(HNMO)- Từ ngày 25 – 29/8/2010, bức tranh thêu “Cội xưa” mừng kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sẽ chính thức được trưng bày tại Cung Văn Hóa Hữu Nghị Hà Nội. Đây là dịp để người dân Thủ đô được chiêm ngưỡng bức tranh thêu công phu với sự góp sức của hàng chục nghệ nhân thêu lão luyện.
Một góc của bức tranh thêu "Cội xưa"
(HNMO)- Từ ngày 25 – 29/8/2010, bức tranh thêu “Cội xưa” mừng kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, sẽ chính thức được trưng bày tại Cung Văn Hóa Hữu Nghị Hà Nội. Đây là dịp để người dân Thủ đô được chiêm ngưỡng bức tranh thêu công phu với sự góp sức của hàng chục nghệ nhân thêu lão luyện.
Đây sẽ là bức tranh thêu lớn nhất việt Nam, với kích thước gần 170m 2 ; 5.5m x 31m, do nghệ nhân thêu trẻ Phạm Thị Hoài cùng với đồng sự thực hiện. Tác phẩm nghệ thuật này tiêu tốn đến 500kg chỉ thêu với khoảng 60.000 ngày công của một tập thể gồm 100 người. Tác phẩm mỹ thuật đồ sộ này là sản phẩm của làng nghề thêu mỹ nghệ thôn Văn Lâm (Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình) thực hiện làm quà tặng cho dịp Thăng Long – Hà Nội tròn 1000 năm tuổi.
Phác thảo của bức tranh
Tác giả cùng nhóm thợ thêu phải mất tới 2 năm để hoàn thành tác phẩm. Bức tranh “khổng lồ” gồm ba phần thể hiện diễn trình lịch sử của các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý trong đó có điểm nhấn thể hiện tuổi thơ của vị vua cờ lau Đinh Tiên Hoàng, những hạng mục của cố đô Hoa Lư như Cầu Đông, Cầu Dền, chùa Tháp và “Chiếu dời đô” (1009) của vua Lý Thái Tổ.
Chị Phạm Thị Hoài - Giám đốc Cty thủ công mỹ nghệ - xuất nhập khẩu Cội Xưa, tác giả của bức tranh thêu cho biết: "Chị cùng nhóm thợ thêu Văn Lâm đã phải mất 2 năm để hoàn thành tác phẩm này. Đây là việc chúng tôi chưa từng làm. Tôi đã phải phác thảo mẫu cả chục lần mới có được mẫu ưng ý. Bức tranh sẽ được trưng bày tại Thủ đô giống như một sự kết nối giữa cố đô Hoa Lư và Thăng Long - Hà Nội, đã được thể hiện trong Chiếu dời đô”.
Phát biểu cảm xúc của mình về tác phẩm đặc biệt này, ông Nguyễn Đỗ Bảo, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội cho biết: "Giá trị của bức tranh không thể tính bằng ngày công, tiền đầu tư mà là tình cảm vô giá của những người dân Ninh Bình đối với Thủ đô".
Được biết bức tranh “Cội xưa” đang được để cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái “Vì tình yêu Hà Nội” năm 2010.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.