(HNM) - Trả lời phỏng vấn một số báo ngày 9-12, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh cho rằng, công tác điều hành, quản lý của bóng đá Việt Nam chưa tốt.
Ở thời điểm này, khi Đại hội cổ đông Công ty cổ phần Tổ chức Bóng đá chuyên nghiệp (V.League JSC) sắp được tổ chức (ngày 14-12), đòi hỏi về việc có một đội hình U23 quốc gia sau thất bại vừa qua tại SEA Games 26 được đề ra một cách quyết liệt. Dường như bóng đá Việt Nam đang cần một sự cải tổ mạnh mẽ. Và sự cải tổ ấy, trước tiên là về nhân sự ở cơ quan quản lý bóng đá cao nhất: LĐBĐ Việt Nam (VFF).
Nhân sự VFF: Yếu và thiếu
Tại cuộc họp Thường trực VFF ngày 7-12 vừa qua, TTK VFF Trần Quốc Tuấn đã đề đạt nguyện vọng (bằng miệng) rằng muốn rời khỏi chiếc ghế TTK để trở về Tổng cục TDTT. Sự rút lui của ông Tuấn bỗng khiến cấp trên rối, bởi nhìn khắp bộ máy VFF không ai có đủ khả năng lấp đầy khoảng trống do ông Tuấn để lại. Điều này cũng thể hiện phần nào sự yếu kém trong công tác nhân sự của VFF suốt thời gian qua.
Ông Trần Quốc Tuấn. Ảnh: bongdaplus |
Một thực tế không thể phủ nhận là công tác điều hành, quản lý của bóng đá Việt Nam có rất nhiều vấn đề. Trả lời phỏng vấn một số báo ngày 9-12, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh thừa nhận điều này và cho rằng VFF phải đổi mới cả công tác quản lý, điều hành lẫn tư duy chiến lược, đặc biệt là nhân sự để đáp ứng yêu cầu phát triển bóng đá nước nhà trong giai đoạn mới. Ngay cả Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng nhiều lần công khai phát biểu: "Bóng đá Việt Nam phát triển quá nóng mà đội ngũ quản lý bóng đá lại chưa theo kịp".
Cái yếu của VFF đã rõ, yếu từ con người làm việc cụ thể cho đến những vị trí đứng đầu có khả năng hoạch định chiến lược. Khi chuẩn bị nhân sự cho Công ty cổ phần Tổ chức bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (V.League JSC), Trưởng ban trù bị Lê Hùng Dũng cũng nói rằng: "Nhiều người ở VFF không muốn sang làm việc ở V.League JSC vì sợ không đáp ứng được yêu cầu công việc".
Thời gian qua, dư luận cũng lên tiếng về việc V.League JSC hết người nên phải mời lại cựu quan chức như nguyên PCT VFF Trần Duy Ly. Đến ngay cả vị trí Tổng giám đốc V.League JSC sắp tới cũng nhiều khả năng được trao cho ông Phạm Ngọc Viễn, một người đã về hưu hơn một năm và từng tham gia VFF từ khóa II. Một thành viên "tổ hưu" khác là ông Nguyễn Hữu Bàng cũng có thể nhận chức Phó Tổng giám đốc V.League JSC. Nguyên nhân cũng bởi nhìn khắp làng bóng đá Việt Nam, tìm được người giỏi chuyên môn lại có kinh nghiệm quản lý và nhất là tư duy kinh doanh là cực khó. Thế nên "bó đũa chọn cột cờ", người ta buộc phải tìm những người ít hạn chế hơn để đưa vào bộ máy, trong đó yếu tố kinh nghiệm được đưa lên hàng đầu.
Cải tổ VFF: Đừng để "xôi hỏng, bỏng không"
Cải tổ nhân sự VFF là đòi hỏi tất yếu nếu muốn đưa bóng đá Việt Nam tiến xa, nhưng thay ai và thay bằng người nào là cả một bài toán khó. Như quan điểm của lãnh đạo ngành TDTT thì, thay thế phải có lộ trình, theo đúng quy định và mục tiêu cuối cùng vẫn là làm sao để việc thay thế đó giúp cho bộ máy hoạt động tốt hơn. Nếu chỉ đơn giản là thay thế để chiều lòng người hâm mộ hoặc giảm áp lực ở một số vị trí nào đó thì không ngoại trừ khả năng dẫn đến tình trạng "xôi hỏng, bỏng không", thậm chí còn tạo điều kiện cho "ngư ông đắc lợi".
