(HNM) - Ngày 8-1, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia chính thức ra mắt và đi vào hoạt động với số vốn điều lệ ban đầu là 1.000 tỷ đồng. Nhiệm vụ của Quỹ được Chính phủ giao rất rõ ràng, đầy đủ và cụ thể.
Nhưng mục đích lớn nhất của định chế tài chính này là sẽ hướng mạnh vào hỗ trợ doanh nghiệp (DN), đặc biệt những DN được ra đời từ việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và đặt cộng đồng DN vào vị trí trung tâm của đổi mới sáng tạo khoa học, công nghệ (KHCN).
Một trong những "rào cản" lớn nhất khiến DN khó tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính khi tham gia các hoạt động KHCN chính là thủ tục hành chính quá phức tạp, kéo dài. Cơ chế tài chính, cơ chế quản lý hoạt động khoa học bị hành chính hóa, việc tuyển chọn nhiệm vụ, cấp kinh phí để thực hiện nhiệm vụ KHCN theo năm kế hoạch, trong khi hoạt động của DN phụ thuộc vào nhu cầu thị trường, vì vậy khó gặp nhau. Thêm nữa, vòng đời của công nghệ hiện nay ngày càng được rút ngắn (sự xuất hiện liên tục của các dòng máy điện thoại Samsung, Iphone... là một ví dụ), chờ được đồng vốn hỗ trợ từ Nhà nước qua đủ loại "cửa", có khi công nghệ đó đã được nước ngoài xếp vào diện... thanh lý. Bản thân cộng đồng DN Việt Nam cũng có nhiều hạn chế: Chủ yếu là các DN nhỏ và siêu nhỏ, vốn ít, nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển thiếu về số lượng, yếu về chất lượng không đủ khả năng tự tiến hành nghiên cứu triển khai hoặc đổi mới công nghệ. Do vậy, phần lớn các dự án đầu tư đổi mới công nghệ dưới 10 tỷ đồng, trình độ công nghệ, thiết bị ở mức trên trung bình (so với công nghệ hiện có của DN). Các dự án mang tính chất cải tiến, hoàn thiện công nghệ sẵn có là chủ yếu, chưa có nhiều dự án mang tính đổi mới, đột phá tạo ra sản phẩm công nghệ mới hoặc nâng cao trình độ công nghệ của DN.
Những thống kê gần đây cho thấy, khoảng 30% DN Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của hoạt động KHCN, đặc biệt là tổ chức nghiên cứu - triển khai (R&D). Chiến lược phát triển của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hầu hết "bỏ sân" KHCN. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng không quan tâm tới R&D mà chỉ chú trọng khai thác nguồn nhân lực và nguyên liệu rẻ từ thị trường Việt Nam. DN không có bộ phận R&D hay Quỹ Phát triển KHCN vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc bộ phận này không sinh lợi nhuận ngay, trong khi chi phí đầu tư khá lớn.
Hình thành một hệ thống quỹ tài chính (Quỹ Đổi mới công nghệ, Quỹ Đầu tư mạo hiểm...) hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ đối với thế giới là điều không mới. Tuy nhiên, các định chế tài chính này rất mới ở Việt Nam, nên việc Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia đi vào hoạt động đánh dấu sự thay đổi nhận thức của xã hội với hoạt động KHCN nước nhà. Sự ra đời của quỹ sẽ góp phần thay đổi tình trạng đề tài chờ tiền, ngược lại là tiền sẽ chờ đề tài. Đề tài được khoán đến đầu ra của sản phẩm nghiên cứu sẽ hạn chế tối đa tình trạng đề tài nghiên cứu xong... cất vào kho như hiện nay.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, hỗ trợ các nhà khoa học, viện nghiên cứu và DN là cần thiết và cấp thiết, điều này cũng được thể hiện cụ thể trong Luật KHCN sửa đổi năm 2013. DN cần được xem là trung tâm của quá trình đổi mới công nghệ, là địa chỉ ứng dụng kết quả nghiên cứu chứ không chỉ trông chờ vào các viện nghiên cứu như thời gian qua. Vấn đề lúc này là cộng đồng DN có mạnh dạn đầu tư cho hoạt động KHCN, để từ đó tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng trí tuệ cao hay không mà thôi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.