(HNM) - Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa tổng duyệt vở “Ngạ quỷ” của tác giả - Đại đức Thích Nguyên Thanh, do Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương, NSƯT Triệu Trung Kiên đạo diễn với nhiều thử nghiệm mang tính đột phá.
Một cảnh trong buổi tổng duyệt vở “Ngạ quỷ”. |
Trước giờ ra mắt, đạo diễn Triệu Trung Kiên nhắn nhủ: “Sẽ lạ lẫm lắm với người ở lâu trong sân khấu truyền thống”. Xác định tâm thế nhưng người xem không tránh khỏi bất ngờ. Vở diễn thuộc thể loại giả tưởng, kết hợp với hư cấu lịch sử để truyền tải thông điệp kêu gọi con người sống hướng thiện. Theo quan điểm Phật giáo, tùy nghiệp của mỗi người mà sau khi chết sẽ thác sinh vào 6 cõi luân hồi: Cõi trời, cõi thần, cõi người, cõi súc sinh, cõi ngạ quỷ, cõi địa ngục. 6 cảnh giới này là chủ đề phổ biến trong nghệ thuật Phật giáo, nhưng ít ai chọn cõi ngạ quỷ để xây dựng tác phẩm. Ngạ quỷ là cõi của những kẻ khi sống ở dương gian từng gieo nhân dữ, chúng sống kiếp vật vờ, cố bám víu con người để tiếp tục gây họa. Nhân vật huyền bí và khó tưởng tượng ấy bước vào sân khấu cải lương lần này thật khéo qua hình thức con rối, tài tình thay, có thể làm được việc kết nối 2 khối sự kiện ở 2 nền văn hóa cách nhau đến cả nghìn năm.
Phần lớn vở diễn là chuyện về hôn quân Nhật Lễ thời nhà Trần. Mẹ Nhật Lễ là kép hát, bị Cung Túc vương bắt về làm vợ khi đang mang thai. Thời thế đổi thay, Nhật Lễ được Hiến Từ Thái hậu đưa lên làm vua và gây biến loạn, suýt làm triều Trần dứt thống. Còn chuyện thứ 2 là về gian thần tên Đồ Ngạn Giả ở cuối thế kỷ V trước Công nguyên, vào thời Xuân Thu - Trung Quốc, đã hãm hại và đẩy họ Triệu chịu án tru di tam tộc. Ê kíp sáng tạo giả định Đồ Ngạn Giả chết đi phải thác sinh vào cõi ngạ quỷ, linh hồn bám vào các con rối, chi phối số phận của Nhật Lễ. Chính thủ pháp này đã lý giải được bản chất cái ác của hôn quân Nhật Lễ.
Đây được xem là lần kết hợp đầu tiên giữa nghệ thuật cải lương và múa rối. Phần dàn dựng múa rối của NSND Tiến Dũng với rối tay, rối que, rối dây, rối người xuất hiện trong các lớp kịch, khiến khán giả vô cùng thích thú. Múa rối ở đây không chỉ là góp trò vui, mà trở thành một phần cốt yếu của vở diễn, tạo nên những tình huống, nút thắt và mở cho tác phẩm. Sân khấu chỉ có duy nhất mô hình bánh xe luân hồi - hình tượng gợi quan niệm trong đạo Phật. Bánh xe ấy có hai mặt biểu trưng cho cuộc vương giả nơi cung đình và cuộc sống bần hàn nơi dân dã, các góc trên đó được sắp đặt thành những không gian ước lệ khác nhau phục vụ cho từng cảnh diễn. Phục trang của diễn viên không mô phỏng theo triều đại nào, mà theo phong cách biểu trưng. Chẳng hạn, vua mặc áo vàng thêu hình rồng thời Trần vắt chéo qua vai…
Nhưng vẫn phải nói đến điểm nổi bật nhất của một vở cải lương là diễn xuất và ca. Điều này ở "Ngạ quỷ", khán giả được thỏa mãn. Từ lớp diễn viên lâu năm của Nhà hát như Văn Đáng, Minh Phương, Thiên Hoa, Xuân Thông, Quang Khải đến lứa trẻ là Minh Hải, Minh Lý đều diễn nhuần nhuyễn và "tới" được nhân vật, dù có người chỉ bằng giọng nói, tiếng ca. Rất nhiều lần khán giả đã vỗ tay không ngớt sau những phần ca dài và hay. Đặc biệt, diễn viên Văn Đáng thể hiện xuất sắc cả phần múa rối, mà bản thân anh đã mất ăn mất ngủ, miệt mài luyện tập suốt mấy tháng.
Đây là tác phẩm được Bộ VH-TT&DL đặt hàng và Nhà hát Cải lương Việt Nam thử nghiệm để tìm hướng đi mới cho sân khấu. Theo đạo diễn Triệu Trung Kiên, sẽ có nhiều bản dựng trên nhiều mô hình sân khấu để có thể đưa tác phẩm tới các địa phương khác nhau, phục vụ nhiều tầng lớp khán giả với mức độ cảm thụ khác nhau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.