(HNM) - Không trắng tinh khiết như bún Phú Đô, sợi không to như bún Huế, không nhỏ xíu như bún Tứ Kỳ, bún Bặt (Liên Bạt, Ứng Hòa) sợi nho nhỏ xinh xinh, vừa dẻo, lại dai, mà ăn còn có vị thanh thanh, ngòn ngọt... Nghề làm bún ở đây đã đi vào truyền khẩu
Bún Bặt đặc biệt phù hợp để chế biến món bún riêu cua. (Nguồn: Internet) |
Làng bún Bặt đang dần thay đổi. Sự sầm uất, náo nhiệt đang đến với vùng quê thanh bình này. Xã có 3 thôn (Bặt Ngõ, Bặt Trung, Bặt Chùa) đều có nhiều người làm bún, nhưng phần đông vẫn là làng Bặt Chùa, với trên 100 hộ. Mỗi ngày ở đây xuất cho thị trường nội đô từ 14 đến 15 tấn bún, bánh các loại. Nhiều công đoạn đã được cơ giới hóa, song vẫn giữ được vị bún Bặt thuở xưa. Hằng ngày, ô tô, xe máy hối hả chở bún từ ba làng Bặt đi khắp nơi. Các nhà hàng bún chả nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội ở phố Nguyễn Khuyến, Lương Thế Vinh... đều dùng bún Bặt.
Theo lời giới thiệu của lãnh đạo xã, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất bún bánh của gia đình ông Nguyễn Văn Tiến. Ông Tiến chia sẻ: Bún ở đâu thì cũng có công thức, máy móc làm như nhau.
Cái khác, cái riêng có chăng là ở khâu ủ bột lên men. Làm thế nào mà bột có đủ độ chua để kết tủa, khi làm không để lại mùi lúc ăn là rất khó. Nhìn những sợi bún trắng trong, cứ ùn ra từ miệng của chiếc máy, mới thấy được sự chuyên nghiệp, say mê nghề của những người làm nghề nơi đây. Có khách qua đường, ăn bún Bặt một lần, không thể quên đã quay lại học nghề. Có người con của quê hương còn mang nghề bún sang tận trời Tây để gợi nhớ lại cho những người xa xứ hình ảnh quê nhà.
Bún Bặt nức tiếng trong Nam, ngoài Bắc, từ mạn núi cao Hà Giang, đến vùng đất mũi Cà Mau người ta vẫn nghe vang vọng đâu đó tiếng rao "Ai bún kẻ Bặt đây…". Chỉ riêng TP Hồ Chí Minh đã có gần 200 hộ từ làng Bặt mang nghề bún tha phương mưu sinh và miền núi cao phía Bắc cũng có hơn 100 hộ. Nhưng dù ở đâu, người ta cũng giữ được cái hồn Bặt trong từng sợi bún. Để làm ra những mẻ bún ngon nức tiếng, nặng nhất có lẽ là khâu đánh bột. Bù lại, sợi bún vớt ra trắng nõn nà, càng dài, càng nhỏ, càng ngon. Bún rối, bún cối, bún bánh... mỗi kiểu mỗi vẻ đáp ứng người tiêu dùng.
Hỏi về lịch sử làng bún, mọi người ở đây chẳng biết chính xác có từ khi nào, chỉ biết từ khi họ sinh ra đã thấy ông cha làm bún. Và mỗi dịp thu sang, vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hằng năm, những gia đình còn nối nghiệp làm mâm cỗ, đĩa bún dâng lên thành hoàng làng, cúng ông tổ nghề để báo ơn và cầu mong cuộc sống thêm hạnh phúc, bình an.
Tuy nhiên, đi đôi với sự phát triển của làng bún Bặt là ô nhiễm môi trường gia tăng. Phó Chủ tịch UBND xã Liên Bạt Phạm Quốc Điệt thừa nhận, người dân bám nghề để sống là thế, đời sống cũng ngày một khấm khá hơn nhưng phải nói thực, môi trường sống của Liên Bạt cũng đang bị ô nhiễm nặng nề. Và vì thế, bức tranh làng quê Liên Bạt cũng có không ít chấm phá buồn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.