Theo dõi Báo Hànộimới trên

Brazil sa thải Dunga: Thua thì thế thôi!

Vũ Nguyên| 06/07/2010 08:18

(HNM) - LĐBĐ Brazil (CBF) đã sa thải HLV Carlos Dunga và toàn bộ BHL của nhà cầm quân này. Đây là điều đã được dự đoán trước khi Brazil bị loại ngay sau vòng tứ kết World Cup 2010 sau trận thua Hà Lan 1-2.

Để Brazil bị loại ngay từ vòng tứ kết, HLV C.Dunga phải sớm ra đi.


Công bằng mà nói, Brazil bị loại khá oan uổng. Ít nhất, Hà Lan đã gặp may trong tình huống dẫn tới bàn đốt lưới nhà của Melo, giúp Hà Lan có bàn gỡ ở vào chính lúc họ đang bị Brazil dồn ép tối mặt. Dù bị loại nhưng nhiều chuyên gia vẫn đánh giá Brazil là đội mạnh nhất, cân bằng nhất tại World Cup 2010. Nhưng áp lực thành tích không cho phép CBF giữ Dunga trước sức ép dư luận.

Brazil dẫn đầu vòng loại World Cup khu vực Nam Mỹ, vô địch Copa America 2007 và Confederations Cup 2009. Tuy nhiên, Brazil đã thất bại ở Olympic 2008 khi Dunga là HLV. Chiếc HCV Olympic là danh hiệu quan trọng duy nhất còn thiếu trong bộ sưu tập thành tích của bóng đá Brazil. Giới hâm mộ Brazil có thể bỏ qua chuyện này, nhưng sẽ không để Dunga yên thân nếu Brazil không vô địch hoặc chí ít là vào đến trận chung kết World Cup 2010. Thật không may là Dunga đã không đạt được mục tiêu đó.

Dunga là HLV có năng lực. Tuy nhiên, có vẻ ngay từ đầu Dunga đã là sự lựa chọn không được nhiều người Brazil ủng hộ. Nhiều người bất ngờ khi CBF đi theo con đường của các LĐBĐ Hà Lan, Đức: chọn một HLV chưa có kinh nghiệm huấn luyện dẫn dắt ĐTQG. Hoàn cảnh của đội tuyển Hà Lan, Đức khác với Brazil - luôn có nhiều HLV giỏi và lực lượng tuyển thủ dồi dào, nên có thể xem Dunga là canh bạc lớn của CBF.

Khi HLV Carlos Alberto Parreira từ nhiệm sau World Cup 2006, có nhiều ứng cử viên sáng giá mà CBF nhắm đến. Scolari từng cùng Brazil vô địch World Cup 2002, cùng tuyển Bồ Đào Nha giành ngôi á quân tại Euro 2004, lọt vào bán kết World Cup 2006 và tứ kết Euro 2008. Autuori (giúp Sao Paulo vô địch cúp Libertadores 2005) và Luxemburgo (vô địch Copa America 1999 cùng đội tuyển) đều bày tỏ ý muốn nắm Selecao.

Scolari không quá thiết tha với Brazil, nhưng Luxemburgo và Autuori đều tuyên bố: "Hằng ngày, tôi chờ cú điện thoại từ CBF". Vậy mà Dunga được chọn. Cây bút Eric Weil của World Soccer từng đặt câu hỏi: "Nếu không là Scolari, Autuori hay Luxemburgo, CBF vẫn còn các ứng cử viên khác như Emerson Leao hay Antonio Lopes kia mà?".

Ngay từ đầu, Dunga đã bị chính CBF nghi ngờ. Trang web chính thức của CBF từ chối cho biết "nhiệm kỳ" của Dunga kéo dài trong bao lâu. Phát ngôn viên của CBF chỉ nói rằng: "Dunga được chọn với nhiệm vụ xây dựng đội tuyển Brazil chuẩn bị cho World Cup 2010 và 2014". Quá mơ hồ! Giới chuyên môn nhận định: có lẽ CBF chỉ ký với Dunga 1 năm, chờ xem HLV này dẫn dắt đội tuyển Brazil thi thố ra sao tại Copa America 2007 trước khi đưa ra quyết định gia hạn hợp đồng hoặc chấm dứt quan hệ với Dunga.

Dunga đã vượt qua bài test đầu tiên là Copa America, yên tâm dẫn dắt Selecao. Ông tuyên bố: "Tôi không sợ những lời chỉ trích. Tôi chỉ tập trung cho công việc. Với các cầu thủ Brazil, tôi yêu cầu ở họ thái độ thi đấu nghiêm túc và sự cống hiến 100% cho đội tuyển trong mọi tình huống". Đây là lời cảnh báo cho các ngôi sao như Ronaldinho hay Adriano. Dunga cho đội tuyển Brazil thi đấu theo lối chơi yêu thích của mình (thực dụng), tất yếu không có chỗ cho Ronaldinho hay Adriano ở World Cup 2010.

Không sử dụng một loạt ngôi sao như Ronaldinho, Adriano, Ronaldo, Pato, Diego, Alex, Neymar, Ganso, căng thẳng trong quan hệ với báo chí và giờ lại thất bại ở World Cup 2010, Dunga đã phải ra đi. Cuối tháng này, Brazil sẽ chọn HLV mới chuẩn bị cho World Cup 2014.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Brazil sa thải Dunga: Thua thì thế thôi!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.