(HNM) - Trong 5 năm vừa qua, đã xảy ra 927 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.733 người nhập viện, 229 người tử vong (trung bình có 46 người chết/năm vì ngộ độc thực phẩm). Trong đó, tỷ lệ ngộ độc thực phẩm trong các bếp ăn tập thể chiếm 12% - 20,6%.
Hiện nay cả nước có 256 KCN, KCX, riêng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có 65 KCN, KCX. Tại các tỉnh phía Nam, từ năm 2009 đến 2011 đã có 171 vụ ngộ độc với hơn 6.300 người mắc, 35 ca tử vong. Gần đây nhất, ngày 27-9, hàng loạt công nhân của Công ty Hansoll Vina (KCN Sóng Thần, thị xã Dĩ An - Bình Dương) phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân đoàn 4 (Dĩ An) và Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) trong tình trạng nôn ói, choáng váng, ngất xỉu. Sở Y tế Bình Dương cho biết có khoảng 750 công nhân được nhập viện sau khi ăn tối tại công ty. Trước đó trong bữa ăn giữa ca họ đã ăn các món bún chả, cá, thịt kho và canh.
Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, sau khi điều tra các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại các KCN, KCX đã kết luận nguyên nhân ngộ độc xuất phát từ các bữa ăn. Kiểm tra nhanh cho thấy, bữa ăn của công nhân nghèo về dinh dưỡng và chất lượng cũng khá thấp, với trên 70% là các chất bột đường; chỉ có 12% protein, 16% chất béo… Khẩu phần ăn cả ngày của công nhân chỉ đáp ứng khoảng 90% nhu cầu dinh dưỡng cho lao động nam, 70% cho lao động nữ. Kiểm tra các tiêu chuẩn về hóa chất cho thấy các loại thực phẩm đều dư hàm lượng hóa chất bảo vệ thực vật và hàm lượng nitri, nitrat. Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm đã khuyến cáo các doanh nghiệp nên chú ý kiểm tra việc sử dụng phẩm mầu, hàn the (có khoảng 20-25% thực phẩm tồn dư lượng chất bảo quản thực phẩm, hàn the).
Tại nhiều KCN, KCX, giá một suất ăn ở mức 7.000-12.000 đồng/suất. Vào thời điểm mọi thứ đều tăng giá các cơ sở nấu ăn buộc phải cắt giảm chi phí triệt để bằng cách nhập các nguyên liệu thực phẩm rẻ tiền, không bảo đảm chất lượng. Nhiều cơ sở còn nhập nguyên liệu từ các hộ gia đình nhỏ, lẻ nên không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thêm nữa, đa số những "đầu bếp" cho các bữa ăn chính là những lao động phổ thông, thiếu kiến thức, thiếu thiết bị bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khiến thức ăn mất vệ sinh, nhiễm độc… Điều này cộng với sự thờ ơ của các doanh nghiệp về quản lý chất lượng bữa ăn công nhân nên đã xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm lớn, gây hoang mang dư luận.
Theo giới chuyên gia lao động, hiện nay mọi chi phí về ăn giữa ca, ăn chính đều được khoán trong lương của người lao động. Ở Việt Nam hiện chưa có luật quy định về các bữa ăn cho công nhân. Tiêu chuẩn cụ thể cho một suất ăn để công nhân đủ năng lượng, làm việc trong ngày không có nên khi ngộ độc xảy ra cũng không có cơ sở pháp lý để ràng buộc trách nhiệm cho ai? Do vậy, các doanh nghiệp vẫn "vô tư" phó mặc cho các cơ sở nấu ăn bên ngoài. Đã có rất nhiều cuộc họp bàn, nhiều phương án được đưa ra nhằm hoàn thiện một quy chuẩn quy định bữa ăn cho công nhân nhưng các cơ quan có trách nhiệm vẫn chưa có phương thức thống nhất khi doanh nghiệp kêu ca về giá cả tăng nhanh, suy thoái kinh tế làm cho họ chật vật, khó khăn hơn. Tuy nhiên, trước tình trạng các vụ ngộ độc thực phẩm ngày càng tăng như hiện nay rất cần cơ quan chức năng có một quy định bắt buộc về an toàn vệ sinh thực phẩm và hàm lượng dinh dưỡng tối thiểu cần thiết cho công nhân của từng ngành nghề cụ thể. Đây cũng là cơ sở pháp lý để đơn vị thanh, kiểm tra xử lý khi doanh nghiệp thực hiện sai quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.