(HNM) - Sau một thời gian nỗ lực triển khai mô hình cơ quan điện tử (CQĐT) đồng bộ từ quận đến các phường, bộ máy các cơ quan hành chính quận Long Biên đã thay đổi căn bản phương pháp, lề lối làm việc. Đây chính là tiền đề vững chắc để quận xây dựng chính quyền điện tử, tạo bước đột phá trong quản lý và hướng tới sự hài lòng của người dân.
Số hóa môi trường làm việc
Kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn quận Long Biên đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn khi từ đầu năm 2016 đến nay, ở cấp phường có 100% hồ sơ hành chính được giải quyết đúng hạn; cấp quận chỉ còn 0,2% hồ sơ chưa đúng hạn. Để đạt được kết quả này là quyết tâm rất cao của quận Long Biên đối với công tác cải cách hành chính (CCHC), trong đó, việc xây dựng mô hình CQĐT được quận đặc biệt quan tâm.
Theo hệ thống đánh giá sự hài lòng của người dân từ đầu năm 2016 đến nay của quận Long Biên, ở cấp quận có 9.545 ý kiến đánh giá thì có 98,48% ý kiến đánh giá rất hài lòng; 1,52% ý kiến đánh giá hài lòng và không có ý kiến đánh giá không hài lòng. Tương tự, ở cấp phường, trong 68.410 ý kiến đánh giá có 1,74% đánh giá rất hài lòng; 98,25% hài lòng và 0,01% ý kiến đánh giá không hài lòng về biểu mẫu, thời gian. |
Từ thành quả của năm 2015 là đã thiết lập được hệ thống bộ phận “một cửa” tại quận và các đơn vị theo nguyên tắc đầu tư tập trung, thống nhất, hiện đại và đồng bộ nên ngay từ đầu năm 2016, quận Long Biên đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình CQĐT cấp phường. Theo đó, các phường đều phải khai thác tốt các trang thiết bị được đầu tư như: Hệ thống máy tính, máy xếp hàng, camera giám sát, máy đánh giá hài lòng, máy quét mã vạch, máy scan, máy in… để phục vụ hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết TTHC. Lãnh đạo phường bắt buộc phải sử dụng các trang thiết bị số cầm tay (iPad, điện thoại thông minh) đã được quận trang bị để tra cứu, khai thác, điều hành công việc.
Bí thư Đảng ủy phường Gia Thụy Nguyễn Thị Tùng Chinh, Trưởng ban Chỉ đạo công nghệ thông tin (CNTT) phường cho biết: “Hằng ngày, lãnh đạo và cán bộ, công chức phường phải mở email ít nhất 4 lần để nhận và xử lý công việc. Việc thao tác thường xuyên như vậy đòi hỏi sự chuyên nghiệp trong xử lý công việc trên máy tính. Qua đó, chúng tôi hạn chế được việc in văn bản giấy, đặc biệt là lãnh đạo dù đi họp vẫn có thể xử lý được những việc cấp bách”. Chính việc theo dõi công việc sát sao tất cả các quy trình trên môi trường mạng như vậy đã góp phần đưa kết quả giải quyết TTHC của phường đạt kết quả cao. Tính đến ngày 30-11-2016, phường Gia Thụy đã tiếp nhận và giải quyết 15.716 hồ sơ mà không có hồ sơ chậm hẹn.
Còn tại phường Bồ Đề, Ban Chỉ đạo CNTT phường đã tổ chức tập huấn cho các bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố về ứng dụng CNTT với các nội dung: Làm quen với máy tính, khai thác thông tin trên cổng thông tin điện tử phường, sử dụng hộp thư công vụ. Với sự quyết tâm đồng bộ của các đơn vị, đến nay, 100% các phòng, ban, đơn vị thuộc quận Long Biên và các phường đã thực hiện chương trình công tác được xây dựng chi tiết theo năm, theo tháng và tuần. Chính vì vậy, năm 2015 toàn quận mới có 4/14 phường được công nhận đạt chuẩn mô hình CQĐT, thì năm 2016 sẽ có toàn bộ 14/14 phường đạt chuẩn.
Con người là nhân tố quyết định
Xác định công tác CCHC muốn có kết quả cao thì điều quan trọng nhất là yếu tố con người nên cùng với việc đầu tư máy móc, trang thiết bị, quận Long Biên luôn quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). Quận xây dựng tiêu chí chuyên nghiệp của đội ngũ CBCCVC thành 3 nhóm: Ý thức chấp hành kỷ luật; trình độ kiến thức và kỹ năng thực thi công vụ. Trên cơ sở đó, 4.496 CBCCVC, người lao động của quận, phường và các trường học đã tham gia cam kết thực hiện “phong cách chuyên nghiệp” (đạt tỷ lệ 100%).
Khi mô hình CQĐT đã trở thành nền nếp, điểm khác biệt rõ nét trong CCHC ở quận Long Biên là CBCCVC có sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cá nhân trong thực thi công vụ. Mỗi người đều tuân thủ nghiêm các quy trình, quy định trong giải quyết công việc, thể hiện được kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp ứng xử.
Phó chánh Văn phòng UBND quận Long Biên Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Việc xây dựng CQĐT là sự thay đổi tư duy lớn theo từng giai đoạn. Nếu như giai đoạn 2010-2015 mục tiêu chúng tôi đặt ra là giải quyết TTHC đúng thời hạn và nay đã đạt được thì giai đoạn 2016-2020 là nâng cao thái độ phục vụ để nâng tỷ lệ hài lòng của người dân”. Song, không dừng lại ở kết quả đó, quận Long Biên vẫn đang đặt ra mục tiêu nâng cao hơn nữa mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính. Trước mắt, cùng với việc duy trì kết quả đạt được, quận tập trung thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 đối với các TTHC theo chỉ đạo của thành phố.
Đối chiếu Kế hoạch CCHC nhà nước của TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020, đến thời điểm này, quận Long Biên đã sớm hoàn thành nhiều chỉ tiêu của các nội dung về: Cải cách thể chế; cải cách TTHC; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC; hiện đại hóa hành chính và CNTT. Đó là kết quả tất yếu của việc xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC cũng như sự chủ động nghiên cứu, sáng tạo, quyết liệt áp dụng những giải pháp mới để tạo ra các khâu đột phá trong quản lý, điều hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.