Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước đột phá, phát huy hiệu quả

Lê Hương| 07/06/2011 06:41

(HNM) - Luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý (diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý) là một công việc khó khăn và nhạy cảm khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính. Tuy nhiên, 82% cán bộ diện luân chuyển được đánh giá

Kết quả này khẳng định hiệu quả cách làm công khai, dân chủ và sáng tạo của Đảng bộ TP Hà Nội, đồng thời thể hiện rõ quyết tâm của Thành ủy trong thực hiện khâu đột phá về công tác cán bộ. Đây là căn cứ quan trọng để Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chủ trương này sau ĐH Đảng bộ TP lần thứ XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Giảm chồng chéo, tăng nguồn cho cơ sở


Luân chuyển, tăng cường cán bộ cho cơ sở góp phần giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh từ thực tế, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở từng địa phương nói riêng và thành phố nói chung. Ảnh: Đàm Duy


Thử thách lớn đối với Hà Nội trong quá trình sắp xếp tổ chức, cán bộ khi hợp nhất, đó là số lượng cán bộ chủ chốt rất đông. Với quyết tâm tạo đột phá trong công tác này, Hà Nội đã mạnh dạn đề xuất và được TƯ đồng ý, 3 tháng sau hợp nhất (11-2008), thành phố đã lên phương án luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý (về làm Phó Bí thư và Phó Chủ tịch UBND các quận, huyện). Phương án được đưa ra bàn bạc công khai, dân chủ và đã có 30% cán bộ (diện luân chuyển) xung phong luân chuyển. Năm 2009, Thành ủy đã thực hiện 3 đợt luân chuyển 57 đồng chí, năm 2010 tiếp tục luân chuyển 6 đồng chí về công tác tại quận, huyện, sở, ban, ngành của TP và cơ quan TƯ.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ngô Đại Ngọc được luân chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn năm 2009, trực tiếp phụ trách mảng nông nghiệp. Đúng sở trường, năng lực, đồng chí đã cùng tập thể UBND huyện tham mưu cho Huyện ủy ban hành nghị quyết chuyên đề về dồn ô đổi thửa - cơ sở để Sóc Sơn chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị thu nhập. Làm điểm tại 2 xã Tân Hưng, Minh Trí cho kết quả khả quan, từ 11-28 thửa manh mún, giờ mỗi hộ chỉ còn 2 thửa, tiện lợi cho canh tác, huyện Sóc Sơn quyết định nhân rộng, phấn đấu đến năm 2013 hoàn thành dồn ô đổi thửa...

Là một trong 12 cán bộ nữ được luân chuyển (năm 2009), Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng (trước đó là Phó ban Dân vận Thành ủy Hà Nội) Nguyễn Lan Hương cho rằng, mình đã được rất nhiều: Kiến thức phong phú, toàn diện; có kinh nghiệm, phương pháp lãnh đạo, đặc biệt là kỹ năng xử lý các tình huống, vụ việc phức tạp… Đồng chí thực sự trưởng thành tại nơi được luân chuyển đến, từ Phó Bí thư được đảng viên trong Đảng bộ quận tín nhiệm bầu làm Bí thư Quận ủy.

Xét về cả lý luận và thực tiễn thì đây là chủ trương đúng và trúng, giúp Hà Nội giải quyết được những thách thức đặt ra trong thực tiễn, giảm sự chồng chéo, tăng nguồn hỗ trợ cho cơ sở, giúp chủ động củng cố kiện toàn tổ chức, bộ máy, bố trí sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo để thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội, được TƯ đánh giá cao, tạo dư luận tốt trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, để lại nhiều kinh nghiệm quý để cấp ủy, chính quyền TP tổ chức thực hiện tốt những công việc lớn, quan trọng khác.

Xây dựng đội ngũ cán bộ đồng bộ

Những thành công trong công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý là minh chứng cho quyết tâm tạo đột phá trong công tác cán bộ của TP. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái cho biết, để xây dựng đội ngũ cán bộ một cách chủ động, đồng bộ, theo quy chế, quy trình chặt chẽ, suốt nhiệm kỳ 2005-2010, Đảng bộ TP đã tập trung cho việc xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy, quy chế phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, đồng thời rà soát tổ chức bộ máy, biên chế để sắp xếp, bố trí lại theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, phát huy hiệu quả năng lực lãnh đạo của cán bộ cấp ủy, chính quyền các cấp.

Đặc biệt, Thành ủy đã sửa đổi, bổ sung và xây dựng một số quy chế, quy định về công tác tổ chức, cán bộ như, quy định về phân công, phân cấp quản lý cán bộ theo hướng đẩy mạnh phân cấp cho cơ sở. Mặt khác, Thành ủy điều chỉnh lại những bất hợp lý về phân công, phân cấp quản lý đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý theo thẩm quyền; quy chế bổ nhiệm cán bộ; quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ chủ chốt MTTQ TP, các xã, phường, thị trấn... Điều này đã giúp mở rộng công khai, dân chủ trong tuyển chọn cán bộ, tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ các cấp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Cũng nhờ phương châm chỉ đạo công khai, dân chủ, sáng tạo, không chỉ riêng công tác luân chuyển, Hà Nội còn tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chính sách cán bộ, là cơ sở quan trọng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của TP. Trong nhiệm kỳ 2005-2010, hơn 1.600 cán bộ được đưa vào quy hoạch dự nguồn các chức danh lãnh đạo diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Hơn 467.000 lượt cán bộ, công chức được nâng cao trình độ chuyên môn; chưa kể gần 6.000 đồng chí học trung cấp, cao cấp lý luận chính trị; hơn 200 cán bộ đi đào tạo bồi dưỡng ở nước ngoài... Đội ngũ cán bộ công chức của Hà Nội ngày càng vững mạnh. Ngoài luân chuyển 63 cán bộ lãnh đạo, quản lý (2009-2010), Thành ủy đã bổ nhiệm, điều động, luân chuyển 931 cán bộ lãnh đạo, quản lý khác, bảo đảm cho bộ máy của TP sau điều chỉnh địa giới hành chính vận hành thông suốt, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của Thủ đô.

Đẩy mạnh luân chuyển cán bộ sau bầu cử HĐND các cấp
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, ngay sau khi kiện toàn xong bộ máy tổ chức chính quyền các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, Thành ủy tiếp tục đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ. Cán bộ, nhất là cán bộ trẻ đã được quy hoạch dự bị các chức danh tiếp tục được luân chuyển về cơ sở để rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm, hoặc bố trí tiếp cận chức danh được quy hoạch. Thành ủy cũng tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế về đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đề bạt, luân chuyển và thực hiện chính sách cán bộ theo tinh thần Nghị quyết ĐH lần thứ XI của Đảng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước đột phá, phát huy hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.