Theo dõi Báo Hànộimới trên

Brazil: Chưa nguôi làn sóng biểu tình

Thùy Dương| 17/10/2013 06:34

(HNM) - Ngày 16-10, ngày tôn vinh các nhà giáo tại Brazil đã chìm trong làn sóng bạo động khi người biểu tình đòi chính phủ cải thiện điều kiện làm việc và tăng lương cho giáo viên tại hai thành phố lớn là Rio de Janeiro và Sao Paulo.

Với gần 8.000 người tham dự, lúc đầu cuộc tuần hành diễn ra ôn hòa, nhưng sau đó một nhóm đeo mặt nạ đã đập phá các cửa hàng, đốt xe cảnh sát, buồng điện thoại công cộng… và ném bom xăng về phía cảnh sát. Cảnh sát buộc phải xịt hơi cay để giải tán đám đông và bắt một số người biểu tình quá khích.

Hàng nghìn người Brazil đã xuống đường biểu tình đòi tăng lương cho giáo viên và cải cách hệ thống giáo dục.



Thực tế, dù các cấp chính quyền của Brazil đã đưa ra một số biện pháp nhằm khắc phục những bất cập trong hệ thống giáo dục quốc gia nhưng các giáo viên của nhiều trường công đã đình công từ hai tháng nay, yêu cầu Chính phủ Brazil cải thiện điều kiện giảng dạy và tăng lương thêm 37%. Cuộc đình công đã ảnh hưởng đến 600.000 học sinh, chủ yếu nằm trong tầng lớp nghèo của xã hội. Trong khi đó, trẻ em nhà khá giả thường chọn học trường tư để bảo đảm chất lượng học tập. Bất cập trong hệ thống giáo dục của Brazil là trong khi các trường đại học công ở mức hoàn hảo và được xếp cùng hàng với các học viện tốt nhất trên thế giới thì cả cấp tiểu học và trung học lại đang trong tình trạng tồi tệ. Và điều trớ trêu của hệ thống giáo dục Brazil là học sinh phải qua các trường trung học tư nhân để vào các trường đại học công lập. Trong khi đó, đa số các trường phổ thông cơ sở và trường trung học phổ thông công lập đều trong tình trạng cơ sở hạ tầng và chất lượng giáo dục kém. Không được trang bị, cơ sở vật chất khiến các lớp học phải "quay vòng" và học sinh tiểu học buộc phải lựa chọn học vào buổi sáng hoặc buổi chiều; có nhiều vùng, học sinh còn phải học ca ba. Bên cạnh đó, một thực tế khác của nền giáo dục Brazil hiện nay chính là đội ngũ giáo viên với chất lượng đào tạo kém. Nguyên do được nhắc đến nhiều nhất dẫn đến tình trạng này là mức lương của giáo viên rất thấp. Dù tiền lương có thay đổi giữa các bang song thu nhập của một giáo viên ở Brazil thường chỉ khoảng 300 - 400 euro/tháng.

Đất nước của vũ điệu samba đang phải hứng chịu những làn sóng biểu tình liên tiếp trong thời gian gần đây. Các cuộc biểu tình đòi thay đổi thực trạng xã hội và chấm dứt việc chi tiêu quá mức của chính phủ đã nổ ra hồi tháng 6 vừa qua tại Brazil, khi hơn 1 triệu người đổ xuống đường trong thời gian diễn ra Cúp Liên đoàn các châu lục 2013. Bất mãn với việc Chính phủ Brazil chi hàng tỷ USD xây dựng nhiều sân vận động mới phục vụ các giải thi đấu bóng đá, người dân Brazil cho rằng, số tiền đó đáng ra phải dùng để cải thiện các dịch vụ công như y tế, giáo dục và giao thông vận tải hơn là chuẩn bị cho những sự kiện thể thao như World Cup 2014 hay Olympics Mùa hè 2016. Rõ ràng, sau gần một thập niên bùng nổ kinh tế, Brazil đã vươn lên trường quốc tế nhưng giờ đây đất nước này đang bước vào một thời kỳ khó khăn với không ít thách thức. Tăng trưởng kinh tế chưa đầy 1% trong năm ngoái, lạm phát hàng năm ở mức 6,5% và sự tụt giảm tín nhiệm trong giới đầu tư quốc tế đang phủ bóng lên một trong những trụ cột của các nền kinh tế mới nổi.

Trước làn sóng biểu tình dữ dội chưa có dấu hiệu ngừng lại, nữ Tổng thống Dilma Rousseff cam kết sẽ quan tâm hơn nữa đến những yêu cầu của người dân; đồng thời nỗ lực cải cách hệ thống chính trị theo hướng minh bạch, có "sức đề kháng" mạnh hơn trước những thách thức; trong đó thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng và chống tham nhũng là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, người dân lại muốn chính phủ phải hành động ngay lập tức chứ không chỉ là những hứa hẹn. Đó là lý do vì sao tình trạng bạo động do biểu tình chống chính phủ đang diễn ra tại quốc gia này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Brazil: Chưa nguôi làn sóng biểu tình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.