(HNM) - Xây dựng thành phố thông minh là chủ trương đã được Hà Nội xác định từ đầu nhiệm kỳ và bước đầu đã đạt được một số kết quả. Trong năm 2018, nhiệm vụ đưa công nghệ thông tin trở thành công cụ quan trọng trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị được chú trọng, coi đây là bước đi có tính chất đột phá để hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao năng lực phục vụ nhân dân.
Để thực hiện, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 48/KH-UBND về “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP Hà Nội năm 2018”. Mục tiêu chủ yếu của kế hoạch là đặt nền tảng phát triển một nền hành chính dựa trên những công cụ, phương tiện hiện đại. Yêu cầu đặt ra là xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành. Trong đó, Trung tâm Dữ liệu nhà nước Hà Nội tiếp tục được duy trì, nâng cấp, mở rộng và có phương án dự phòng.
Trong năm 2018, yêu cầu cụ thể là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành xã hội của cơ quan quản lý nhà nước, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và năng lực cạnh tranh của thành phố phải được hiện thực hóa. Cụ thể, thành phố đề ra những chỉ tiêu như: 100% UBND xã, phường, thị trấn được triển khai hệ thống hội nghị truyền hình (giao ban, họp trực tuyến) kết nối với UBND thành phố và các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã. Đến cuối năm 2018, việc tích hợp ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đối với Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp cùng Hệ thống thư điện tử công vụ của thành phố phải được thực hiện.
Ngoài ra, thành phố cũng phấn đấu 55% thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và 100% sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được triển khai đồng bộ hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thống nhất toàn thành phố. Với mỗi ngành, công nghệ thông tin phải trở thành công cụ quản lý chủ yếu. Cụ thể, ngành Xây dựng phải sử dụng phần mềm để quản lý số liệu quỹ nhà. Công tác tuyển sinh, khám chữa bệnh, quản lý cây xanh... cũng sẽ dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.
Để đạt được những mục tiêu có ý nghĩa nền tảng, việc đầu tiên thành phố xác định là đào tạo nguồn nhân lực có khả năng tiếp cận, sử dụng, làm chủ công nghệ thông tin. Vì vậy, 100% doanh nghiệp, người dân có nhu cầu cung cấp dịch vụ công sẽ được phổ biến, hướng dẫn sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Thành phố cũng đặt mục tiêu 100% đoàn viên, thanh niên các quận, huyện, xã, phường được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chính quyền điện tử. Trong ngắn hạn, 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng các phần mềm dùng chung được đào tạo, hướng dẫn, để phần mềm triển khai đến đâu được ứng dụng ngay đến đó.
Những mục tiêu trên đòi hỏi quyết tâm thực hiện rất cao của cả hệ thống chính trị. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu, ngoài cơ quan thường trực là Sở Thông tin và Truyền thông, các quận, huyện, thị xã, sở, ngành phải nâng cao vai trò lãnh đạo trong triển khai các nhiệm vụ nêu trên. Đơn cử, ngay tại Văn phòng UBND thành phố, việc ứng dụng công nghệ thông tin phải trở thành khâu đột phá để nâng cao hiệu quả các mặt công tác, từ việc nhỏ nhất như công tác bảo đảm an ninh trụ sở, tiếp công dân đến hỗ trợ chỉ đạo, điều hành chung của thành phố.
Dự kiến, với sự triển khai quyết liệt và hiệu quả, một số “sản phẩm” đầu tiên của “thành phố thông minh” sẽ được thực hiện trong năm 2018, phục vụ công tác quản lý, phát triển đô thị và hỗ trợ nhân dân, như: Trung tâm Điều hành thông minh TP Hà Nội; hệ thống giao thông thông minh; hệ thống du lịch thông minh; thí điểm biên lai điện tử tại một số cơ quan thu phí, tiến tới triển khai diện rộng biên lai điện tử tại các cơ quan thu phí dịch vụ hành chính công... Đây sẽ là những biểu hiện sinh động cho nền tảng của một thành phố hiện đại, tiện ích cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.