Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bữa ăn ca của người lao động: Chất lượng quá thấp!

Linh Chi| 27/10/2016 06:57

(HNM) - Khẩu phần ăn mỗi ngày của công nhân hiện chỉ đáp ứng 90% nhu cầu dinh dưỡng, năng lượng cho lao động nam, 70% cho lao động nữ. Chưa kể, trung bình mỗi năm xảy ra 17 vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể khiến hàng nghìn công nhân lao động (CNLĐ) phải nhập viện. Rõ ràng, thực trạng trên cần phải sớm được khắc phục.

Samsung Vina là một trong những công ty chăm lo cho bữa ăn của công nhân luôn bảo đảm chất lượng.


"Đói thì phải ăn chứ chưa thấy ngon"!

Bữa ăn ca của 960 lao động được Công ty TNHH Young Fast Optoelectronics Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai, Hà Nội) thuê doanh nghiệp (DN) cung cấp, chế biến, phục vụ với mức 20 nghìn đồng/suất. Tuy nhiên, giám sát chất lượng bữa ăn ca của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội thực hiện gần đây cho thấy, giá trị bữa ăn rõ ràng thấp so với yêu cầu của Nghị quyết 07c/NQ-BCH của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Công nhân Lê Đức Kha chia sẻ: “Đói thì công nhân phải ăn chứ không thấy ngon”. Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (LĐLĐ TP Hà Nội) Kiều Hùng nhận xét, so với mặt bằng chung, mức ăn ca của người lao động ở công ty này thuộc loại thấp, cần phải cải thiện. Nhưng theo lãnh đạo DN, do khó khăn nên việc cải thiện chất lượng bữa ăn ca cho CNLĐ là chưa khả thi. Đây là lý do chung được nhiều DN "nại" ra khi được kiểm tra về vấn đề bữa ăn ca cho người lao động.

Đáng chú ý, tại Công ty TNHH Đồ chơi CheeWah Việt Nam (Khu công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) còn có tình trạng phân biệt đối xử giữa lao động trực tiếp và gián tiếp (phân ra hai loại suất
ăn khác nhau), sau đó khiến 1.600 công nhân bất bình, đồng loạt ngừng việc tập thể vì một thông tin không được xác minh “thức ăn có giòi” hồi giữa tháng 8-2016.

Theo Bộ Y tế, từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm xảy ra 17 vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể khiến hàng nghìn CNLĐ phải nhập viện. Tính từ ngày 17-12-2015 đến ngày 17-5-2016, cả nước xảy ra 35 vụ nghiêm trọng, làm 1.855 người bị ngộ độc, trong đó 2 trường hợp tử vong. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, số vụ ngộ độc trong 4 tháng đầu năm 2016 đã bằng số vụ xảy ra trong năm 2014.


Trong khi giá thực phẩm ngày càng tăng, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm phức tạp thì mức chi cho bữa ăn ca của người lao động ở nhiều DN không tăng dẫn tới chất lượng bữa ăn đã thấp lại càng thấp. Một số chủ DN cho rằng, bữa ăn ca là tiền của DN nên không bắt buộc phải đạt ở mức nào. Rồi tăng chi phí bữa ăn giữa ca, lợi nhuận của chủ DN sẽ giảm, nhất là với đơn vị sử dụng nhiều lao động... Chưa kể, một số DN còn khoán trắng cho dịch vụ dẫn đến việc bớt xén khẩu phần, sử dụng nguyên liệu kém chất lượng... diễn ra ở nhiều nơi.

Theo đánh giá của Viện Dinh dưỡng quốc gia: Khẩu phần ăn mỗi ngày của công nhân chỉ đáp ứng 90% nhu cầu dinh dưỡng, năng lượng cho lao động nam, 70% cho lao động nữ; chất lượng bữa ăn thấp, cơ cấu không cân đối với 72% là chất bột đường, nghèo chất đạm, chất béo, thừa hóa chất bảo quản. Hậu quả là CNLĐ bị suy dinh dưỡng, hao mòn sức khỏe, ảnh hưởng đến chất lượng lao động.

