(HNMO) - Nếu như 2014 được phần đông học giả đánh giá là “đầy bất ngờ, bất ổn và khó đoán định” thì năm 2015 mặc dù diễn biến một cách phức tạp, căng thẳng nhưng lại có thể gọi là năm của “những hệ lụy đã được báo trước”.
Trong năm nay, một loạt các sự kiện lớn như cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu, Nga can thiệp vào cuộc chiến Syria, vụ đánh bom khủng bố đẫm máu Paris ngày 13/11, Trung Quốc cải tạo đảo làm nóng biển Đông, ngay cả những thảm họa như trận động đất kinh hoàng ở Nepal hay vụ giẫm đạp ở Mecca, thoạt đầu tưởng như mang đầy tính bất ngờ và khó đoán định, nhưng nếu xem xét một cách kỹ lưỡng thì có thể thấy, đó đều là hệ quả của những quá trình vận động, phát triển có chiều hướng và có thể dự báo được.
Sự trỗi dậy của IS và những hệ lụy tất yếu
Sự hình thành và phát triển đáng lo ngại của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, một trong những vấn đề nổi cộm từ năm trước vẫn tiếp tục chi phối tình hình thế giới 2015.
Phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. |
Cả thế giới bắt đầu biết đến Nhà nước Hồi giáo (IS) từ năm 2014 như một nhóm khủng bố cực đoan ở Trung Đông, với những chính sách man rợ, tàn bạo và dã tâm quy phục cả thế giới. Đây là một nhóm vận hành có tổ chức, có quy tắc hoạt động rõ ràng và nhận được sự tài trợ rộng rãi của nhiều thế lực. Hội tụ đủ các yếu tố về chính sách, nhân lực và nguồn tài chính như vậy, việc IS ngày càng bành trướng không chỉ ở Trung Đông (Syria, Iraq, Afghanistan) mà còn lan sang châu Phi (Libya, Nigeria, Ai Cập), thậm chí vươn ra châu Âu và châu Á, là điều không quá khó để dự đoán.
Vụ rơi máy bay Nga ở Ai Cập, vụ xả súng ở California ngày 3/12, đặc biệt, vụ khủng bố đẫm máu tại Paris, kinh đô ánh sáng khiến người dân nước Pháp và cả thế giới bàng hoàng… đều là những sự kiện thảm khốc ít ai có thể nói trước. Tuy nhiên, nếu cân nhắc đến các yếu tố: năng lực ngày càng lớn của IS, sự bất lực của liên minh quốc tế trong cuộc chiến chống IS ở Syria và cơ chế đảm bảo an ninh yếu kém của phương Tây, có thể thấy rằng, không sớm thì muộn, IS cũng sẽ tấn công trực diện phương Tây, trở thành mối nguy an ninh hiện hữu, không còn chút tính chất xa xôi mơ hồ nào nữa. Các vụ tấn công trên chỉ là khởi đầu của một chiến lược bành trướng toàn cầu đầy dã tâm và tham vọng của IS.
Cũng như vậy, sự leo thang của chiến sự Syria, căng thẳng Nga-Thổ Nhĩ Kỳ hay cuộc khủng hoảng nhập cư khiến cả châu Âu lao đao trong năm vừa qua đều là hệ quả tất yếu của một loạt những sự kiện đi trước, trong đó Nhà nước Hồi giáo IS có thể coi là một mắc xích quan trọng.
Đầu tiên, việc IS xuất hiện ở Syria đã tạo ra cái cớ để Mỹ và phương Tây can thiệp quân sự với tư cách liên minh chống khủng bố. Các chiến dịch không kích kém hiệu quả của liên quân không thể tiêu diệt được IS, trái lại càng làm chiến sự ngày càng phức tạp và leo thang. Kế đến, Nga vào cuộc theo lời đề nghị của Chính phủ Syria. Sự kiện này lại kéo theo một loạt những diễn biến quốc tế lớn mà đơn cử mà căng thẳng leo thang trong quan hệ Nga-Thổ sau vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiếc Su-24 của Nga (ngày 24/11).
Mặt khác, chiến sự căng thẳng tại Syria còn kéo theo cuộc khủng hoảng nhập cư trầm trọng ở châu Âu. Hơn 4 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa và ồ ạt đổ về lục địa già. Đây là hệ quả tất yếu từ chính sách không phù hợp của phương Tây đối với vấn đề Syria, cũng như do sự yếu kém trong cơ chế quản lý, phối hợp và đối phó với khủng hoảng của EU.
Trung Quốc cải tạo đảo ở biển Đông: Bước tiếp theo trong chiến lược bành trướng
Động thái xây dựng các đảo nhân tạo ở biển Đông của Trung Quốc chẳng phải mới bắt đầu trong năm nay. Từ tháng 9/2013, Trung Quốc đã biến 7 cấu trúc địa hình ở quần đảo Trường Sa có tranh chấp thành các đảo nhân tạo. Hoạt động này đã được lên kế hoạch từ lâu và diễn ra trong suốt hơn 2 năm, nhưng chưa gây sự chú ý đặc biệt. Chỉ đến hồi tháng 5/2015, khi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ đăng tải những hình ảnh tố cáo Trung Quốc đang đẩy nhanh hoạt động cải tạo trái phép bãi đá Vành Khăn, và Trung Quốc công khai kế hoạch xây dựng các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, biển Đông mới “dậy sóng” căng thẳng.
