(HNM) - Thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) là một phương thức hiện đại đang được Việt Nam thực hiện thí điểm và đang dần khẳng định hiệu quả trong thực tiễn. Song để tạo được sự lan tỏa, thực hiện đồng bộ trên phạm vi toàn quốc là việc không dễ dàng, đòi hỏi sự quyết tâm cao của từng cán bộ, từng đơn vị cũng như ý thức chấp hành của các doanh nghiệp (DN).
Gần 28 tỷ USD hàng xuất khẩu ứng dụng TTHQĐT
Được triển khai thí điểm tại TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng từ năm 2005, nhưng phải đến năm 2010 mới là năm bứt phá thực sự mạnh mẽ khi toàn ngành hải quan thực hiện Quyết định 103/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mở rộng thí điểm TTHQĐT. Thực tế cho thấy, việc ứng dụng TTHQĐT không chỉ là vấn đề riêng của ngành hải quan mà còn thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng DN, chính quyền địa phương các cấp. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến cuối năm 2010, có 13 cục hải quan địa phương, với tổng số 70 chi cục, thực hiện TTHQĐT. Số lượng tờ khai thực hiện TTHQĐT là 254.248 bộ, tổng kim ngạch XNK đạt 27,926 tỷ USD, thu thuế XNK được 41.592 tỷ VND. TTHQĐT đã có mặt ở 20 tỉnh, thành phố trọng điểm về kinh tế, những địa phương này chiếm đến 90% tổng giá trị kim ngạch XNK hằng năm của cả nước… Phó Trưởng ban Cải cách, hiện đại hóa Tổng cục Hải quan Nguyễn Mạnh Tùng cho biết, trong nhiều năm gắn bó với ngành, có lẽ chưa vấn đề nào của ngành thu hút được sự quan tâm lớn từ nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều giới như TTHQĐT. Hàng trăm buổi hội thảo, tập huấn, đào tạo đã được thực hiện từ cấp tổng cục, cấp cục và chi cục trong năm 2010 và đã thu hút hàng ngàn lượt DN tham gia. Tại lễ triển khai TTHQĐT tại Hưng Yên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Hào chia sẻ, Hưng Yên luôn nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) để tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Việc ngành hải quan cho phép triển khai sớm TTHQĐT tại địa phương rất phù hợp với mục tiêu của Hưng Yên và đó còn là cú hích thúc đẩy việc ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, việc vận động, tuyên truyền để DN hiểu rõ lợi ích của TTHQĐT đòi hỏi mỗi cán bộ hải quan trực tiếp làm nhiệm vụ phải hết sức kiên trì và nắm vững vấn đề. Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Nguyễn Văn Trường cho biết: Vận động DN ở địa bàn còn khó khăn về cơ sở hạ tầng là vất vả nhất. Nhiều nơi, lãnh đạo Cục phải "xắn tay" cùng cán bộ thuyết phục DN. Chẳng hạn như ở Chi cục Hải quan Phú Thọ, đích thân ông Nguyễn Văn Trường phải vượt gần 100km từ Hà Nội lên Phú Thọ, để cùng lãnh đạo chi cục đến gặp lãnh đạo DN tuyên truyền, vận động họ tham gia.
Điện tử hóa để loại bỏ tiêu cực
Mặc dù mới chỉ trong giai đoạn triển khai thí điểm tại một số địa phương song TTHQĐT đã được cộng đồng DN đón nhận. Ông Lê Xuân Vinh, Phó Trưởng phòng Mua hàng Công ty Machino (Hà Nội) cho biết, công ty thực hiện khai hải quan điện tử tại Chi cục Hải quan KCN Bắc Thăng Long (Cục Hải quan Hà Nội) từ tháng 8-2010. Hiện nay, bộ phận làm về khai báo hải quan của công ty đã giảm từ 4 người xuống còn 2 người do việc khai báo được thực hiện trực tiếp từ máy vi tính và thông qua internet. Theo ông Vinh, TTHQĐT đã giúp tạo dựng tác phong làm việc mới chuyên nghiệp, hiện đại, bởi TTHQĐT buộc nhân viên phải "chuẩn" về trình độ, thao tác… Đồng tình với các ý kiến này, ông Phí Văn Cương - Trưởng phòng XNK Công ty Samsung Vina (Bắc Ninh) cho biết thêm, hiện nay trung bình mỗi ngày công ty mở 300 bộ tờ khai hải quan, ngày cao điểm lên đến 500 bộ, nhưng bộ phận làm thủ tục hải quan cũng chỉ cần có 3 người. Đã có đến 10 năm gắn bó với hoạt động XNK, nên ông Phí Văn Cương hiểu rằng nếu không có TTHQĐT, cứ khai báo thủ công như trước thì số lượng cán bộ ít ỏi như thế sẽ không thể nào thực hiện được. Sự nhanh chóng, tiện lợi của khai báo hải quan điện tử cũng giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty được thực hiện liên tục và giảm được thời gian hàng hóa lưu kho…
Điều mà nhiều DN cảm thấy yên tâm là việc giao dịch thông qua hệ thống internet đã hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên hải quan và DN, giúp hạn chế tiêu cực. Theo ông Nguyễn Mạnh Tùng, TTHQĐT trong năm 2010 đã có bước tiến vượt bậc cả về lượng và chất, tạo tiền đề quan trọng cho những định hướng mở rộng triển khai TTHQĐT trong năm 2011. Năm nay, TTHQĐT sẽ được đẩy mạnh cả về bề rộng lẫn chiều sâu và công nghệ (cả phần cứng, phần mềm)… nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi việc thực hiện thủ tục hải quan từ thủ công sang tự động hóa theo mục tiêu của Chính phủ đã đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.