Rõ ràng, giữa đòi hỏi của công việc và con người thực tế còn có khoảng cách rất lớn. Cái khó nhất vẫn là nếu những con người cụ thể trong bộ máy VFF hiện tại rút lui thì tìm người thay là cực khó. Như trường hợp của ông Trần Quốc Tuấn nêu trên, dù vẫn có những điểm yếu, nhưng tìm người có đủ tố chất để đáp ứng đòi hỏi của vị trí TTK không đơn giản. Có người đáp ứng được mảng chuyên môn như Phó TTK Dương Nghiệp Khôi thì lại thiếu khả năng trong quan hệ quốc tế. Có người giỏi ngoại ngữ như nguyên PCT Dương Vũ Lâm thì lại không phải là con người của công việc. Một số người đáp ứng được đòi hỏi về cả chuyên môn, quản lý điều hành lẫn quan hệ quốc tế như nguyên PCT Trần Văn Mui, nguyên TTK Phan Anh Tú lại chưa sẵn sàng quay trở lại ngôi nhà VFF, hoặc không nhận được sự ủng hộ của số đông. Hoặc nguyên TTK Phạm Ngọc Viễn từng có kinh nghiệm 7 năm công tác ở vị trí của ông Tuấn, nhưng tính chất công việc của thời kỳ trước và nay đã có sự khác biệt rất lớn. Tức là, con người hiện tại của bóng đá Việt Nam đã thiếu lại còn yếu nên nếu việc thay thế thiếu sự tính toán có thể dẫn đến những khủng hoảng trầm trọng hơn.
Vì sao vẫn ở ngã ba đường?
Trên thực tế, VFF là tổ chức xã hội - nghề nghiệp chịu sự quản lý nhà nước của Bộ VH,TT&DL, nhưng vấn đề nhân sự lại do tổ chức này tự quyết. Mọi tác động về nhân sự từ bên ngoài sẽ đều bị FIFA đe dọa phạt nặng như trường hợp Indonesia hoặc Brunei vừa qua. Thế nên, sự tác động (nếu có) sẽ phải hết sức khéo léo để tránh những ảnh hưởng xấu đến BĐVN nói chung.
Hiện nay, có dư luận cho rằng Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng nên từ chức (?) vì phải chịu trách nhiệm chính với những thất bại vừa qua của đội tuyển U23 quốc gia cũng như sự sa sút nói chung của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, đây là vị trí hết sức nhạy cảm, trừ khi ông Nguyễn Trọng Hỷ tự ý rút lui, các cơ quan quản lý nhà nước đều không được phép can thiệp. Muốn có sự thay đổi ở chiếc ghế Chủ tịch cần phải tổ chức Đại hội bất thường theo ý kiến của số đông các tổ chức thành viên. Với vị trí của TTK Trần Quốc Tuấn dễ hơn rất nhiều, bởi ông Tuấn không thuộc BCH VFF, được thuê để làm công tác điều hành VFF nên chỉ cần Chủ tịch VFF ra quyết định là xong.
Điều này dẫn đến bất cập là sự cải tổ nhân sự (nếu có) ở VFF nhiều khả năng lại rơi vào vị trí TTK, mà đây lại là vị trí được coi là mạnh trong bộ máy VFF hiện nay. Chắc chắn ông Tuấn không giỏi đến mức không ai thay thế nổi, nhưng nếu bị cơ quan chủ quản rút về ngành thì sẽ để lại lỗ hổng không nhỏ cho bộ máy hiện tại. Quan điểm của Thường trực VFF là vẫn muốn tạo thêm cơ hội cho ông Tuấn. Theo đánh giá của Thường trực VFF, ông Trần Quốc Tuấn là người làm được việc, thậm chí được đánh giá rất cao về năng lực trong mảng quan hệ quốc tế. Ông Tuấn hiện là Ủy viên BCH LĐBĐ Châu Á (AFC) và giữ vai trò trong một số ban chức năng của AFC, AFF nên nếu thay thế sẽ ảnh hưởng đến vị thế của Việt Nam ở các tổ chức này. Điều này đặt ra bài toán khó cho chính VFF, nếu thay thế nhân sự có thể sẽ làm tổ chức này yếu đi?
Thế nhưng, nếu vẫn để ông Trần Quốc Tuấn tại vị thì sức ép rõ ràng là rất lớn. Bởi sai lầm lớn nhất của ông Tuấn cũng như bộ máy VFF trong thời gian vừa qua chính là cách đặt vấn đề với thất bại của đội tuyển U23 quốc gia. Việc rút kinh nghiệm mang tính đối phó dẫn đến sự quay lưng của người hâm mộ, khiến cho ông Tuấn và cả bộ máy VFF rơi vào tình cảnh hiện nay. Nhưng cũng không loại trừ khả năng, nếu không thể tìm được người thay thế phù hợp thì ông Trần Quốc Tuấn vẫn sẽ tại vị!
Một bước chuyển thực sự cho bóng đá Việt Nam đang đặt trên vai những người có trách nhiệm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.