(HNM) - Từ hôm nay 10-8, TP Hà Nội chính thức đưa vào vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tại 144 phường thuộc 10 quận, cùng với hai quận đã thực hiện thí điểm trước đó là Long Biên và Nam Từ Liêm.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính tạo thuận lợi cho công dân Thủ đô thực hiện các giao dịch với chính quyền.Ảnh: Viết Thành |
Với bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC) này, công dân Thủ đô có thể yên tâm đăng ký hồ sơ trực tuyến mọi lúc, mọi nơi. Đây là bước đi quan trọng để cuối năm nay Hà Nội sẽ triển khai hệ thống này tại tất cả 584 xã, phường, thị trấn trên địa bàn.
Sẵn sàng phục vụ và hỗ trợ người dân
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới chiều 9-8 cho thấy, các quận tiếp tục tổ chức các đoàn đi kiểm tra trực tiếp tại các phường về công tác chuẩn bị cho ngày đầu tiên áp dụng thực hiện cung cấp DVCTT cấp phường. Nhìn chung, các đơn vị đã có sự chuẩn bị chu đáo, đều đã xây dựng quy trình chuẩn, nêu rõ các bước thực hiện; rõ người thực hiện và thời hạn thực hiện từng loại công việc. Theo đó, một số thủ tục thuộc lĩnh vực tư pháp được thực hiện trong ngày làm việc; một số thủ tục được thực hiện trong 3 ngày (giảm 2 ngày so với quy định). Đối với các thủ tục liên thông (đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú; đăng ký khai sinh - cấp thẻ bảo hiểm y tế) chỉ còn thực hiện trong 3 ngày làm việc (giảm 4 ngày so với quy định).
Là đơn vị thực hiện thí điểm cung cấp DVCTT cấp phường từ tháng 1-2016, quận Nam Từ Liêm luôn xác định phải có đội ngũ chuyên phục vụ người dân ở bộ phận "một cửa". Khi người dân đến, cán bộ sẽ hướng dẫn hoặc khai hộ. Tại quận Hà Đông, công tác triển khai cũng được thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của thành phố. Ba tháng qua, quận chú trọng bố trí nhân lực có trình độ chuyên môn và đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả khi bắt tay vào thực hiện. Phó Chánh Văn phòng UBND quận Hà Đông Thái Thị Thùy Linh cho biết: "Với đặc thù địa bàn rộng, gồm 17 phường, trong đó có những phường xa trung tâm (như: Biên Giang, Đồng Mai, Yên Nghĩa, Dương Nội) nên quận tăng cường tuyên truyền về DVCTT bằng nhiều hình thức: Trên Cổng thông tin điện tử, các hội nghị tổ dân phố, trên loa truyền thanh... để người dân biết và phối hợp thực hiện".
Cho rằng việc áp dụng mô hình mới này không gặp bỡ ngỡ do đã chủ động triển khai từ trước, cán bộ bộ phận "một cửa" phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) Ngô Thị Nhung, cho biết: "Qua hơn 6 tháng triển khai DVCTT mức 3 thì bên cạnh những thuận lợi còn có cả khó khăn. Đó là thời gian đầu mạng còn chưa ổn định, phần mềm còn lỗi nên có lúc không cập nhật được đúng thời hạn trả kết quả. Và một thực tế là nhiều người dân trên địa bàn chưa quen sử dụng công nghệ nên chưa hào hứng ứng dụng. Dù phường đã thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền nhưng đến nay chưa có hồ sơ nào do người dân tự nộp qua mạng, chỉ có một số ít nộp qua mạng là do cán bộ trực tiếp hướng dẫn".
Tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp
Tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 9-8, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànộimới về sự chuẩn bị cho việc triển khai DVCTT mức độ 3 trên các phường còn lại, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Phan Lan Tú cho biết: Đến nay, hệ thống hạ tầng công nghệ đã sẵn sàng, với máy móc, phần mềm đồng bộ, có thể vận hành ổn định phục vụ nhân dân.
