(HNM) - Dù không đạt được thỏa thuận về việc tổ chức thêm các cuộc gặp với Bình Nhưỡng, song hai bên chấp nhận sẽ duy trì liên lạc thông qua
Đó là kết quả khá khiêm tốn mà đặc phái viên Mỹ phụ trách về chính sách với Triều Tiên Glyn Davies và Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Triều Tiên Kim Kye Gwan vừa đạt được sau hai ngày (23 và 24-2) đàm phán song phương tại Bắc Kinh (Trung Quốc).
Diễn ra trong bối cảnh tình hình bán đảo Triều Tiên có nhiều biến động, cuộc tiếp xúc cấp cao song phương đầu tiên kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong il qua đời tháng 12 năm ngoái được xem là cơ hội quan trọng để Mỹ và Triều Tiên thăm dò thái độ của nhau. Đây cũng là vòng đàm phán song phương thứ ba giữa hai bên kể từ mùa hè năm ngoái, nhằm tái khởi động tiến trình đàm phán sáu bên "đổi viện trợ lấy giải trừ hạt nhân" mà Triều Tiên tuyên bố rút lui năm 2009. Vì thế, làm thế nào để đẩy nhanh tiến trình đầy cam go này, bao gồm một cơ sở làm giàu urani của Triều Tiên đặt tại Yongbyon, vấn đề không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và viện trợ nhân đạo là những nội dung quan trọng trong cuộc đối thoại này. Tuy nhiên, việc hai bên chỉ "đạt được một chút tiến triển" như khẳng định của Đặc phái viên Mỹ Glyn Davies cho biết trong cuộc gặp báo giới sau khi kết thúc hội đàm đã không làm thỏa mãn sự trông đợi của các bên liên quan.
Đặc phái viên Mỹ phụ trách về chính sách với Triều Tiên Glyn Davies gặp báo chí.
Thực tế cho thấy, hy vọng đạt đến một kết quả đột phá sau cuộc đối thoại cấp cao song phương lần này đã được giới phân tích nhận định khó có cơ sở trở thành hiện thực. Kết quả trên cũng phần nào phản ánh đúng "tinh thần" mà các bên liên quan từng thể hiện thời gian qua, đặc biệt sau khi Bình Nhưỡng đơn phương rút khỏi vòng đàm phán sáu bên tháng 4-2009 để đáp lại thái độ thù địch của Mỹ. Không chỉ dừng lại ở những cuộc khẩu chiến quyết liệt, Triều Tiên còn tiến hành thử hạt nhân như để thể hiện sức mạnh trước những cuộc tập trận chung thường xuyên giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Cùng với một loạt hoạt động ngoại giao con thoi của các bên liên quan sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-ul lên kế nhiệm, những tín hiệu tích cực từ đầu năm đến nay được kỳ vọng sẽ đem lại đổi thay trên bán đảo Triều Tiên trong năm 2012. Cương lĩnh của đảng Đại dân tộc (GNP) cầm quyền tại Hàn Quốc mới đây đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của phương thức tiếp cận mới "mềm dẻo" hơn với Triều Tiên để thu hẹp bất đồng. Sự điều chỉnh chiến lược của GNP với phần lãnh thổ phía bắc không chỉ góp phần giúp Tổng thống Lee Myung-bak giành lại uy tín với cử tri Hàn Quốc khi cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 4 và bầu cử tổng thống vào tháng 12 tới đang đến gần, mà còn phát đi tín hiệu lạc quan về tương lai trên bán đảo Triều Tiên trong năm 2012.
Song "bước đột phá vẫn còn ở rất xa" như khẳng định của ông Glyn Davies sau cuộc đối thoại với Triều Tiên một lần nữa cho thấy, bước khởi động để đi tới vòng đàm phán sáu bên vẫn còn khá xa và sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn. Nhận định này càng có cơ sở bởi đến nay Triều Tiên chưa hề thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào là sẽ từ bỏ tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân như "con át chủ bài" để mặc cả trên bàn đàm phán. Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc lại không ngừng gây sức ép bằng các cuộc tập trận chung. Cuộc tập trận chung thường niên mang tên "Giải pháp then chốt" dự kiến diễn ra từ ngày 27-2 đến 9-3, với sự tham gia của 200.000 lính Hàn Quốc và 2.100 lính Mỹ và cuộc tập trận thực địa "Đại bàng non" từ ngày 1-3 đến 30-4 tới, với sự góp mặt của quân nhân Hàn Quốc cùng 11.000 lính Mỹ sẽ khiến tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng hơn.
Hy vọng rồi lại bế tắc là những trạng thái không còn mới lạ mỗi khi thế giới nói đến tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Thật khó để tìm ra tiếng nói chung khi Bình Nhưỡng muốn ngồi vào bàn đàm phán vô điều kiện, còn Washington lại kiên quyết đòi Triều Tiên phải đóng cửa nhà máy làm giàu uranium trước rồi mới tính đến chuyện thương thuyết. Dù chỉ đạt được một chút tiến triển, nhưng cuộc đối thoại vừa khép lại phát đi tín hiệu cho thấy nhà lãnh đạo mới của Triều Tiên Kim Jong-ul đã sẵn sàng giao thiệp với Washington để giải quyết chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi trên bán đảo Triều Tiên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.