(HNM) - Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chính quyền các cấp của Hà Nội luôn coi trọng làm tốt công tác giải quyết thủ tục hành chính của tổ chức và công dân. Sau nhiều năm liền quyết liệt triển khai, thực hiện các quy định của Trung ương và thành phố, Hà Nội đã từng bước đẩy lùi được sự lạc hậu, hạn chế trong công tác cải cách hành chính.
"Một cửa" hiện đại
Còn nhớ cuối năm 2007, Hà Nội triển khai thực hiện cơ chế "một cửa" theo Quyết định 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong điều kiện cả cơ sở vật chất và nhân sự đều chưa bảo đảm khiến những người làm công tác cải cách hành chính (CCHC) đầy lo lắng. Nỗi lo càng nhân lên khi năm 2008, Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, không ít đơn vị ở địa bàn mới hợp nhất vào Hà Nội vẫn mơ hồ về "một cửa". Nhiều đơn vị tổ chức bộ phận "một cửa" sơ sài, chưa bố trí đầy đủ công chức; việc tiếp nhận hồ sơ hành chính còn mỗi nơi mỗi kiểu, hoặc tổ chức "một cửa" nhưng vẫn nhận hồ sơ tại phòng chuyên môn...
Tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Bảo Kha |
Thời gian đó, ở nhiều đơn vị, công dân đến nộp hồ sơ hành chính còn phải "căn" theo lịch của đơn vị đó quy định ngày nhận hồ sơ thuộc lĩnh vực nào. Rồi hầu hết các thủ tục chưa được công khai quy trình, thời gian giải quyết nên người dân thường chờ đợi lâu, nhiều lần đi lại mới có kết quả. Thế nhưng đến nay, hầu hết các điểm hạn chế trên đã được khắc phục và nhiều nội dung có tiến bộ vượt bậc. Bộ phận "một cửa" của quận, huyện đều rộng rãi, khang trang, hiện đại và đều công khai đầy đủ thủ tục cũng như quy trình giải quyết thủ tục bằng nhiều hình thức. Các đơn vị đã quan tâm đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng việc giải quyết TTHC theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông". Hiện nay, 100% các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã thực hiện giải quyết TTHC thông qua cơ chế "một cửa" và hơn 90% số lượng TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp được thực hiện thông qua cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông". Theo báo cáo của các đơn vị, kết quả giải quyết TTHC đã có sự chuyển biến rõ rệt, nhiều đơn vị có kết quả giải quyết TTHC đúng hạn đạt tỷ lệ cao. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, khối sở, ban, ngành đã giải quyết 211.370 hồ sơ (tỷ lệ giải quyết đạt 94%); cấp huyện giải quyết 179.562 hồ sơ (đạt 91%) và cấp xã giải quyết 1.270.686 hồ sơ (đạt 99%). Có được kết quả đó là do thành phố thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị chú trọng đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), bố trí cán bộ, công chức có năng lực đáp ứng yêu cầu công việc. Cùng đó, việc ứng dụng CNTT với phần mềm "một cửa" từ khâu tiếp nhận, lưu trữ đến quy trình giải quyết đều được công khai đã tạo điều kiện cho lãnh đạo và công dân giám sát được toàn bộ quy trình. Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thành phố triển khai được ngày càng nhiều dịch vụ công trực tuyến mức 3 và mức 4. Công dân chỉ cần thao tác trên mạng, giảm được số lần phải trực tiếp đến cơ quan hành chính.
Chủ động phục vụ dân
Từ quyết tâm đẩy mạnh công tác CCHC, các cấp, các ngành ở Thủ đô đã có nhiều sáng tạo nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện các TTHC. Thay vì cơ chế "xin - cho" tồn tại trước đây, nay nhiều công dân đến với cơ quan hành chính nhà nước đã cảm nhận được là mình đang được phục vụ. Tại bộ phận "một cửa" các quận, huyện: Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông... đều bố trí cán bộ chuyên hướng dẫn người dân cách thức thực hiện thủ tục. Tương tự, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng thành lập Tổ tiếp nhận thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp. Cùng với việc hướng dẫn doanh nghiệp, tổ còn liên hệ với các phòng, ban chuyên môn của sở và doanh nghiệp, tìm giải pháp tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc, đồng thời, phối hợp, đôn đốc các bộ phận giải quyết TTHC đúng hạn. Tại Sở Công thương, công dân có thể gọi điện thoại đến vẫn được cán bộ hướng dẫn nhiệt tình về cách thực hiện thủ tục. Và còn nhiều mô hình "đến với dân" được triển khai khá hiệu quả như: Sở Tư pháp phối hợp với Bưu điện TP Hà Nội trả kết quả TTHC qua hệ thống bưu điện theo yêu cầu của công dân; công an thành phố triển khai mô hình xuống địa bàn giúp dân làm thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện mô tô, xe máy và cấp chứng minh thư nhân dân trực tiếp tại nhà cho người già, ốm đau không có khả năng đi lại... Đáng chú ý, cùng với các lớp bồi dưỡng về công tác CCHC của thành phố, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cũng chủ động xây dựng kế hoạch mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ CCHC cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, đặc biệt là cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận "một cửa". Nội dung bồi dưỡng chú trọng vào việc phổ biến các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố về CCHC và thái độ, kỹ năng ứng xử với công dân, tổ chức và doanh nghiệp. Một số đơn vị còn chủ động phát phiếu hoặc xây dựng hệ thống điện tử để công dân "chấm điểm" cán bộ. Nhờ đó, chất lượng phục vụ của cán bộ "một cửa" ngày một tốt hơn.
Sự nỗ lực đồng bộ của các cấp, các ngành Thủ đô đã được ghi nhận qua sự tăng hạng các chỉ số năm 2013 so với năm 2012: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 18 bậc; chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT tăng 6 bậc, đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố; chỉ số CCHC - công cụ đánh giá toàn diện, thực chất, khách quan kết quả CCHC - tăng 2 bậc, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Đó chính là thước đo thực chất nhất về sự chuyển biến của các lĩnh vực, trong đó có công tác CCHC, tương xứng với tiến trình phát triển của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.