Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước ngoặt trên đường đua

Quỳnh Chi| 20/03/2012 06:00

(HNM) - Chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp đã bước sang một ngã rẽ mới với việc các ứng cử viên hoàn tất quy trình nộp danh sách 500 chữ ký ủng hộ của các chính khách, quan chức chính quyền theo luật định.

Theo công bố của Hội đồng Hiến pháp ngày 19-3, các ứng cử viên được "chốt lại" gồm: Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy - đại diện Liên minh Cánh hữu vì phong trào nhân dân (UMP), Chủ tịch đảng Xã hội cánh tả (PS) Francois Hollande, đảng Mặt trận dân tộc (FN) với đại diện là bà Marine Le Pen cùng đại diện các đảng khác là Phong trào Dân chủ (Modem), Mặt trận Cánh tả, đảng Sinh thái Châu Âu - đảng Xanh (EEVL), phong trào Thức tỉnh nền Cộng hòa, Công nhân đấu tranh (LO), đảng Chống chủ nghĩa tư bản mới (NPA). Ứng cử viên thứ 10, Jacques Cheminade, được xem là nhân vật có đường lối cánh tả, từng là ứng cử viên Tổng thống Pháp năm 1995.

Đường đua đến Điện Elysée đã chuyển sang bước ngoặt mới.

Có tới 10 ứng cử viên tham gia chặng cuối cuộc tranh cử tổng thống, song nhiều người cho rằng, đây sẽ chỉ là cuộc đua song mã giữa đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy và Chủ tịch PS Francois Hollande. Hiện tại, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, khoảng cách giữa ứng cử viên có tỷ lệ ủng hộ cao thứ ba là bà Marine Le Pen với hai "tay đua" dẫn đầu là khá lớn. Dù được đánh giá là một "ẩn số" có nhiều khả năng bứt phá trong chặng "nước rút", song nữ ứng cử viên duy nhất này khó có thể vượt qua con số 20% phiếu bầu. Còn đại diện của Liên minh Vì nền dân chủ Pháp (UDF) Francois Bayrou đứng thứ tư với 12% số phiếu ủng hộ.

Theo đánh giá của nhiều nhà phân tích, kịch tính trên đường đua tới Điện Elysée năm nay sẽ được đẩy cao khi hai ứng cử viên hàng đầu luôn có tỷ lệ ủng hộ sát nút trong các cuộc thăm dò dư luận trước thềm cuộc bầu cử vòng 1 sẽ diễn ra vào ngày 22-4 tới. Gần đây nhất, sau khi viện IFOP công bố kết quả thăm dò dư luận, lần đầu tiên Tổng thống N.Sarkozy qua mặt được đối thủ F.Hollande. Một cuộc điều tra dư luận khác của Viện Sofrès lại xếp ứng cử viên của PS dẫn đầu với số phiếu ủng hộ 30% - một tỷ lệ hầu như không thay đổi từ hai tuần qua. Trong lúc ông N.Sarkozy chỉ được 26%.

Với tỷ lệ ủng hộ không vượt quá 50%, hai ứng cử viên có số điểm cao nhất sẽ buộc phải bước vào vòng bầu cử thứ hai, dự kiến diễn ra vào ngày 5-5. Đây mới là chặng đường chông gai với Tổng thống N.Sarkozy vì mọi kết quả thăm dò dư luận đều cho thấy ứng cử viên F.Hollande sẽ chiếm thế thượng phong với khoảng cách 8 điểm.

Hiện tại, cương lĩnh tranh cử của Tổng thống N.Sarkozy và đối thủ F.Hollande đều tập trung vào vấn đề nợ công ở Châu Âu và nền kinh tế èo uột của chính nước Pháp với tỷ lệ thất nghiệp 9,3%, mức cao nhất trong 12 năm qua khiến 1 triệu người mất việc. Hai ông đều khẳng định ưu tiên làm lành mạnh nền tài chính công.

Tuy nhiên, lợi thế của F.Hollande là một số cải cách hợp lòng dân như xem xét lại một số chính sách gây phản ứng trong dân chúng dưới thời Tổng thống N.Sarkozy như: chính sách thuế, chính sách hưu trí và cải cách y tế. Ngoài ra, sự tiến bộ từng ngày của đại diện PS trong các cuộc tranh luận công khai đã giúp xóa bỏ hình ảnh một F.Hollande thiếu quyết đoán, ít kinh nghiệm chính trị trước đây và ghi thêm nhiều điểm cộng cho ứng cử viên 58 tuổi này.

Còn Tổng thống Pháp N.Sarkozy, dù đang bị coi là "yếu thế" trước ứng cử viên Cánh tả, song không phải không có cơ hội đảo ngược thế cờ. Át chủ bài trong tay vị tổng thống đương nhiệm là kinh nghiệm chính trường và sự ủng hộ từ một số quốc gia trong khu vực mà ông có được sau những biến động tại Trung Đông và Bắc Phi. Trong "kỷ nguyên N.Sarkozy", những rạn vỡ trong mối quan hệ với các đồng minh quan trọng như Anh, Mỹ dưới thời người tiền nhiệm Jacques Chirac đã được hàn gắn. Đây là điều mà ứng cử viên F.Hollande không có. Ngoài ra, Tổng thống N.Sarkozy cũng có khả năng gây bất ngờ nhờ lá phiếu của các cử tri ủng hộ phe cực hữu với chính sách mới vừa tung ra nhằm tăng cường kiểm soát đối với người nhập cư.

Thế nhưng, với món nợ công lên tới 85,4% tổng sản phẩm quốc nội và nguy cơ bất ổn xã hội luôn rình rập, hứa hẹn sẽ không có tuần trăng mật cho bất kỳ ứng cử viên nào giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp lần này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bước ngoặt trên đường đua

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.