(HNM) - Với sự chỉ đạo, điều hành sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, công tác cải cách hành chính (CCHC) nói chung và cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nói riêng năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đặc biệt, việc hoàn thành giai đoạn 1 của Đề án Đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (gọi tắt là Đề án 30) theo đúng kế hoạch, cùng với việc công bố Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC đã tăng tính minh bạch của hệ thống thể chế, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình cải cách TTHC ở nước ta.
Chung tay cải cách hành chính
Đề án 30 được triển khai nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch của TTHC; tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và DN trong tiếp cận TTHC; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy hành chính và thúc đẩy phát triển KT-XH; góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân giám sát việc thực hiện TTHC tại các cơ quan hành chính các cấp. Đây có thể coi là bước đột phá trong tiến trình cải cách TTHC ở nước ta. Đề án 30 đã được triển khai đồng loạt, huy động được sự vào cuộc của tất cả các cơ quan hành chính từ TƯ đến địa phương, bao gồm hơn 10.000 đơn vị cấp xã, khoảng 700 đơn vị cấp huyện, 1.300 sở, ngành cấp tỉnh, 400 vụ, cục, đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ. Kết quả của việc "Chung tay" này chính là mốc son lịch sử: lần đầu tiên sau 64 năm thành lập nước CHXHCN Việt Nam, Chính phủ đã tập hợp, xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC áp dụng tại bốn cấp chính quyền với hơn 5.700 TTHC, trên 9.000 văn bản quy định và trên 100.000 biểu mẫu thống kê TTHC. Để xây dựng được bộ dữ liệu có quy mô đồ sộ như vậy, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước đã áp dụng những hệ thống tương tự theo hướng tiếp cận TTHC một cách đơn giản, thuận tiện nhất. Mỗi cá nhân, tổ chức chỉ cần kết nối internet đều có thể tra cứu, tìm hiểu về mọi TTHC đang được áp dụng tại các bộ, ngành và địa phương trên cả nước. Không những thế, cơ sở dữ liệu còn góp phần giảm thiểu thời gian và chi phí cả cho cơ quan quản lý nhà nước lẫn DN trong quá trình tuân thủ và triển khai TTHC. Song, đó chưa phải là mục tiêu cuối cùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: Giao chỉ tiêu cho các bộ, ngành, địa phương sau khi kết thúc giai đoạn 2 của Đề án 30 phải đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa tối thiểu 30% các quy định hiện hành về TTHC. Việc thực hiện chỉ tiêu đơn giản hóa này phải gắn với việc giảm chi phí xã hội.
Thay đổi thói quen của cán bộ
Năm vừa qua cũng là năm mà hiệu quả của việc thực hiện giải quyết TTHC theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" được thực hiện rộng rãi nhất từ trước đến nay. Các cấp, các ngành đều đã triển khai thực hiện cơ chế này. Với cơ chế này, quy trình giao nhận, giải quyết hồ sơ đều thuộc trách nhiệm của cơ quan hành chính, liên hoàn, rút ngắn thời gian thực hiện. Công dân, tổ chức và DN có nhu cầu giải quyết HSHC chỉ đến nộp hồ sơ và nhận kết quả tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả ("một cửa") nên không phải đi lại nhiều lần; và điều quan trọng là đã hạn chế được tiêu cực phát sinh do cán bộ chuyên môn không có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với đối tượng cần giải quyết TTHC.
Với mỗi loại TTHC thuộc thẩm quyền của từng cấp, từng ngành đều phải công khai quy trình và thời hạn giải quyết để tổ chức và công dân biết. Do vậy người dân đã đỡ ngần ngại hơn mỗi khi có việc cần phải đến các đơn vị hành chính, có cơ sở để đối chiếu, giám sát cách làm của cán bộ; cán bộ cũng nhìn vào đó để thực hiện cho đúng và cũng không còn mất nhiều thời gian trực tiếp giải thích, hướng dẫn từng người.
Hà Nội đi đầu
Trước ngưỡng cửa ngàn năm tuổi và trong giai đoạn cuối thực hiện kế hoạch 5 năm 2006-2010 và Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2001-2010, TP Hà Nội đã chọn CCHC là khâu đột phá và thực tế đã có những chuyển biến tích cực trong công tác này. Những khó khăn về cơ chế, chính sách, TTHC, vốn đầu tư đã được nhiều ngành quan tâm, tập trung tháo gỡ; cơ chế "một cửa" đã được 100% các đơn vị triển khai.
Dù rằng còn bộn bề công việc do mới mở rộng địa giới hành chính nhưng TP Hà Nội đã nỗ lực thực hiện giai đoạn 1 của Đề án 30 và kết quả là đã công bố bộ TTHC của cấp huyện, cấp xã, các sở, ngành thuộc TP (gồm 1.811 thủ tục). Trong năm qua, thành phố đã tăng cường kiểm tra, giám sát công tác CCHC tại nhiều đơn vị, đồng thời kiểm tra đột xuất và "hậu kiểm" gần 30 đơn vị để đánh giá thực chất việc chuyển biến của từng cơ quan hành chính, chất lượng, tác phong phục vụ của cán bộ công chức khi phục vụ nhân dân giải quyết TTHC. Việc kiểm tra đột xuất này không chỉ kịp thời phát hiện những sai sót của cán bộ, giải quyết triệt để các vấn đề bức xúc của công dân mà còn hướng dẫn các đơn vị thực hiện các quy định; thay đổi cách nghĩ, cách làm theo thói quen của một số cán bộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.