(HNM) - Dù Đại sứ quán Mỹ tại Cuba đã được vận hành cách đây gần một tháng nhưng sáng 14-8 (giờ địa phương), lá cờ sao và vạch được kéo lên nóc Đại sứ quán Mỹ tại quốc đảo Caribe vẫn là sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận khu vực và quốc tế.
Hơn thế, sự có mặt của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại lễ Thượng cờ và khai trương Đại sứ quán Mỹ tại La Habana sau hơn 50 năm gián đoạn được coi là bước ngoặt trong lịch sử. Đây là một sự kiện không chỉ Mỹ và Cuba mong đợi mà còn được cả cộng đồng quốc tế quan tâm. Người dân Cuba hy vọng đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước và mang đến những thay đổi tích cực.
Đại sứ quán Mỹ tại Cuba. |
Việc Cuba và Mỹ mở lại Đại sứ quán tại thủ đô của nhau là một động thái biểu tượng cho sự thay đổi trong chính sách của Mỹ mà Tổng thống Barack Obama tuyên bố ngày 17-12-2014, thay thế cho sự thù địch và âm mưu lật đổ - từng dẫn đến việc cắt đứt quan hệ hai nước cách đây 54 năm - bằng cam kết và hợp tác. Sự kiện mở lại hai Đại sứ quán tại thủ đô hai nước còn có những lợi ích thiết thực quan trọng khác. Thực tế, Cuba và Mỹ từng có đại diện ngoại giao tại các thủ đô của nhau từ năm 1977, nhưng các "Phòng đại diện quyền lợi" này luôn bị hạn chế về hoạt động. Giờ đây, Đại sứ quán được mở lại với đầy đủ chức năng của nó sẽ tạo ra các kênh liên lạc tiện lợi giữa hai chính phủ, tạo điều kiện cho các cuộc thương lượng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương. Các nhà ngoại giao sẽ có quyền tự do đi lại và tiếp xúc với công dân bản địa.
Đối với Washington, sự kiện này còn đem lại một lợi ích khác liên quan trực tiếp đến Cuba. Chính sách thù địch kéo dài qua 10 chính quyền Tổng thống Mỹ, trên thực tế đã từng bước cô lập siêu cường này với các đồng minh tại Mỹ Latinh và đặt quan hệ của Washington với khu vực vào vòng nguy hiểm. Các thể chế khu vực đã nhiều lần ra tuyên bố phản đối chính sách cấm vận và tư tưởng can thiệp của "nước lớn" vào các quốc gia có chủ quyền. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống B.Obama khẳng định rằng việc xích lại gần Cuba cũng "bắt đầu một chương mới với các láng giềng Châu Mỹ của chúng ta".
Một nhân tố quan trọng khác thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ song phương là vai trò cá nhân của cả Tổng thống B.Obama và Chủ tịch Raul Castro. Ông chủ Nhà Trắng từng nổi bật với tính thực dụng trong chính sách đối ngoại hiện hành của Washington và điều này thể hiện trong hai điểm: Tổng thống Mỹ B.Obama ý thức được rằng thực tế xã hội mới với lượng cử tri ủng hộ cải thiện quan hệ với Cuba ngày càng lớn, và ông chủ Nhà Trắng cũng chịu nhiều sức ép từ giới doanh nghiệp muốn được làm ăn tại "hòn đảo tự do". Tương tự, vai trò của Chủ tịch R.Castro cũng mang tính then chốt trong tiến trình này. Nếu lãnh tụ cách mạng Fidel Castro, anh trai và người tiền nhiệm của ông là biểu tượng của tính kiên cường và nguyên tắc sắt đá, thì R.Castro là người phải nhận nhiệm vụ chèo lái một giai đoạn thay đổi lịch sử. Bên cạnh đó, bối cảnh đa cực mới cũng cho phép La Habana đàm phán trong tư thế vững chãi hơn, khi quan hệ của nước này với 3 thành viên trong khối BRICS là Trung Quốc, Nga và Brazil cho phép họ được rộng tay hành động hơn.
Lịch sử bang giao Cuba - Mỹ đã bước sang trang mới, nhưng giới quan sát vẫn dè dặt, cho rằng từ tái lập bang giao đến bình thường hóa quan hệ, con đường còn rất dài và lắm chông gai. Đương nhiên, sẽ khó có chuyện ngay lập tức Quốc hội Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với đảo quốc này. Bởi lẽ, các vấn đề giữa Mỹ và Cuba còn nhiều phức tạp. Để giải quyết chúng, cả hai đã phải vượt qua cả nửa thế kỷ thiếu tin tưởng và nghi kỵ. Sự kiện tái thiết lập quan hệ ngoại giao hiện là bước đi đầu tiên quan trọng của cả Mỹ lẫn Cuba để hướng về tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.