(HNMCT) - Ngôi Á quân hạng 50kg nữ của võ sĩ Nguyễn Thị Tâm tại Giải vô địch boxing nữ thế giới năm 2023 ở Ấn Độ thực sự là kỳ tích với boxing nữ Việt Nam. Nhưng nếu nhìn vào hành trình dự kiến cho đến hết năm nay, dễ thấy việc thực hiện mục tiêu của thầy trò đội boxing nữ quốc gia thật không đơn giản, cần có sự phối hợp hỗ trợ của nhiều bên để các VĐV yên tâm tập luyện, thi đấu.
Trở lại guồng quay
Tấm Huy chương bạc tại Giải vô địch boxing nữ Thế giới năm 2023 khiến thầy trò Nguyễn Như Cường - Nguyễn Thị Tâm bận rộn bởi sự quan tâm của giới truyền thông. Sau khi trở về từ Ấn Độ, HLV đội tuyển boxing nữ quốc gia Nguyễn Như Cường đã phải từ chối không ít cuộc hẹn phỏng vấn vì không muốn quá trình chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế sắp tới của các học trò bị ảnh hưởng.
Ngẫm lại cũng vui bởi cách đây khoảng 15 năm, HLV Nguyễn Như Cường từng chia sẻ rằng ông mong mỏi boxing nữ được giới truyền thông quan tâm nhiều hơn, qua đó tạo sự thuận lợi cho việc tuyển quân cũng như thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp. Giờ đây, các võ sĩ boxing nữ liên tiếp giành thành tích đáng nể, từ chức vô địch giải bán chuyên thế giới đến ngôi Á quân giải nghiệp dư thế giới, vô địch nghiệp dư châu Á, vô địch SEA Games... Và, trong chừng mực nào đó, họ đã phải hạn chế gặp gỡ giới truyền thông để giữ sự tập trung vào chuyên môn.
Giờ đây, khi tĩnh tâm trở lại, nhớ đến ngôi Á quân thế giới của Nguyễn Thị Tâm, ông Nguyễn Như Cường không quên sự nỗ lực đến cùng kiệt của cô học trò trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành. Và, như ông chia sẻ, cô học trò đã chủ động từ chối nhiều lời mời tập huấn tại một số câu lạc bộ quyền Anh tư nhân ở thành phố Hồ Chí Minh để dành thời gian tham gia các giải đấu bán chuyên. Nguyễn Thị Tâm tự ý thức được sự khác nhau trong tập luyện, thi đấu giữa boxing nghiệp dư với chuyên nghiệp. Nếu theo hẳn boxing chuyên nghiệp thì có thể ảnh hưởng đến thành tích ở các giải nghiệp dư thế giới, châu Á, ASIAD, SEA Games - những sân chơi được cô chọn là mục tiêu chính của mình.
Đến lúc này, khi Nguyễn Thị Tâm nhận được khoản tiền thưởng kỷ lục với một võ sĩ boxing nữ Việt Nam - 50.000 USD do giành ngôi Á quân thế giới, ông Nguyễn Như Cường cũng vui lây bởi như thế thì Nguyễn Thị Tâm càng yên tâm tập luyện, thi đấu. Hiện tại, Nguyễn Thị Tâm và đồng đội đã toàn tâm toàn ý trở lại guồng quay tập luyện với mục tiêu trước mắt là SEA Games 32. Ở sân chơi này, boxing nữ được kỳ vọng đóng góp ít nhất 1 HCV khi tham dự 3 nội dung thi đấu. Đó là thử thách thực sự khi Nguyễn Thị Tâm vốn sở trường ở hạng 50kg, nay phải đôn lên thi đấu ở hạng 54kg; hai nữ võ sĩ còn lại phải ép cân.
Đường phía trước còn dài
Ngoài SEA Games 32, mục tiêu phía trước của boxing nữ Việt Nam còn là thi đấu tốt tại ASIAD 19 - diễn ra vào tháng 9 tới tại Trung Quốc. Tại giải đấu này, nếu lọt vào trận chung kết, các cô gái Việt Nam sẽ giành luôn tấm vé dự Olympic 2024. Nhìn vào thành tích ở Giải vô địch boxing nữ thế giới vừa qua của Nguyễn Thị Tâm, nhiều người dễ nghĩ rằng tấm vé đó, với cô, như “đồ trong túi”. Nhưng giới chuyên môn thì không chủ quan đến thế.
“Nếu sòng phẳng thì trình độ của Tâm chỉ ở mức ngang ngửa một số võ sĩ của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, CHDCND Triều Tiên; trong đó, nữ võ sĩ Ấn Độ vừa thắng Tâm tại giải vô địch thế giới, võ sĩ Nhật Bản cũng giành HCĐ ở giải này... Tất cả cho thấy, sân chơi ASIAD 19 sẽ cực kỳ khốc liệt, không dễ giành vé dự Olympic 2024 ở giải này” - HLV Nguyễn Như Cường nói.
Thực tế, từ cách đây ít lâu, bộ môn boxing (Tổng cục TDTT), Liên đoàn Boxing Việt Nam từng họp bàn để tìm ra giải pháp đầu tư tối ưu cho các võ sĩ trọng điểm sẽ thi đấu ở ASIAD 19. Gần đây, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội - đơn vị chủ quản của Nguyễn Thị Tâm đã họp với Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục TDTT) để bàn về cách phối hợp đầu tư cho VĐV Hà Nội đang tập trung ở đội tuyển quốc gia, trong đó có đội boxing nữ.
Giám đốc Trung tâm Đào Quốc Thắng nhận định, cần sớm phân định rõ việc Tổng cục TDTT đầu tư ở mức nào, ngành Thể thao Hà Nội ở mức nào..., qua đó tìm ra đáp án cho bài toán đầu tư trọng điểm. Trong đáp án đó, đương nhiên phải có việc tổ chức tập huấn quốc tế dài hạn, thậm chí có việc tìm chuyên gia phục hồi thể lực, chuyên gia tâm lý... cho VĐV.
Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT) Hoàng Quốc Vinh cũng cho rằng, mở rộng phạm vi phối hợp đầu tư cho VĐV đội tuyển quốc gia là cần thiết, đặc biệt là khi ngân sách của ngành Thể thao dành cho việc tập huấn, thi đấu chưa thể đáp ứng nhu cầu của VĐV. Trước mắt, rất cần hiện thực hóa mục tiêu phối hợp đầu tư giữa Tổng cục TDTT, Liên đoàn thể thao quốc gia, đơn vị chủ quản của VĐV cũng như các doanh nghiệp để từ đó giúp các HLV và VĐV yên tâm cống hiến thay vì thường xuyên động viên nhau vượt khó, coi đó là đặc trưng của nghề mà mình đang theo đuổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.