(HNM) - Xe bọc thép xuất hiện trên đường phố, các biện pháp an ninh được triển khai - phòng ngừa bạo động do người dân đổ đến ngân hàng rút tiền - đang đẩy quốc đảo Síp vốn nổi tiếng bình yên vào không khí căng thẳng.
Nỗi e ngại một "cuộc đảo chính" của dân chúng có thể đánh sập hệ thống ngân hàng Síp ngay khi vừa mở cửa trở lại sau 2 tuần cửa đóng then cài đã không xảy ra. Mỗi người chỉ được rút không quá 300 euro/ngày và không mang nhiều hơn 1.000 euro khi ra nước ngoài đã giúp ngăn ngừa về sự tháo vốn ồ ạt. Tuy nhiên, cuộc hạn chế rút tiền gửi được cho là hy hữu tại Châu Âu vào lúc này đã không thể khiến dòng người xếp hàng trước cửa các nhà băng khắp quốc đảo Địa Trung Hải từ sáng sớm 28-3 ngắn lại.
Người dân đảo Síp lũ lượt rút tiền gửi vào cuối tuần qua. |
Chỗ nước lặng chưa hẳn là nơi không sâu. Sự trật tự ngoài dự báo cuối tuần qua tại đảo Síp không đồng nghĩa với "biến cố" tài chính tại quốc gia này đã lắng xuống. Dường như, đằng sau vẻ tĩnh lặng từ những dòng người xếp hàng dài trên các con phố đang ẩn chứa những cơn sóng ngầm dữ dội. Bắt đầu từ khi Hy Lạp viết nên câu chuyện nợ nần u ám tại Châu Âu, cụm từ cứu trợ tài chính đã chẳng còn mới mẻ. Sau Xứ sở thần thoại, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đã lần lượt trở thành những nhân vật chính trong tuyển tập cứu nạn dài kỳ của Lục địa già. Thế nhưng, chưa lúc nào, những nỗ lực ngăn chặn một thành viên của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) lại đứng trước nhiều diễn biến bất thường như thế. Gần một năm sau khi lời cầu cứu hỗ trợ phá sản của Nicosia được hồi đáp bằng gói giải cứu 10 tỷ euro, Quốc hội Síp đã dội thẳng gáo nước lạnh vào ban lãnh đạo châu lục bằng cuộc bỏ phiếu biến thỏa thuận được mong chờ thành đống giấy vụn chỉ trong 4 ngày. Mọi thứ trở về vạch xuất phát trong khi cơn hấp hối của Síp đã đến khiến cả hai bên không thể trì hoãn thêm. Thỏa ước thứ hai ra đời dẫn tới việc xóa sổ Ngân hàng Nhân dân lớn thứ hai quốc đảo (Laiki); đồng thời đóng băng các khoản tiền gửi trên 100.000 euro và chuyển sang ngân hàng số 1 Bank of Cyprus. Nhưng, số phận của những tài khoản tiền gửi cho dù là tiết kiệm này là mong manh khi 60% giá trị của nó "hứa hẹn" không về với chủ để chia sẻ "gánh nặng" với chính phủ trong cuộc chèo chống với bão nợ. Như vậy, ai từng hy vọng sẽ bảo toàn được 100% tiền bạc trong tình cảnh này tại Síp chẳng khác nào như lên trời hái sao.
Vậy là, từ một thiên đường thu hút các nhà đầu tư khắp Châu Âu, cú giáng chí mạng mang tên tiền gửi của Síp đang có cơ chặn đứng các dòng vốn. Không ít người nuối tiếc về một thời chưa xa, khi dòng tiền ùn ùn đổ về khiến đất nước chỉ rộng hơn 9.200km2 nắm giữ số tiền gửi lên đến 70 đến 80 tỷ euro, gấp 4 lần GDP của đảo quốc. Mọi thứ đều tốt đẹp với giá bất động sản tăng, du lịch, dịch vụ… phát đạt đã đưa Síp lên hàng những quốc gia thu nhập bình quân đầu người tới 20.000 euro. Nhưng, việc phát triển một hệ thống ngân hàng lớn hơn "trọng lượng" của mình lại là liều thuốc độc ngọt ngào do chính Nicosia tạo ra. Để kiếm thêm lời trong lúc "ăn nên làm ra", các nhà băng Síp đã vung tiền mua trái phiếu của cả Chính phủ lẫn người dân láng giềng Hy Lạp. Thế nhưng, điều không thể đã xảy ra khi Hy Lạp đổ vỡ và cuộc tái cơ cấu nợ - còn gọi xóa nợ một phần cho Athens - đã "cướp trắng" của Nicosia khoảng 4,5 tỷ euro. Vì thế, cán cân thu - chi của Síp đột ngột mất cân bằng. Thêm vào đó, tác động khôn lường từ sự suy giảm của nền kinh tế Châu Âu và thế giới đã làm rung chuyển thêm đảo quốc triệu dân. Ngành tài chính và du lịch góp đến 70% GDP của Síp đột ngột mất đà và từng bước đẩy hòn đảo xinh đẹp vào nợ nần chồng chất.
Chỉ 5 năm sau khi ghi danh vào câu lạc bộ những quốc gia sử dụng đồng euro - như một bảo đảm đầy uy tín góp phần làm nên phép màu ở Địa Trung Hải - Síp đã lọt vào nhóm nước làm suy yếu Cựu lục địa bằng khủng hoảng nợ công. Những trách cứ thể hiện qua các điều kiện giải cứu khắc nghiệt cho thấy quan điểm cứng rắn của Châu Âu nhằm lập lại trật tự tài chính của Nicosia. Tuy nhiên, bóng tối ở "thiên đường" Síp có lẽ không chỉ bộc lộ sự tham lam quá mức của một nền tài chính bé nhỏ mà còn, ở góc độ nào đó, là lỗi "hệ thống" trong quản lý của Lục địa già. Đã quá muộn để trả lời cho câu hỏi tại sao Châu Âu lại để Síp phát triển một hệ thống ngân hàng đồ sộ đến mức tự đào huyệt chôn mình. Song, thời gian một lần nữa đang tỏ ra rộng lượng khi hành trình "thoát nợ" của Síp đã bắt đầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.