Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bù đắp khoảng trống miễn dịch trong thời kỳ ăn dặm

ThS, BS Lê Thị Hải| 19/08/2010 15:14

Để giúp trẻ vượt qua giai đoạn khoảng trống miễn dịch, việc cung cấp cho trẻ một chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng một vai trò quan trọng


Khoảng từ 6 tháng tới 3 tuổi là thời gian giao thoa giữa hai hệ miễn dịch, một là bảo vệ miễn dịch thụ động (nhờ vào các kháng thể từ mẹ truyền qua nhau thai trong thời kỳ bào thai và qua sữa mẹ sau khi trẻ trào đời) và hai là bảo vệ miễn dịch chủ động (do trẻ tự tạo ra). Đây chính là giai đoạn trẻ bị “khoảng trống” trong bảo vệ miễn dịch. Điều này có thể l‎ý giải vì sao trẻ hay bị các bệnh nhiễm trùng và dị ứng ở độ tuổi này.


Để bảo vệ miễn dịch của trẻ trong giai đoạn ăn dặm các bà mẹ cần phải cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Chúng ta đều biết ngoài các thành phần dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển của trẻ, sữa mẹ còn chứa rất nhiều các yếu tố tăng cường miễn dịch ví dụ như các kháng thể. Người ta còn mới phát hiện ra sữa mẹ chứa rất nhiều các vi khuẩn có lợi như Bifidobacteria hoặc Lactobacillus giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Nếu vì l‎ý do nào đó mẹ thiếu hoặc mất sữa nên chọn các loại sữa có bổ sung các vi khuẩn có lợi hoặc thức ăn giúp vi khuẩn có lợi phát triển. Khi bước sang giai đoạn ăn dặm nên chọn các loại thức ăn dặm, các loại sữa và bột ngũ cốc có bổ sung các loại vi khuẩn có lợi.

Thời gian gần đây, chúng ta thường nghe nhiều về khái niệm “Probiotics” mà không phải ai cũng hiểu Probiotics là gì. Probiotics trên thực tế chính là các vi khuẩn sống có lợi đường ruột, khi ăn vào đem lại các lợi ích sức khoẻ con người nhờ cải thiện hệ vi sinh đường ruột và chức năng của ruột. Bifidobacteria và Lactobacillus là 02 probiotics thông dụng nhất hiện nay. Các nhà khoa học đã tìm được rất nhiều bằng chứng chứng minh vai trò to lớn của chúng trong giảm nguy cơ tiêu chảy và độ nặng của tiêu chảy, đặc biệt là tiêu chảy cấp và tiêu chảy do sử dụng kháng sinh. Probiotics còn giúp ngăn ngừa dị ứng như viêm da dị ứng, dị ứng thức ăn, mề đay…

Hiện nay trên thị trường có nhiều sản phẩm có chứa probiotic khác nhau nhưng các bà mẹ cần lưu ý: Không phải tất cả các vi khuẩn có lợi đều là probiotic mà chỉ các vi khuẩn có lợi, khi bổ sung đầy đủ vào cơ thể, với tác dụng được chứng minh trên lâm sàng mới được gọi là probiotics. Hơn nữa, mỗi chủng vi khuẩn lại có tác dụng đặc thù. Ví dụ, B.lactic là chủng đã được chứng minh trên lâm sàng là an toàn và có tác dụng tăng cường miễn dịch và bảo hệ tiêu hóa.

Ngoài ra, thức ăn dặm phải có đầy đủ vitamin và khoáng chất như Sắt, Kẽm, Vitamin A & C, nhằm góp phần xây dựng hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Các vitamin và khoáng chất này đều có trong các loại thực phẩm chúng ta cho trẻ ăn hàng ngày, ví dụ kẽm có nhiều trong thịt cóc, thịt gà, thịt lợn thăn, các loại thủy hải sản, sắt có nhiều trong gan, tim, bầu dục, lòng đỏ trứng, vitamin A có trong các loại thịt, phủ tạng: gan, tim...và nguồn tiền vitamin A (betacaroten) có trong các loại quả có màu vàng và đỏ như: gấc, cà rốt, bí đỏ, đu đủ ...và các loại rau có màu xanh thẫm như rau ngót, rau muống, rau day… còn vitamin C có trong các loại quả như: bưởi, cam, quýt, chuối, thanh long và các loại rau xanh.

Như vậy, với hiểu biết đầy đủ và chọn lựa đúng đắn chế độ ăn cho trẻ trong thời kỳ ăn dặm quan trọng, chúng ta có thể giúp trẻ rất nhiều trong việc vượt qua khoảng trống miễn dịch. Tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ, chọn lựa thức ăn ăn dặm có chứa các dưỡng chất tăng cường miễn dịch là phương pháp tốt nhất để giúp trẻ ít bị bệnh tật và phát triển khoẻ mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bù đắp khoảng trống miễn dịch trong thời kỳ ăn dặm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.