18 năm trước, một cuộc khủng hoảng đã càn quét châu Á, trở thành nguyên nhân chính khiến một loạt chính phủ bị sụp đổ, đẩy xã hội vào cảnh hỗn loạn. Hiện nay, nhiều đồng tiền châu Á đang ở trong tình trạng tương tự.
Quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào hôm 16/12 đã khiến đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi, nhất là ở châu Á, rơi vào thế yếu. Cùng với việc dòng vốn ngoại rút đi mạnh, đồng nội tệ của các quốc gia này đối mặt trước áp lực phá giá rất lớn. Và chỉ một ngày sau quyết định của FED, Argentina đã gỡ bỏ trần tỉ giá, ngay lập tức đồng peso mất giá gần 30%. Tương tự, đồng manat của Azerbaijan ngày 21/12 đã giảm giá mạnh sau quyết định thả nổi của Ngân hàng Trung ương nước này. Trong 1 ngày, giá trị đồng manat đã giảm từ mức 1,05 manat/USD xuống mức 1,55 manat/USD.
Tỷ giá đồng NDT và đồng USD gần đây đã giảm mạnh. |
Trên thực tế, ngay từ đầu năm 2015, thị trường đã sớm dự đoán về khả năng FED tăng lãi suất sau khi FED quyết định rút chính sách nới lỏng định lượng. Những động thái đi trước nhằm giảm thiểu ảnh hưởng, tránh gây chấn động từ quyết định của FED đã được Ngân hàng Trung ương nhiều nước thực hiện, bao gồm thả nổi lẫn nâng biên độ tỉ giá đồng nội tệ. Tại châu Á, làn sóng phá giá đồng nội tệ đã xuất hiện với sự góp mặt của hàng loạt quốc gia như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Kazakhstan…
Trưởng Bộ phận nghiên cứu thị trường mới nổi tại London (Anh) của Ngân hàng Thương mại Đức (Commerzbank) Simon Quijano-Evan cho rằng đó là do các nhà quyết sách phát hiện sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu yếu đi. Hơn nữa, việc duy trì tỉ giá cố định sẽ làm tiêu hao kho dự trữ ngoại tệ, neo đồng nội tệ với đồng USD càng lâu, dự trữ ngoại tệ càng sụt giảm. Hiện tượng hàng loạt đồng tiền giảm bớt sự lệ thuộc vào đồng USD khiến người ta liên tưởng tới cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997.
Một điều đáng quan tâm nữa là việc đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc cũng tham gia vào tiến trình ấy. Ngày 12/12, Trung tâm Giao dịch ngoại hối Trung Quốc thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) lần đầu tiên công bố Chỉ số tỷ giá hối đoái đồng NDT (gọi tắt là “CFETS”). Theo đó, đồng USD chỉ là một trong số 13 đồng tiền được sử dụng làm tham chiếu giá trị đồng NDT. Trưởng Bộ phận sách lược lãi suất và tỉ giá của Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch tại Singapore Claudio Piron nhận định việc này cho thấy Trung Quốc không còn đơn thuần neo đồng NDT vào đồng USD, quan trọng hơn sẽ tạo ra không gian lớn hơn cho đồng NDT tiếp tục giảm giá trong tương lai.
Nhưng nếu Trung Quốc giảm giá đồng NDT để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu, một cuộc đua giảm giá đồng nội tệ sẽ xuất hiện ở châu Á. Những đồng tiền đang ở thế yếu như đồng rupiah của Indonesia, đồng ringgit của Malaysia... sẽ tiếp tục mất giá. Tình hình dường như sẽ còn xấu hơn nếu giá hàng hóa cơ bản, nhất là dầu mỏ, tiếp tục lao dốc hoặc nền kinh tế Trung Quốc gặp phải “cơn gió chướng”. Trưởng Bộ phận sách lược hối đoái châu Á của JPMorgan Chase Jonathan Cavenaugh cho rằng khi đó, các đồng tiền châu Á khác sẽ phải đối mặt với áp lực giảm giá lớn hơn.
Nguyên nhân, theo ông Claudio Piron, tại châu Á hiện nay, ảnh hưởng của đồng NDT đã vượt qua đồng USD. Các đồng tiền châu Á rất nhạy cảm đối với biến động của đồng NDT bởi Trung Quốc là trung tâm của chuỗi cung ứng kết nối khu vực này với thế giới. Minh chứng cụ thể là vào trung tuần tháng 8 vừa qua, khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) liên tục phá giá đồng NDT, khiến đồng NDT có cú sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1994, Ngân hàng Trung ương một loạt nước châu Á khác đã có hành động tương tự để phòng vệ.
Những động thái nêu trên sẽ gây ra hậu quả như thế nào? Trong một bản tin phát đi gần đây, hãng tin Bloomberg của Mỹ nhận định cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997 có những điểm tương đồng lớn với tình hình hiện nay. Khi đó, các nước châu Á cũng phải đối mặt với tình trạng đồng NDT phá giá và FED khởi động chu kỳ tăng lãi suất, làm dấy lên cuộc cạnh tranh giảm giá đồng nội tệ ở các nước Đông Nam Á. Hệ quả là hàng loạt ngân hàng, doanh nghiệp bị phá sản, khiến đa số nền kinh tế khu vực rơi vào suy thoái.
Tuy nhiên, câu chuyện không phải toàn màu đen. Trong một báo cáo mới phát đi, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng sau khi FED tăng lãi suất, những ngày tồi tệ nhất của các nền kinh tế mới nổi đã kết thúc. Dòng tiền thậm chí còn chảy vào một số nền kinh tế. Goldman Sachs cũng dự đoán năm 2016 có thể là năm giá tài sản ở các nền kinh tế mới nổi chạm đáy và tìm lại được động lực tăng trưởng. Đương nhiên, mức độ tăng trưởng sẽ không còn cao như hồi đầu thế kỷ này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.