Theo bà Phan Lan Tú, giai đoạn 2016-2020, UBND thành phố đã định hướng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung thống nhất trên một hệ thống. Vì vậy, bên cạnh việc ban hành chương trình, kế hoạch, thành phố tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách TTHC, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục để tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân. Thành phố đã thuê dịch vụ của Trung tâm Dữ liệu chính - Tập đoàn Viettel; duy trì Trung tâm Dữ liệu dự phòng tại Sở Thông tin và Truyền thông; hoàn thành kết nối mạng WAN đến 584 xã, phường, thị trấn phục vụ khai thác cơ sở dữ liệu dân cư và các dịch vụ công dùng chung của thành phố; bàn giao và lắp đặt máy tính để triển khai cho 168 phường, thuộc 12 quận.
Bà Phan Lan Tú cũng chia sẻ, việc triển khai DVCTT sẽ thay đổi hoàn toàn phương thức làm việc, do đó có thể nảy sinh khó khăn, vướng mắc trong thời gian đầu; đòi hỏi sự quyết liệt của lãnh đạo và sự sâu sát của các cơ quan chuyên môn. Để chuẩn bị nhân lực, thành phố đã tập huấn cho 9.300 cán bộ cấp xã, phường. Sau khi tập huấn, sẽ có đội kỹ thuật sẵn sàng hỗ trợ các quận, phường triển khai dịch vụ này.
Cán bộ CATP Hà Nội hướng dẫn người dân đăng ký cấp hộ chiếu qua mạng. |
Trả lời câu hỏi về việc bảo đảm an ninh cho hệ thống DVCTT trước các cuộc tấn công của tin tặc, bà Phan Lan Tú cho biết: Hệ thống DVCTT sử dụng hệ thống riêng; các thiết bị được rà soát bảo đảm mã độc không thể xâm nhập. Ngoài ra, thành phố sẽ thành lập Trung tâm Giám sát để phòng ngừa sự cố, sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất ngờ. Dự kiến, đến hết năm 2016 DVCTT sẽ được triển khai tại tất cả 584 xã, phường trên địa bàn Hà Nội, với thiết kế bảo đảm thân thiện, dễ sử dụng. Khi truy cập địa chỉ: http://dichvucong.hanoi.
gov.vn/, người dân sẽ được hướng dẫn đầy đủ, chi tiết, có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ được cung cấp. Tuy nhiên, việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân vào dịch vụ hoàn toàn mới mẻ này còn phụ thuộc vào mức độ tham gia của người dân và chỉ có thể biết được sau khi triển khai một thời gian - bà Phan Lan Tú khẳng định.
Việc triển khai DVCTT mức độ 3 là cần thiết, mang lại thuận lợi cho tổ chức, công dân. Theo lộ trình, hết năm 2016 TP Hà Nội sẽ triển khai tại tất cả 584 xã, phường, thị trấn; song song với việc triển khai DVCTT mức độ 3, sẽ thí điểm cung cấp DVCTT mức độ 4. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, cùng với việc nâng chất lượng hạ tầng cơ sở, bố trí nhân lực, các đơn vị cần căn cứ tình hình thực tế của địa phương, đưa ra cách làm phù hợp, hiệu quả hơn nữa trong công tác tuyên truyền. Bởi yếu tố quan trọng để "chính quyền điện tử" hoạt động hiệu quả là phải có "công dân điện tử".
Chủ tịch UBND phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) Nguyễn Văn Minh: "Việc áp dụng mô hình DVCTT mức độ 3 là cần thiết và mang lại hiệu quả rõ nét về chất lượng công việc, rút ngắn thời gian và chi phí của tổ chức, công dân. Song, cũng cần nghiên cứu để bảo đảm tính xác thực của hồ sơ khi nộp qua mạng, cũng như tránh tình trạng cập nhật sai thông tin khi có sự cố lỗi mạng hoặc mất điện xảy ra". |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.