Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bùi Công Duy - niềm tự hào của người Việt nơi xứ Tuyết

Hùng Lý| 13/02/2014 06:25

(HNM) - Buổi biểu diễn của Bùi Công Duy tại nhà hát danh tiếng bậc nhất Châu Âu Berliner Philharmonie với dàn nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker và nhạc trưởng Lior Shambadal cũng danh tiếng không kém đã thành công vang dội.


Khi cây đũa của nhạc trưởng

Lior Shambadal hạ xuống, bản Concerto viết cho đàn violon và dàn nhạc của Felix Mendelssohn do Bùi Công Duy trình diễn kết thúc, cả nhà hát bật lên tiếng vỗ tay không dứt. Bùi Công Duy phải trình tấu thêm một tác phẩm nữa của Bach và ra chào đáp lễ đến lần thứ năm, tiếng vỗ tay mới ngưng. Đến với Concert của Bùi Công Duy trong tiếng vỗ tay của hàng nghìn người Đức, những người có tiếng khó tính đến khắt khe trong thẩm âm, nhất là với âm nhạc cổ điển, tiếng vỗ tay đó giống như một đánh giá đích thực về tài năng của một người đồng bào với mình, làm trào dâng trong tôi và bao người Việt Nam có mặt, cảm giác rưng rưng tự hào về nơi Bùi Công Duy đã sinh ra - mảnh đất Việt Nam nghèo khó nhưng nhân hậu và có nền văn hóa mang đậm bản sắc.

Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh (phải) tặng hoa cho nghệ sĩ Bùi Công Duy.



Ngay hôm sau buổi biểu diễn, tôi hẹn gặp Bùi Công Duy tại quán Việt Phố trong Trung tâm Thương mại Đồng Xuân, Berlin. Đây là lần đầu tiên tôi gặp Duy ngoài đời. Trông Bùi Công Duy dễ gần hơn là lúc đứng trên sân khấu. Có thể vì ở ngoài Duy mặc quần bò, áo khoác da màu mận chín trông giản dị hơn complet đen, áo sơ mi trắng khi biểu diễn. Khuôn mặt điển trai của Duy tươi rói dù đang sụt sịt cúm vì cái lạnh kéo dài ở Đức. Tôi hỏi: "Cảm giác của em thế nào trước giờ biểu diễn?". Thực ra cũng còn một lý do nữa để tôi hỏi Duy câu này. Trước giờ biểu diễn một tiếng, tôi cùng Như Phương - cộng tác viên của VTV4, có hẹn phỏng vấn Bùi Công Duy, nhạc trưởng Lior Shambadal và Lê Ngọc Anh Kiệt về công việc chuẩn bị và đánh giá của mọi người về buổi biểu diễn. Rất tiếc, do lần đầu tiên vào khu hậu trường của nhà hát vừa rộng, vừa ngoắt ngoéo nên tìm được đến khu sân khấu chính thì chỉ còn 30 phút là tới giờ diễn. Chỉ phỏng vấn được nhạc trưởng Lior Shambadal và Lê Ngọc Anh Kiệt vài câu. Với Duy, tôi chỉ kịp rút điện thoại di động chụp vài kiểu anh đứng trên sân khấu rồi để nghệ sĩ vào phòng tranh thủ tập tiếp.

- Tại lúc đó thấy Duy rất bồn chồn, tôi đưa câu hỏi mở.

- Vâng, lúc đó em rất hồi hộp và nóng lòng bước ra sân khấu. Từ năm 1997, tức sau cuộc thi âm nhạc quốc tế mang tên Tchaikovsky ở Saint Peterburg em mới lại có cảm giác này, dù từ đó đến nay em đã từng đứng nhiều lần trên các sân khấu lớn ngang tầm. Anh biết đấy, nhà hát này quá nổi tiếng, nó được xem như Thánh đường của nhạc cổ điển thế giới, khán giả ở Đức trình độ cao, lại nghiêm túc đến khắt khe. Nên em phải cố gắng để không xảy ra một lỗi dù nhỏ, đấy là áp lực rất lớn. Vả lại, còn chuyện màu cờ sắc áo của quốc gia. Người Việt lạ thế, cứ ở nhà mình ai cũng thủng thẳng, nhưng ra đến thế giới là cứ phải gồng hết mình. Chưa kể, cá nhân nhạc trưởng Lior Shambadal và cả dàn nhạc giao hưởng Berlin, khi sang Việt Nam đã chơi với tất cả tấm lòng của người nghệ sĩ đối với bè bạn, cho dù điều kiện kỹ thuật thua xa bên này. Có dịp sang đây nên em cũng muốn chơi thật tốt để đáp lại tấm thịnh tình đó. Hôm qua em đã chơi hết khả năng của mình. Em hài lòng với những gì mình đã thể hiện. Từ lúc sang đến khi biểu diễn chính thức, em được tập hai lần với dàn nhạc. Cũng biết là âm thanh của nhà hát này tốt nhất trong những nơi em đã từng biểu diễn, nhưng không thể nghĩ, trong không gian đầy ắp khán giả, âm thanh tiếng đàn lại đa sắc hơn là khi tập không khán giả và dàn nhạc chơi cũng hay hơn cả lúc tập. Vì những yếu tố đó gộp lại, em được thăng hoa cùng cây đàn" - Bùi Công Duy hào hứng kể lại.

- Em có kịp để ý là có rất nhiều người Việt đến nhà hát xem em biểu diễn không?

- Có anh ạ. Em nhìn thấy rất đông người Việt mình. Em chưa thấy ở quốc gia nào khi em đến biểu diễn mà đông người Việt đến xem như ở Đức, kể cả ở Nga. Điều đó làm em ấm lòng.

