(HNM) - Vụ tràn dầu ở vịnh Mexico (Mỹ) vừa khiến Tập đoàn Dầu khí BP của Anh chấp nhận dốc túi 20 tỷ USD bồi thường cho người Mỹ sau thảm họa tràn dầu kinh hoàng nhất trong lịch sử xứ Cờ hoa.
Người dân Mỹ đến từ vùng vịnh Mexico đứng trước những chai nước biển đầy cặn dầu trong một cuộc họp báo tại thủ đô Washington. |
Đây là kết cục sau cuộc họp kéo dài 4 giờ (ngày 16-6) giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và các quan chức của BP. Theo thỏa thuận, BP sẽ chi 5 tỷ USD/năm trong 4 năm tới để bồi thường thiệt hại do vụ nổ và chìm giàn khoan Deepwater Horizon hồi cuối tháng 4 gây ra. Tổng thống B.Obama nhấn mạnh, 20 tỷ USD chỉ là con số khởi đầu; đồng thời cảnh báo BP có thể sẽ phải chịu nhiều "án phạt" nặng nề hơn. Ngoài ra, BP cũng nhất trí thành lập một quỹ trị giá 100 triệu USD bồi thường cho công nhân làm việc trên giàn khoan Deepwater Horizon bị mất việc sau sự cố. Đến nay, BP đã phải chi hơn 90 triệu USD bồi thường cho hơn 56.000 đối tượng, chủ yếu là các cá nhân, và gần 16 triệu USD cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi sự cố tràn dầu.
Thảm họa tại vịnh Mexico với mức dầu tràn ước tính từ 35.000 đến 60.000 thùng/ngày, cao hơn nhiều so với con số trước đó là 20.000 đến 40.000 thùng/ngày. Tập đoàn BP cho biết đã chi 1,6 tỷ USD cho các biện pháp bịt giếng dầu. Chính phủ Mỹ cũng huy động 17.500 binh lính quốc gia để giúp BP khắc phục sự cố. Tuy nhiên, thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ đã khiến việc thu gom chưa đi tới đâu.
Thảm họa dầu loang ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái tại bờ biển các bang Louisiana, Alabama và Missisippi. Giờ đây thảm họa này đang có nguy cơ lan sang các quốc gia láng giềng là Cuba và Mexico. Các nhà khoa học lo ngại rằng, sự tồn tại của các phân tử hóa học của dầu trong nước khiến chúng có thể bị hòa lẫn với các thực vật biển cũng như các chất dinh dưỡng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn thức ăn của các loài sinh vật biển. Hàng ngàn ngư dân ở vùng vịnh Mexico đã phải ngồi chơi xơi nước suốt 2 tháng qua. Công việc theo mùa của hàng triệu công nhân, ngư dân, chủ doanh nghiệp Mỹ đang bị gián đoạn trong khi hoạt động làm sạch dầu loang có thể kéo dài hàng năm, thậm chí hàng chục năm...
Vụ tràn dầu đã gây tổn hại nghiêm trọng cho BP - hãng dầu khí lớn thứ tư thế giới. Theo Quốc hội Mỹ, hậu quả này một phần do BP đã phạm nhiều sai lầm khi cố tình chọn các giải pháp khắc phục rẻ tiền sau vụ nổ. Hãng AP phát hiện ra rằng, thời điểm kiểm tra giàn khoan gần đây nhất năm 2007 do BP công bố là không đúng. Thực tế, việc tổng kiểm tra lần cuối cùng diễn ra từ năm 2003 và các kiểm tra định kì chỉ khoảng 2 giờ. Không những thế, qua sự cố còn cho thấy BP không hề có kế hoạch khả dĩ nhằm xử lý một vụ tràn dầu ở độ sâu...
Báo chí Mỹ còn cho biết, BP đã sử dụng chiêu vận động hành lang (lobby) để giới chức nước sở tại, trong trường hợp này là Mỹ, bớt săm soi hoạt động kinh doanh của mình. Hãng dầu khí này đang cố để từng xu trong 15,9 triệu USD mà họ đã chi cho các chiến dịch lobby đạt hiệu quả. Một trong những nỗ lực hiện nay của BP tại các hành lang Quốc hội Mỹ là giảm thiểu tổn thất tiền bạc mà BP tiếp tục phải dốc túi khi cuộc điều tra Deepwater Horizon kết thúc. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2010, BP đã chi hơn 3,8 triệu USD lobby cho Washington. Với mức độ cực kỳ nghiêm trọng do hậu quả vụ Deepwater Horizon, liệu BP có thể thoát nạn bằng một chiến dịch lobby mới? Chưa thể có câu trả lời trong thời điểm này nhưng thủ lĩnh phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell đã cảnh báo: "Tôi chắc rằng vận động hành lang sẽ không giúp được gì".
Như vậy, lợi nhuận và sự quan liêu công sở với hiệu ứng của nó đã cho nước Mỹ và một số quốc gia bị ảnh hưởng một bài học lớn về môi trường. Và không chỉ vùng vịnh Mexico mà có lẽ cả thế giới tới đây sẽ phải trả giá rất đắt sau vụ bất cẩn của BP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.