Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước đột phá phát triển hạ tầng

Thùy Linh| 25/08/2010 07:28

(HNM) - Ngày 24-8, TP Hồ Chí Minh đã khởi công xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành - Tham Lương với hạng mục depot (nhà ga và trạm bảo trì) tại phường Tân Thới Nhất, quận 12. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến dự và phát lệnh khởi công dự án.


Đột phá phát triển hạ tầng

Phát biểu tại buổi lễ khởi công, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những nỗ lực của TP và các đơn vị liên quan trong công tác chuẩn bị để khởi công tuyến tàu điện ngầm (metro) này. Phó Thủ tướng đánh giá, tuyến metro số 2 có vai trò rất quan trọng vì là một trong những dự án nằm trong chiến lược phát triển của nước ta trong những năm tới đây, là sự đột phá phát triển cơ sở hạ tầng, trên cơ sở đó phát triển kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế của TP Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và cả nước. Với vai trò như vậy, việc xây dựng thành công dự án có ý nghĩa rất quan trọng. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT phối hợp tốt với TP giải quyết những khó khăn vướng mắc phát sinh xung quanh dự án; lãnh đạo TP, các ban, ngành liên quan và người dân trong vùng tiếp tục thực hiện tốt các công tác phục vụ để dự án được triển khai kịp tiến độ và thời hạn. Phó Thủ tướng đánh giá, công tác giải phóng mặt bằng quyết định đến 50% sự thành công của dự án, vì vậy, TP và các ngành liên quan phải làm tốt công tác này, đền bù đúng cơ chế và chính sách của Nhà nước, bảo đảm quyền lợi của người dân.

Phối cảnh depot Tham Lương.

Tuyến metro số 2 có điểm đầu là bến xe Tây Ninh (An Sương) và điểm cuối là khu đô thị mới Thủ Thiêm. Dự án có tổng mức đầu tư gần 24 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,25 tỷ USD), được hợp vốn từ nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước Việt Nam. Trong đó, khoản viện trợ không hoàn lại của KfW là 85,75 triệu euro. Tuyến có chiều dài hơn 11,3km, đi qua các quận 1, 3, 10, Tân Bình, Tân Phú và quận 12. Trong đó, đoạn đi ngầm dài hơn 9,3km và đoạn đi trên cao dài gần 0,8km. Khi đưa vào khai thác, tuyến metro này sẽ là một trong các tuyến xuyên tâm quan trọng từ Đông Nam sang Tây Bắc, kết nối khu Tây Bắc với quận 12, các khu dân cư có mật độ cao như Bảy Hiền, Ông Tạ, các khu vực thường bị ùn tắc giao thông như Cách mạng Tháng Tám (quận 3, quận 10). Đây cũng là cầu nối lớn nhất về vận tải hành khách giữa hai bờ sông Sài Gòn và trong tương lai sẽ đón hầu hết hành khách của đường sắt cao tốc Bắc Nam vào đến Bến Thành. Dự kiến, năm 2016 tuyến metro này sẽ được vận hành chạy thử và đưa vào khai thác.

TP Hồ Chí Minh sẽ có 6 tuyến metro

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, TP sẽ có 6 tuyến tàu điện ngầm với tổng chiều dài khoảng 109km. Trong đó, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã được khởi công xây dựng hạng mục depot tại Long Bình (quận 9) vào tháng 2-2008. Tuyến metro này dài 19,7km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức của TP Hồ Chí Minh và huyện Dĩ An (Bình Dương). Khi đưa vào sử dụng sẽ vận chuyển được khoảng 526.000 khách/ngày. Dự kiến tuyến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014 và đến đầu năm 2015 sẽ chính thức đưa vào khai thác.

Cũng như tuyến metro số 1 và 2, các tuyến metro số 3, 4, 5, 6 đa phần kết nối từ trung tâm TP đến các vùng ven và các đô thị xung quanh thuộc các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An… nhằm giảm áp lực giao thông đường bộ căng thẳng trong TP và kết nối giao thông trong khu vực. Trong đó, tuyến metro số 3 có chiều dài 29km, tổng mức đầu tư dự kiến 2,2 tỷ USD, chịu trách nhiệm chuyên chở từ hướng Đông Bắc - Tây Nam qua khu vực trung tâm. Tuyến số 4 bắt đầu từ ga Thạnh Xuân (quận 12) đến ga Nhà Bè (huyện Nhà Bè) với tổng chiều dài 33,7km, tổng mức đầu tư dự kiến 1,3 tỷ USD. Tuyến metro số 5 có điểm đầu là ga Bến xe Cần Giuộc (quận 8) và điểm cuối là ga Tân Cảng (quận Bình Thạnh) với chiều dài là 26km, tổng mức đầu tư dự kiến 9.600 tỷ đồng. Các dự án này đang hoàn thiện lập dự án và kêu gọi đầu tư. Hiện tuyến metro số 5 và số 6 cũng đã được Công ty Idom Ingenieria Consultoria S.A. (Tây Ban Nha) hỗ trợ kỹ thuật thực hiện nghiên cứu khả thi xây dựng. Vào ngày 15-12-2009, Chính phủ Tây Ban Nha và Chính phủ Việt Nam cũng đã ký Bản ghi nhớ về khoản tài trợ 500 triệu euro để thực hiện một tuyến đường sắt đô thị tại TP Hồ Chí Minh, dự kiến là tuyến metro số 5.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước đột phá phát triển hạ tầng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.