Tôi chỉ sang phía Lê Ngọc Anh Kiệt đang ngồi cạnh bảo:

- Trong đó có công quảng cáo, tuyên truyền không nhỏ của Anh Kiệt. Đang ngồi hiu hiu, nghe đến đó, Kiệt giãy nảy:

- Không phải đâu anh. Công em nhỏ thôi. Quan trọng là sự ủng hộ của cả cộng đồng, trước hết là của Đại sứ quán nước ta tại Đức.

Lời Kiệt nói hoàn toàn đúng. Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, Đại sứ Việt Nam tại Đức, cùng nhiều cán bộ đại sứ quán các nước bạn, đại diện Bộ Ngoại giao Đức với tư cách khách mời của đại sứ quán và hàng trăm kiều bào, du học sinh, sinh viên Việt Nam đã đến xem và cổ vũ cho Bùi Công Duy.

Khi phần biểu diễn của Bùi Công Duy kết thúc, đích thân đại sứ đã vào tận sau sân khấu, gặp Duy và Kiệt xúc động nói: "Cảm ơn Kiệt, Duy. Hôm nay các em đã làm cho chúng tôi càng tự hào hơn vì mình là người Việt Nam".

Nhạc trưởng Lior Shambadal khi trả lời phỏng vấn VTV4 trước giờ biểu diễn cũng thừa nhận: "Nhờ có Lê Ngọc Anh Kiệt, thành viên chơi violon của dàn nhạc giao hưởng của chúng tôi, một người rất tự hào về đất nước Việt Nam của mình mà chúng tôi đã tiếp cận được với các nghệ sĩ từ Việt Nam. Năm ngoái là phần nhạc trong vở Thánh Gióng của Tôn Thất An đã được trình diễn tại đây, năm nay là sự có mặt của Bùi Công Duy".

Tài năng chơi violon của Bùi Công Duy thì quá rõ. Giải nhất cuộc thi quốc tế danh giá cách đây 14 năm đã như một minh chứng. Anh cũng là người nước ngoài đầu tiên được chọn là thành viên chơi đàn dây của Dàn nhạc giao hưởng Mátxcơva. Nhưng ngay cả với thành tích đó, để có thể đứng trên sân khấu nổi tiếng của nhà hát Berliner Phihalmonie cũng không dễ dàng. Trước hết, tài năng của anh phải lọt được vào "mắt xanh" của nhạc trưởng Lior Shambadal và công lao đó thuộc về Lê Ngọc Anh Kiệt. Nhưng dù được giới thiệu, tài năng ấy vẫn phải được chính người nhạc trưởng thẩm định và được cả dàn nhạc giao hưởng công nhận. Năm 2011, đôi tai sành sỏi của người nhạc trưởng kỳ tài bậc nhất thế giới đã trực tiếp nghe Duy đàn. Năm 2012, Bùi Công Duy chính thức chơi cùng dàn nhạc Berliner Symphoniker tại Việt Nam như một thử nghiệm thực tế. Vậy cũng phải mất 3 năm sau ngày ra mắt ở Việt Nam, ngày 2-2-2014 Bùi Công Duy mới chính thức biểu diễn trước công chúng của nhà hát Berliner Philhamonie.

Để đánh giá về mức độ thành công của buổi biểu diễn, ngoài tiếng vỗ tay không ngớt của hàng nghìn khán giả có mặt, xin dẫn ra đây nhận xét của Tiến sĩ Ngữ văn Trương Hồng Quang, người rất am tường về nhạc cổ điển, anh cũng chính là người thật hiếm hoi đã có mặt tại Concert mà Duy chơi cùng dàn nhạc Berliner Symphoniker cách đây hai năm tại Nhà hát Lớn Hà Nội: "Lần này ở Berliner Philharmonie Duy chơi thành công vượt bậc so với cách đây hai năm ở Nhà hát Lớn Hà Nội, kể cả trên phương diện kỹ thuật và tình cảm. Dàn nhạc Berliner Symphoniker của ông Lior Shambadal cũng chơi thăng hoa hơn nhiều so với 2 năm trước".

Còn vị nhạc trưởng đã đánh giá về Duy ngay trước giờ biểu diễn: "Bùi Công Duy là một tài năng thật sự. Việt Nam nên tự hào vì anh ấy thể hiện rất tốt vai trò của người đại diện cho Việt Nam, giới thiệu Việt Nam tới bạn bè quốc tế bằng âm nhạc". Trên sân khấu, sau phần Duy biểu diễn, ông đã công khai bày tỏ trước cả nghìn khán giả: "Hôm nay Duy chơi thật tuyệt vời". Riêng Violinist Hans Maile, nghệ sĩ đàn dây số 1 của dàn nhạc còn nhận thấy trong tiếng đàn tuyệt vời của Duy còn có dấu ấn tinh tế, nhạy cảm của tâm hồn Việt.

Sự kiện Bùi Công Duy, người Việt Nam đầu tiên biểu diễn thành công trong chương trình bán vé tại nhà hát Berliner Philharmonie không chỉ có ý nghĩa trong sự nghiệp của cá nhân anh, mà nó là sự tiếp tục cho việc hội nhập âm nhạc cổ điển Việt Nam vào nhạc cổ điển thế giới, mà cụ thể là sự có mặt tiếp theo của các nghệ sĩ, đặc biệt lớp nghệ sĩ trẻ của Việt Nam trên sân khấu nhà hát Berliner Philharmonie, Đức. Đầu xuôi, ắt đuôi lọt. "Bùi Công Duy chỉ là sự khởi đầu, chắc chắn sau Duy sẽ có những nghệ sĩ Việt Nam khác nối tiếp có mặt ở nơi đây" - nhạc trưởng dàn nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker cởi mở khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bùi Công Duy - niềm tự hào của người Việt nơi xứ Tuyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.