Các gameshow “nhí” trên truyền hình Việt đã có rất nhiều sự cố, “điều tiếng” xảy ra với trẻ dự thi, nhưng cơ quan bảo vệ quyền trẻ em vẫn chưa quan tâm.
Giới truyền thông và đặc biệt showbiz Việt “nhí” chắc chưa quên scandal xảy ra trong chương trình “Vietnam's Got Talent” năm 2012, cô bé hát được 6 thứ tiếng, hát hay nhưng bị loại. Và mẹ bé đã lên sân khấu “cướp” micro đấu tranh với Ban giám khảo bảo vệ quyền lợi cho con.
Và rồi sự việc bị đẩy đi xa, khi mẹ bé cho rằng đó là “chiêu- trò” của nhà sản xuất để PR chương trình. Cư dân mạng tổng lực “ném đá” hai mẹ con, đến nỗi cả gia đình bị khủng hoảng tinh thần, bé phải viết thư cầu cứu Thủ tướng, mẹ của bé gửi đơn gửi lên Ủy ban văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội "kêu oan".
Đây chỉ là một vụ việc điển hình trong gameshow “nhí” đã ảnh hưởng nghiêm trọng tâm lý trẻ vị thành niên mà chưa được luật pháp bảo vệ. Nhìn lại các chương trình gameshow “nhí” Việt thấy rõ lỗ hổng của luật pháp trong loại hình giải trí đặc biệt này.
Một tiết mục được biểu diễn trong chương trình “Vietnam's Got Talent”. |
Luật vẫn lỏng lẻo và chưa có quy chế rõ ràng
Jennifer Jones, tác giả của “The Three P's of Parenting” nói "Đưa trẻ em đặt dưới ánh đèn sân khấu của truyền hình là phạm tội". Có thể, khi mà gameshow “nhí” Việt chưa nằm dưới sự giám sát nào của các cơ quan bảo về “quyền” trẻ em. Chưa có công trình nghiên cứu tâm lý - xã hội học về ảnh hưởng của gameshow “nhí” Việt đến tâm hồn - nhận thức - phát thể chất của trẻ.
Tại Việt Nam, tỉ lệ các em nhỏ chưa đến tuổi vị thành niên chạy show ngày càng nhiều. Có nhiều em “bay” show cả trong nước và nước ngoài, hàng tuần có mặt trong các chương trình giải trí, sự kiện…, chưa kể quay MV, đóng phim, đóng quảng cáo… Tuy nhiên, văn bản quản lý nhà nước về biểu diễn nghệ thuật cho đối tượng này lại bị ngó lơ, không có sự kiểm soát chặt chẽ.
Cụ thể Nghị định số 15/2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012 mới đây, không hề có những quy định, kiểm soát đối tượng trẻ em. Nghị định số 5 chỉ yêu cầu các tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu phải biên tập các tiết mục biểu diễn. Phải phù hợp với lứa tuổi, giới tính khi tổ chức cho trẻ em biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; Phải được sự đồng ý của người giám hộ theo đúng quy định của pháp luật.
Tại Hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định số 15/2016 và Thông tư số 01/2016, tổ chức vừa qua, đại diện Sở VH-TT&DL Bình Dương nói lên thực trạng không biết giải quyết như thế nào về đối tượng trẻ em biểu diễn. “Đã có 2 công ty xin cấp phép biểu diễn chương trình người mẫu nhí, vì không có văn bản nên Sở đã từ chối cấp phép các chương trình này”.
Chương trình "Vũ điệu tuổi xanh". |
Đại diện sở này bày tỏ: “Trong Nghị định số 15 chỉ nói khi tổ chức cho trẻ em biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang phải có sự đồng ý của người giám hộ, mà không hề thấy đề cập quy định cụ thể nào. Khi tiếp nhận hồ sơ cấp phép, nếu có việc gì xảy ra, phát sinh với đối tượng nhí thì chúng tôi không biết xử lý như thế nào?”.
Theo quy định tại Điều 122 Bộ luật lao động thì: "Thời giờ làm việc của người lao động chưa thành niên không được quá 7 giờ một ngày hoặc 42 giờ một tuần. Nếu ký hợp đồng lao động đáp ứng đủ những điều kiện trên thì mới hợp pháp, còn nếu không đáp ứng đủ các điều kiện trên thì không hợp pháp, các hợp đồng lao động ký kết không hợp pháp sẽ vô hiệu. Bên nào vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm theo như quy định của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.