Các bức ảnh vệ tinh chụp lần lượt vào các ngày 30/3/2014, 7/8/2014 và 30/1/2015 cho thấy Trung Quốc ngang nhiên cải tạo Đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam |
Đó không phải là hành động nhất thời, nó rõ ràng nằm trong chiến lược bành trướng của Trung Quốc tại khu vực. Đây là bước đi mới của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa yêu sách của nước này về cái gọi là “Đường 9 đoạn”, âm mưu lèo lái cộng đồng thế giới công nhận quan điểm sai trái rằng Biển Đông thuộc về Trung Quốc.
Ý đồ đầu tiên của Trung Quốc được cho là liên quan đến lĩnh vực quân sự. Tạp chí nghiên cứu quốc phòng nổi tiếng Janes Defense đã gọi các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp là một chuỗi pháo đài giúp Bắc Kinh tăng cường năng lực khống chế toàn khu vực, cả trên không lẫn trên biển.
Ngay cả khi không sử dụng các đảo nhân tạo này vào mục tiêu quân sự chính thống, thì Bắc Kinh cũng có thể dùng chúng làm chỗ dựa cho lực lượng tàu bán quân sự và tàu dân sự từng được Trung Quốc dùng làm phương tiện áp đặt chủ quyền trên Biển Đông.
Ý đồ thứ ba được các chuyên gia đề cập đến là khả năng Trung Quốc sẽ tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông sau khi các cơ sở quân sự, đặc biệt là đường băng và radar trên các đảo nhân tạo này được hoàn tất và đi vào hoạt động.
Những thảm họa khó tránh
Trận động đất kinh hoàng ở Nepal cướp đi sinh mạng của hơn 8000 người là điều mà không ai mong chờ hay nghĩ đến. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, động đất ở Nepal là không thể tránh khỏi bởi nơi đây các hoạt động kiến tạo địa tầng địa chất diễn ra mạnh mẽ. Từ hơn 25 triệu năm trước, Ấn Độ, từng là một đảo riêng biệt trên Ấn Độ Dương, đã có xu hướng va chạm với mảng lục địa Châu Á. Tốc độ va chạm giữa hai mảng lục địa hiện ở mức khoảng 4cm mỗi năm. Tiến trình này tạo nên dãy núi hùng vĩ nhất thế giới Himalaya, nhưng đi kèm với nó là cả những trận động đất có sức mạnh kinh hoàng. Chuyên gia đã cảnh báo với những người dân sống ở thung lũng Kathmandu về nguy cơ động đất suốt nhiều thập kỷ. Vì thế, trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra hồi tháng 4 tại Nepal khiến hàng nghìn người thiệt mạng được coi là một thảm họa "có thể biết trước". Thêm vào đó, tiêu chuẩn an toàn xây dựng thấp cùng công tác chuẩn bị đối phó với thảm họa còn yếu kém là nguyên nhân khiến thiệt hại có thể gia tăng nếu động đất xảy ra.
Động đất ở Nepal hồi tháng 4/2015 đã cướp đi sinh mạng của hơn 8000 người. Ảnh: Getty Images |
Trong năm nay, cộng đồng người Hồi giáo cũng phải chứng kiến thảm họa tồi tệ nhất trong lễ hành hương ở Mecca 25 năm qua. Đây không phải là thảm họa đầu tiên xảy ra trong các dịp lễ của người Hồi giáo. Mỗi năm lại có tới hàng triệu tín đồ Hồi giáo tham gia vào cuộc Đại hành hương Hajj tới thánh địa Mecca tại Ả Rập Xê-Út, cũng bởi sự đông đúc này, những vụ chen lấn giẫm đạp nhau đến chết là không hề hiếm.
Ước tính tổng cộng mỗi năm có khoảng 13 triệu người đã tới Mecca. |
Trước đây, khi giao thông vận tải chưa phát triển, chưa có những hãng hàng không phù hợp với túi tiền của người dân, hiện tượng chết người do chen lấn tại Mecca ít xảy ra. Nhưng ngày nay, việc di chuyển bằng máy bay đã quá phố biến và ngày càng nhiều giáo dân có điều kiện hành hương tới thánh địa mỗi năm, đây cũng là tác nhân chính gây ra cảnh đông đúc đến nghẹt thở tại thánh đường Hồi Giáo.
Số người hành hương ngày càng nhiều, trong khi công tác quản lý lễ hội của chính quyền còn yếu kém, cơ sở hạ tầng lại không đủ tiêu chuẩn và an toàn để đáp ứng, tai nạn xảy ra là điều không thể tránh khỏi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.