hóa học của bất cứ bên nào ở Syria.

Điểm quan trọng nhất trong Tuyên bố chung là việc các nước đã lên tiếng kêu gọi thành lập một Ủy ban soạn thảo hiến pháp Syria trước khi năm 2018 kết thúc. Có thể nói, đây là công việc trước tiên cần làm nếu muốn theo đuổi lộ trình tổ chức một cuộc tổng tuyển cử, mở ra cơ hội hòa bình cho đất nước đang ngập tràn bất ổn bởi chiến tranh.

Tuy nhiên, vấn đề này đang vấp phải nhiều trắc trở bởi trước thềm hội nghị, Chính phủ Syria đã lên tiếng phản đối thành phần của Ủy ban theo đề xuất của Liên hợp quốc (gồm 150 người, trong đó có 50 người do Chính phủ Syria đề xuất, 50 người của phe đối lập và 50 người của Liên hợp quốc). Damascus khẳng định, việc soạn thảo hiến pháp là vấn đề mang tính chủ quyền, do đó phải để người dân nước này tự quyết định mà không có bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài.

Theo nhận định của giới quan sát, hội nghị lần này tuy đã thể hiện được tiếng nói chung của các bên liên quan nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu và lộ trình cụ thể trong thời gian tới. Vẫn còn vô số "mảnh ghép" mà hội nghị chưa nhắc đến, đơn cử như vai trò của Mỹ, vốn đang hiện diện mạnh mẽ tại Syria. Mặc dù vậy, việc thống nhất về hướng giải quyết chỉ sử dụng các biện pháp chính trị - ngoại giao cũng là bước tiến mới đáng hoan nghênh.

Thực tế cho thấy, muốn giải được bài toán Syria một cách ổn thỏa, các bên cần nỗ lực hơn nữa, trong đó cần xem xét yếu tố nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của người dân quốc gia này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước tiến đáng hoan nghênh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.