Theo kiến nghị của ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em thì các cơ quan chức năng như Bộ LĐTB&XH, Bộ VHTT&DL và Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT cần ngồi lại để đề ra các luật bảo đảm không cho các nhà sản xuất xâm phạm, lạm dụng hoặc gây tổn thương cho trẻ em. Bởi nếu không siết chặt và điều chỉnh kịp thời, trong tương lai trẻ em vẫn có thể bị khai thác sức lao động quá đà.
Cần có một cơ quan giám sát các gameshow “nhí” Việt
Gameshow “nhí” Việt cần được các nhà quản lý lưu tâm, vì đây là một thể loại chương trình mang tính cạnh tranh cao, khai thác cảm xúc của cả thí sinh lẫn khán giả trong việc theo đuổi xếp hạng và doanh thu. Và với trẻ em, “quăng” chúng vào “chiến trường” này là một cuộc mạo hiểm.
Tại Việt Nam, tỉ lệ các em nhỏ chưa đến tuổi vị thành niên chạy show ngày càng nhiều. |
Rất cần có một cơ quan giám sát hỗ trợ và bảo vệ trẻ dự thi có tính chuyên môn cao ngoài ban tổ chức, ngoài nhà sản xuất, ngoài phụ huynh hay giám hộ.
Ở nước ngoài, trong các gameshow “nhí” ngoài sự giám hộ của phụ huynh còn có sự giám sát của một cơ quan khác liên quan đến việc bảo vệ trẻ em, trong đó còn có cả các chuyên gia tâm lý, để hỗ trợ hay tư vấn tâm lý cho trẻ.
Ngay cả với các ban giám khảo của gameshow “nhí’ cũng cần có “chuẩn”, để không có những nhận xét thiếu tinh tế, sốc tâm lý, gây ra những tổn thương mạnh mẽ trong tâm hồn đứa trẻ.
Và với cả truyền thông, cũng cần một “giới hạn” trong thông tin, không vống lên khen một cách quá đà, như “thần đồng” tài năng giáng thế, hoặc giả chê bai sự thua cuộc. Cũng như không khai thác quá sâu đời tư của trẻ, như một cách câu view… xâm phạm đến quyền riêng tư nhân thân, dẫn đến sinh hoạt đời thường bị quan tâm thái quá. Việc bình chọn trên các trang mạng, những bình luận cũng cần có chế tài, tránh những “cao trào” ủng hộ hay tẩy chay tạo những xúc cảm cực đoan đến trẻ.
Phụ huynh cũng phải tiết chế tham vọng bản thân, đừng biến con trẻ như một “thế thân” cho ước mơ không thành của mình, rồi ảo vọng con mình tài năng, đưa con đến nhiều cuộc thi, tạo áp lực chiến thắng đến trẻ, gây cho chúng tâm lý ganh đua. Rồi trẻ phải tập làm người lớn, tập làm người quan trọng và mất hết đi sự hồn nhiên, ngây thơ trong sáng vốn có.
Tâm lý có thể bị lệch lạc. Thắng thì sinh kiêu, rồi có thể “trượt” dài trong vinh quang ảo, hỏng hết tương lai. Mà thua sẽ tổn thương tâm lý không hề nhỏ, mà có thể còn đi suốt cả quãng đường trưởng thành sau này.
Mới đây, ngày 17/4/2016, Tổng cục Điện ảnh, phát thanh và truyền hình Trung Quốc đưa ra văn bản chỉ đạo về việc hạn chế dẫn đến cấm tuyệt đối các chương trình có trẻ chưa đủ tuổi thành niên, trong đó có 2 chương trình ăn khách “Bố ơi, mình đi đâu thế?”, “Bố ơi trở lại”.
Trong văn bản ghi rõ “cần tăng cường hơn nữa quản lý các chương trình không có giá trị tích cực”. Cơ quan này cho rằng, việc trẻ em tham gia show truyền hình quá sớm, được lăng xê tên tuổi, trở thành ngôi sao chỉ sau một đêm là điều phản giáo dục, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này.
Thiết nghĩ các “nhà” có liên quan đến việc bảo vệ trẻ vị thành niên cần tham khảo để đưa gameshow “nhí” Việt vào Luật và có những chế tài, chế định bảo vệ “quyền” của trẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.