(HNM) - Hôm nay, 1-8, một ngày có ý nghĩa đặc biệt đối với Hà Nội nói chung và ngành GD-ĐT nói riêng: Thủ đô tròn 3 năm mở rộng địa giới hành chính. Nỗ lực để giáo dục đào tạo phát triển mạnh, xứng đáng với tầm thế mới của Thủ đô, bằng sự quan tâm thiết thực, đồng bộ, những khó khăn, khác biệt nhất định ở từng vùng, miền đã cơ bản được tháo gỡ.
Cơ sở vật chất: Từng bước đạt và vượt chuẩn
Một giờ học tại Trường Tiểu học thị trấn Phú Xuyên. Ảnh: Bá Hoạt
Xây dựng trường lớp khang trang, hiện đại để tạo môi trường dạy, học tốt nhất cho thầy và trò là mục tiêu được đặt ra ngay từ những ngày đầu hợp nhất. Mục tiêu ấy đã được thể hiện một cách thiết thực bằng việc thành phố phê duyệt Kế hoạch 86/KH-UBND với mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng để cơ bản xóa hết số phòng học tạm, phòng học bán kiên cố, xuống cấp ở các nhà trường. Cùng với nguồn vốn trái phiếu chính phủ và nguồn vốn xã hội hóa, tùy theo điều kiện thực tế mà mỗi quận, huyện, thị xã đã chọn cho mình cách đầu tư phù hợp. Đơn vị ở khu vực nội thành đặt mục tiêu xây dựng thêm nhiều trường chuẩn với các phòng chức năng hiện đại; các trường vùng khó khăn tập trung vào việc xây mới nhiều phòng học để thay thế cho các phòng học nhờ, học tạm… Đến giữa tháng 6-2011, đã có 5.755 phòng học tạm, phòng học bán kiên cố xuống cấp được thay thế; 963 phòng học được xây bổ sung cho các trường.
Không chỉ được chăm chút phần "vỏ", các nhà trường còn được quan tâm đầu tư nhiều về thiết bị dạy học. Gần hai trăm tỷ đồng đã được đầu tư mua sắm thiết bị, đồ chơi; đổi mới chương trình; cung ứng SGK; trang bị sách cho thư viện… Số trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia tính đến hết năm học này là 603 trường, tăng 138 trường so với ngày đầu hợp nhất. Đây cũng là năm học mà nhân dân Thủ đô tự hào đón ngôi trường đào tạo HS tài năng đi vào hoạt động tại cơ sở mới với cơ ngơi khang trang, hiện đại bậc nhất cả nước - Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam; dự án các trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội… với tổng kinh phí hơn 500 tỷ đồng được hoàn thành tới đây cũng sẽ làm thay đổi mạnh mẽ về tổng thể bộ mặt của giáo dục Thủ đô.
Trình độ giáo viên: Không còn "xôi đỗ"
Việc xây dựng đội ngũ giáo viên (GV) theo hướng đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm về chất lượng được toàn ngành coi là biện pháp đột phá trong việc thực hiện các nhiệm vụ năm học, khắc phục tình trạng "xôi đỗ" về trình độ đào tạo, năng lực nghiệp vụ của GV các nhà trường. Ba năm sau ngày hợp nhất, quy chế tuyển dụng GV ngày càng hoàn thiện theo hướng phân cấp, giao quyền tự chủ cho cơ sở, tạo điều kiện để các nhà trường chọn được đúng người phù hợp với yêu cầu công việc. Từ năm 2008 đến nay, đã có hơn 11.000 GV các cấp học, ngành học được tuyển bổ sung vào đội ngũ nhà giáo Thủ đô, góp phần khắc phục tình trạng nơi thiếu, nơi thừa về số lượng GV hoặc "đứng nhầm" bục giảng về trình độ.
Sự chênh lệch về trình độ đào tạo của GV các cấp học, ngành học, nhất là giữa các khu vực kinh tế - xã hội còn khó khăn với các quận nội thành dần được khỏa lấp. Đến nay, hơn 80.000 GV đang công tác tại các trường học trên địa bàn đều đã có trình độ đào tạo đạt chuẩn (100%). Số GV có trình độ đào tạo trên chuẩn cũng tăng gấp đôi so với ngày mới hợp nhất, với 92,9% ở tiểu học, 59,5% ở THCS, 35,4% ở mầm non, 21% ở TCCN… Kinh phí dành cho đào tạo, bồi dưỡng GV trong năm qua là 16,5 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng so với 3 năm trước. Những nỗ lực ấy đã tạo nên mặt bằng chung về chất lượng đội ngũ, thu hẹp dần khoảng cách về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của GV khu vực trung tâm thành phố và các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Chất lượng giáo dục: Thêm nhiều dấu ấn mới
Với việc tập trung đầu tư đồng bộ, đạt chuẩn và hiện đại về cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ, chất lượng GD của ngành ngày càng ổn định, tiến bộ rõ rệt. Ý thức hiểu biết, chấp hành pháp luật; kỹ năng giao tiếp với bạn bè, thầy cô, cha mẹ của HS được nâng lên; tình trạng HS yếu kém giảm dần; số HS bỏ học ở các cấp học đều giảm (còn 0,19%)… Với việc đưa vào giảng dạy đại trà ở các nhà trường bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho HS trong năm học 2010-2011, Hà Nội là địa phương được Bộ GD-ĐT và các thành phố trong vùng thi đua (gồm 5 thành phố lớn vùng 7) đánh giá cao với mong muốn được cùng học tập, chia sẻ kinh nghiệm triển khai.
So với năm đầu hợp nhất, tỷ lệ HS Hà Nội tốt nghiệp THPT đã tăng từ 88,28% lên 97,79%; xếp thứ 20/63 tỉnh, thành phố (tăng 6 bậc); những "điểm nóng" về gian lận thi cử không còn; việc dạy - học và kiểm tra dần được chú trọng theo hướng thực chất hơn. Chất lượng giáo dục mũi nhọn có bước phát triển vượt bậc. Năm học 2010-2011, Hà Nội có 130 HS đoạt giải trong kỳ thi quốc gia THPT, tăng so với năm đầu hợp nhất 23 giải - liên tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng giải; đây cũng là năm thứ hai liên tiếp ngành học giáo dục thường xuyên đạt kết quả xuất sắc tại kỳ thi giải toán trên máy tính cầm tay quốc gia. Trong các kỳ thi quốc tế năm 2011, có 16 HS Hà Nội đoạt giải (tăng 14 giải). Kỳ thi Olympic Toán học quốc tế năm vừa qua còn đánh dấu sự trở lại của HS Hà Nội sau 10 năm vắng bóng trong Đội tuyển quốc gia môn toán… Những điều ấy càng khẳng định nỗ lực của toàn ngành GD-ĐT Thủ đô để đạt được những chuyển biến mạnh mẽ về cả lượng và chất như ngày hôm nay.
- Khi mới hợp nhất, toàn ngành có 2.342 cơ sở giáo dục, đến nay có 2.509 cơ sở giáo dục, tăng 167 cơ sở.
- Số HS hiện là 1.510.735 em, tăng hơn 173.000 HS.
- Số cán bộ, giáo viên, nhân viên tăng thêm là gần 9.300 người, với tổng số gần 104.000 người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.