(HNM) - Tại hội nghị ứng dụng CNTT trong ngành y tế diễn ra tại Hà Nội gần đây, chủ đề ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh từ xa đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đây được coi là một trong các giải pháp làm giảm sự quá tải tại các bệnh viện
Mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe
Theo các chuyên gia công nghệ, ứng dụng công nghệ vào chăm sóc sức khỏe từ xa (hệ thống Telemedicine) đã có từ 25 năm nay. Hình thức khám, chữa bệnh qua Telemedicine đã được triển khai, áp dụng thành công tại một số nước phát triển trên thế giới. Telemedicine có thể được vận hành trên môi trường mạng internet có sẵn tại Việt Nam như FTTH, ADSL, 3G.
Việc bồi dưỡng kỹ thuật cao cho các bác sĩ sẽ tạo đột phá trong khám chữa bệnh. Ảnh: Sơn Hà |
Sự tiến bộ của công nghệ thông tin viễn thông ngày nay cho phép truyền tức khắc những thông tin không chỉ ở dạng lời nói, văn bản hoặc hình ảnh đơn lẻ mà còn cả những hình ảnh sống động gồm: Hình ảnh X quang động, hình ảnh siêu âm, điện tâm đồ, não đồ, hình ảnh nội soi… Nhờ đó, hệ thống Telemedicine giúp thực hiện các giao tiếp giữa bệnh nhân và nhân viên y tế thuận tiện hơn. Hệ thống này cho phép thúc đẩy nhiều dịch vụ khám, chữa bệnh, tư vấn, chuyển giao kỹ thuật y tế từ xa, kết nối kiến thức giữa các trung tâm y tế; đưa chuyên gia y tế về vùng sâu, vùng xa, xóa bỏ rào cản khoảng cách địa lý giữa người bệnh và bác sĩ. Điều này đặc biệt có ý nghĩa với những nơi có điều kiện y tế thấp tại Việt Nam, cần sự hỗ trợ từ các BV đầu ngành.
Ngoài ra, hệ thống khám, chữa bệnh từ xa cũng góp phần giảm nhu cầu chuyển lên tuyến trên của người bệnh, góp phần giảm tải cho các BV tuyến trên, giảm chi phí đi lại cho bệnh nhân. Qua hệ thống, các bác sĩ và nhân viên y tế có thể đưa ra các kết luận chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh mà không cần có mặt tại phòng khám. Họ có thể ngồi tại chỗ mà vẫn có thể khai thác đầy đủ thông tin về tình trạng người bệnh như: Tiền sử bệnh, kết quả thăm khám, xét nghiệm (huyết học, sinh hóa, vi sinh, tế bào…), thăm dò chức năng (điện tim, điện não đồ, chức năng hô hấp…).
Hiệu quả cho vùng sâu, vùng xa
Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Phương - Cục Thông tin, Bộ Y tế, ngành hiện có nhu cầu cao về ứng dụng CNTT thông qua một số hoạt động như: Điều trị, y tế, dự phòng, dược, an toàn vệ sinh thực phẩm… Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng Lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến năm 2020, trong đó ưu tiên các dịch vụ hành chính công, nghiên cứu cơ chế, thuê dịch vụ CNTT... KS Lê Vương Quý, BV trung ương Quân đội 108 cũng cho biết, hiện BV được chọn làm trung tâm kết nối hoạt động Telemedicine trong toàn quân. Trong giai đoạn đầu, Telemedicine sẽ kết nối với các BV trong quân đội như 175, 103, 105, 87... và chú trọng đến phục vụ công tác y tế biển đảo. "Việc vận chuyển bệnh nhân vào đất liền trong điều kiện hiện nay rất phức tạp và tốn kém, do vậy nếu làm tốt công tác huấn luyện đào tạo hằng ngày cho lực lượng y, bác sĩ tại đảo qua hệ thống Telemedicine sẽ rất hữu ích trong quá trình cấp cứu và điều trị cho người bệnh, bảo đảm sức khỏe cho bộ đội, ngư dân, tiết kiệm chi phí", KS Lê Vương Quý khẳng định.
Phó Giám đốc BV Bạch Mai, GS.TS Phạm Minh Thông cũng cho biết, BV đã có kế hoạch xây dựng hệ thống Telemedicine thông qua 3 dự án thuộc các lĩnh vực, như: Dự án BV vệ tinh chuyên ngành tim mạch; dự án BV vệ tinh chuyên ngành ung bướu và dự án Hỗ trợ vùng Đông Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng. Qua hệ thống khám, chữa bệnh từ xa, toàn bộ phòng mổ, phẫu thuật, kỹ thuật thăm dò, phòng họp liên quan đến chuyên ngành tim mạch… sẽ được kết nối tại BV Bạch Mai. Cũng theo GS Phạm Minh Thông: "Xây dựng hệ thống Telemedicine tại BV Bạch Mai là rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng tăng cường hội nhập quốc tế, trong đó gồm có lĩnh vực y tế. Khi áp dụng Telemedicine, đội ngũ y bác sĩ, chuyên gia tại Việt Nam sẽ có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ các chuyên gia nước ngoài hoặc phối hợp nhằm kiểm soát và dập tắt các đại dịch có nguy cơ diễn ra trên quy mô toàn cầu".
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điểm hạn chế của Telemedicine hiện nay là các vấn đề liên quan đến đạo đức trong y học cũng như các chi phí trong việc sử dụng dịch vụ, tổ chức, văn hóa và khoảng cách địa lý… Những vấn đề này cần được lưu ý trong quá trình xây dựng hệ thống khám, chữa bệnh từ xa để hình thức này có thể mở ra bước phát triển mới cho công tác khám, chữa bệnh của ngành y tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.