(HNM) - Cuộc triệt thoái một lực lượng tinh nhuệ nhất của Mỹ đã và đang diễn ra tại Irắc trong 24 giờ qua. Lễ bàn giao nhiệm vụ giữa lính thủy đánh bộ cho lực lượng lục quân Mỹ chính thức diễn ra ngày 23-1 (giờ địa phương), tại căn cứ Ramađi, thuộc tỉnh Anba, lớn nhất Irắc, nơi từng diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt nhất trong những năm qua.
Quá trình chuyển quyền chỉ huy được thực hiện dưới sự chứng kiến của các quan chức quân sự Mỹ và một số lãnh đạo dòng Xănni có thế lực ở tỉnh Anba. Như vậy, sứ mệnh 7 năm qua của đội quân này tại chiến trường khốc liệt - xứ sở "Nghìn lẻ một đêm" - đã khép lại. Dự kiến, những đơn vị lính thủy đánh bộ cuối cùng sẽ cùng nhiều binh lính khác rời Irắc trong những tháng tới. Theo thỏa thuận giữa Mỹ với Irắc, quân tham chiến Mỹ bắt đầu rời các khu vực đô thị vào cuối tháng 6-2009 và toàn bộ quân Mỹ sẽ rời khỏi Irắc vào cuối năm 2011, đầu 2012. Việc lục quân Mỹ tiếp quản các thành phố còn "nóng" tại Irắc sau khi các đơn vị lính thủy đánh bộ rời đi đã khẳng định mối quan tâm không đổi của Tổng thống Mỹ Barắc Ôbama trong thực hiện đúng kế hoạch rút quân khỏi nước này.
Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ đang rút khỏi tỉnh Anba, phía tây Irắc. |
Với người dân Irắc, việc quân đội Mỹ rút đi để lại nhiều suy nghĩ khác nhau. Ăn mừng cũng có, lo lắng cũng nhiều. Thực tế, sự can thiệp sâu của quân đội Mỹ tại quốc gia Trung Cận Đông này, trong một thời gian dài, đã tạo ra tâm lý chán nản trong lòng người dân Irắc. Họ cảm thấy chủ quyền của mình đã quá bị lệ thuộc. Bởi vậy, khi Thủ tướng N.A.Maliki và Tổng thống B.Ôbama đạt được thỏa thuận từng bước để lính Mỹ rút dần khỏi Irắc, nhiều người dân đã xuống đường ăn mừng, háo hức khi quyền kiểm soát đất nước được người Mỹ trao lại sau những năm dài chiến tranh. Tuy nhiên, nếu một chính phủ đủ mạnh để có thể đảm đương trách nhiệm ấy thì có lẽ sự kiện lực lượng tinh nhuệ Mỹ rút khỏi Irắc đã không được dư luận vùng Vịnh và quốc tế chú ý trong những giờ qua. Điều khiến dư luận quan tâm là sau bước thoái lui chiến lược này, các cuộc tấn công của lực lượng chống đối tại Irắc có thể tăng với mức độ ác liệt hơn trước. Hàng loạt các vụ đánh bom liều chết gây thương vong lớn trong lúc lực lượng thiện chiến Mỹ rời Anba đã dấy lên lo ngại về tình hình an ninh của Irắc khi được trao cho quân đội chính quốc.
Trong lúc những người "lính cổ da" Mỹ rời khỏi chiến trường, thì chính trường quốc gia này đang chất chồng những mâu thuẫn, bất đồng giữa các giáo phái trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội, dự kiến vào ngày 7-3 tới. Việc hơn 500 ứng cử viên, trong đó có các đảng viên đảng Bát, liên quan đến cựu Tổng thống Xátđam Hútxen, bị cấm ra tranh cử đã làm gia tăng căng thẳng lâu nay giữa cộng đồng người Hồi giáo dòng Xiai, chiếm đa số đang nắm quyền tại Irắc, với người Xănni thiểu số. Điều này được xem là sẽ khuyến khích các phe nhóm sử dụng bạo lực để giành ghế nơi nghị trường và khi Oasinhtơn hoàn tất việc rút quân, rất có thể, Irắc sẽ rơi vào một cuộc nội chiến…
Trong khi đó, quyết tâm của Tổng thống B.Ôbama rút hết binh lính khỏi "vũng lầy" Irắc là câu trả lời dứt khoát của vị tổng thống da màu này nhằm giải quyết hậu quả của người tiền nhiệm để lại; đồng thời tăng sức chiến đấu cho chiến trường Ápganixtan để thực hiện chiến lược mới của Oasinhtơn trong cuộc chiến chống khủng bố. Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ chưa thật sự phục hồi, kế hoạch cải tổ hệ thống ngân hàng nội địa của Nhà Trắng gặp khó khăn, đảng Dân chủ cầm quyền vừa mất đa số ghế tuyệt đối tại thượng viện... thì việc rút quân tuy là lối thoát hẹp cũng đủ giúp người dân Mỹ bớt đi mối lo về một khoản tiêu hao người và của không nhỏ tại Irắc.
Một lực lượng được coi là xương sống trong quân đội Mỹ đang rời Irắc đã nói lên quyết tâm chiến lược của Nhà Trắng tại chiến trường này. Tới đây, người dân quốc gia vùng Vịnh này sẽ phải tự xoay sở cho sự an nguy của chính họ. Tuy nhiên, trong bối cảnh môi trường đầu tư, kinh doanh nơi đây đang bị hủy hoại do các vụ đánh bom liều chết liên tục xảy ra cùng xung đột sắc tộc đang có nguy cơ bùng nổ khiến tương lai của quốc gia này còn mịt mờ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.