Không thể "khoán trắng" cho dịch vụ

Công nhân Công ty TNHH May Top One (TP Hồ Chí Minh) bức xúc vì suất ăn trưa kém chất lượng.


Thường phải làm việc liên tục8-10 tiếng/ngày, lại thường xuyên tăng ca nên bữa ăn ca có vai trò hết sức quan trọng đối với sức khỏe, tinh thần, năng suất lao động đối với công nhân. Theo kết quả khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn mới đây tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội và khu vực lân cận, bữa ăn ca nghèo dinh dưỡng, không bảo đảm vệ sinh là nguyên nhân gây ra tình trạng chỉ có 5,2% công nhân đạt sức khỏe loại A.

Để bảo đảm chất lượng bữa ăn ca, nâng cao sức khỏe CNLĐ, các cấp công đoàn đã có nhiều kiến nghị, tác động, đấu tranh với chủ DN để nâng mức ăn cho CNLĐ. Theo ông Kiều Hùng, DN cần thống nhất với quan điểm của Công đoàn: Bảo đảm sức khỏe CNLĐ chính là bảo đảm năng suất, chất lượng sản phẩm, ổn định tình hình sản xuất - kinh doanh. Vì vậy, DN cần nắm chắc, quản lý tốt, giám sát chặt việc nấu ăn, cung cấp bữa ăn cho CNLĐ; hạn chế thấp nhất việc thuê DN, "khoán trắng" cho dịch vụ. Bên cạnh đó rất cần quan tâm đến thái độ, cách ứng xử của người sử dụng lao động trong vấn đề này.

Tất nhiên, bên cạnh những DN gặp nhiều khó khăn, không quan tâm đúng mức đến sức khỏe người lao động thì vẫn có không ít đơn vị thực hiện tốt bữa ăn ca như ở Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công (thuộc Khu công nghiệp Nguyên Khê, huyện Đông Anh) với giá trị mức ăn ca 28 nghìn đồng/suất, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng quốc tế Vigeba (quận Bắc Từ Liêm) với giá trị mức ăn ca 30 nghìn đồng/suất. Tại Công ty TNHH Điện tử Meiko (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai), Ban Giám đốc cùng ngồi ăn với công nhân, trò chuyện, nắm tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Bữa ăn ca vì thế còn có tác dụng lớn gắn bó người lao động với công ty.

Nghị quyết 07c/NQ-BCH của Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu rõ “bảo đảm bữa ăn ca của người lao động với mức thấp nhất 15.000 đồng, khuyến khích các DN nâng mức bữa ăn ca cao hơn” (không gồm chi phí khác như gas, vận chuyển, phục vụ...). Trong đó, Tổng LĐLĐ đưa ra giải pháp quyết liệt: “Trong quá trình thương lượng tập thể mà DN vẫn không thỏa thuận được với mức đề xuất của công đoàn cơ sở thì công đoàn cơ sở báo cáo và xin ý kiến công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức đình công (theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật) để yêu cầu cho được mức bữa ăn ca theo đề xuất”. Bên cạnh đó, DN và tổ chức Công đoàn rất cần phối hợp tổ chức đấu thầu, giám sát thường xuyên... để ngăn chặn, triệt tiêu tình trạng các đơn vị cung cấp bữa ăn bớt xén khẩu phần công nhân hoặc trục lợi từ nguồn thực phẩm không bảo đảm chất lượng.

Quan trọng hơn, rất cần đưa chất lượng bữa ăn ca vào văn bản quy phạm pháp luật để CNLĐ có bữa ăn xứng đáng với công sức của mình, tái sản xuất sức lao động và có đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bữa ăn ca của người lao động: Chất lượng quá thấp!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.