(HNMO) – Sáng 5/6, Quốc hội đã nghe Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.
Theo báo cáo giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, Phó trưởng đoàn giám sát trình bày, những năm gần đây, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng về số vụ, số người phạm tội với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhưng Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án các cấp đã có nhiều nỗ lực, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Về cơ bản hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, các cơ quan chức năng đã triển khai áp dụng nhiều biện pháp để chấn chỉnh khắc phục tồn tại, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Nhờ đó, tình hình oan, sai đã giảm so với trước đây, chỉ xảy ra một vài vụ án oan, còn án sai cũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Tuy nhiên, so với yêu cải cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 thì việc phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm còn những bất cập hạn chế, cần được khắc phục.
Theo thống kê, từ năm 2011 – 2014, cả nước đã xảy ra 71 người bị oan và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét, giải quyết. Các trường hợp làm oan đều là nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người dân bị oan. Có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận, làm giảm sút uy tín của cơ quan bảo vệ pháp luật.
Loại án thường dẫn đến oan, sai chủ yếu là án giết người, cướp tài sản hoặc hiếp dâm, giết người không quả tang mà quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn và loại án về kinh tế do những quan điểm trong áp dụng pháp luật còn chưa thống nhất.
Một số địa phương để xảy ra nhiều trường hợp làm oan là tỉnh Sóc Trăng (7 người), Khánh Hòa (6 người), Thanh Hóa (5 người); Vĩnh Phúc, Đắk Lắc, Cần Thơ (đều 4 người). Hầu hết các trường hợp bị oan trong những năm gần đây đều được các cơ quan có thẩm quyền tố tụng qua kiểm tra, phát hiện và cơ bản được khắc phục, xử lý ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện |
Xem xét nguyên nhân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong một số trường hợp, việc dùng bức cung, nhục hình, xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân của người bị tình nghi thực hiện tội phạm chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến oan, sai.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đánh giá, việc giải quyết các đơn tố cáo về bức cung, dùng nhục hình trong quá trình điều tra còn chậm, ảnh hưởng quyền con người, quyền công dân. Trong khi đó, việc xử lý đối với cán bộ vi phạm pháp luật có biểu hiện nương nhẹ, kể cả một số trường hợp xử lý hình sự thì kết quả xét xử cũng thiếu nghiêm minh, chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra.
Về tình hình oan sai thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra, trong 3 năm qua, cơ quan điều tra còn để quá hạn 9.754 tin tố giác tội phạm, chiếm 3,1%; nhiều trường hợp xác minh không đầy đủ, giải quyết chưa đúng, tiềm ẩn việc bỏ lọt tội phạm.
Trong 2 năm 2013-2014, Viện Kiểm sát các cấp đã phát hiện 8.715 trường hợp vi phạm và ban hành 2.419 yêu cầu, kiến nghị cơ quan điều tra khắc phục vi phạm trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm.
Đồng thời, cơ quan điều tra còn để xảy ra nhiều trường hợp khởi tố, không khởi tố vụ án thiếu căn cứ, không đúng pháp luật. Theo đó, Viện Kiểm sát các cấp đã phát hiện, hủy bỏ 240 quyết định khởi tố vụ án và 116 quyết định không khởi tố vụ án, yêu cầu khởi tố 1.213 vụ án do một số cơ quan điều tra chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, phối hợp chưa chặt chẽ với Viện Kiểm sát để phân loại, xử lý ngay từ khi có kết quả xác minh thông tin tội phạm.
Việc bắt, tạm giữ hình sự còn để xảy ra nhiều trường hợp phải chuyển xử lý hành chính. Theo báo cáo, còn 4.998 người bị bắt, tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính, chiếm 2,3% số người bị tạm giữ.
Qua giám sát cho thấy, những trường hợp đình chỉ điều tra là có dấu hiệu làm oan, bỏ lọt tội phạm. Tại các địa phương, nhiều trường hợp đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự với các bị can phạm tội kinh tế, chức vụ, tham nhũng là sai, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Ngược lại, có những trường hợp đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm lại có dấu hiệu làm oan.
Về tình hình oan, sai thuộc trách nhiệm của Viện Kiểm sát, tuy hoạt động của ngành đã đạt kết quả tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cùng với việc để xảy ra 27 trường hợp làm oan người vô tội thuộc trách nhiệm bồi thường của Viện Kiểm sát, quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát tư pháp của Viện Kiểm sát các cấp còn để xảy ra nhiều thiếu sót, vi phạm.
Về những thiếu sót, sai phạm của Tòa án cấp sơ thẩm, có 1.653 bị cáo cấp phúc thẩm hủy án để điều tra, xét xử lại, trong đó chưa đủ căn cứ kết tội 629 bị cáo, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội là 186 bị cáo, sai tội danh 110 bị cáo, áp dụng hình phạt không đúng 190 bị cáo.
Từ thực tế giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng quán triệt sâu sắc các văn bản pháp luật về công tác tư pháp, Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, về suy đoán vô tội, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo đảm tranh tụng trong xét xử, việc nghiêm túc chấp hành pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử, không để xảy ra oan, sai. Khi đã xác định bị oan, các cơ quan phải kịp thời minh oan, bồi thường thỏa đáng cho người bị oan theo quy định pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm những người mắc sai phạm cũng như trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan tố tụng đã gây nên oan, sai đối với công dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.