Vẫn biết tại sân chơi quá tầm như châu Á, bóng chuyền VN sẽ khó có cơ hội giành ngôi cao tại giải. Thế nhưng, nhìn vào cách mà các tay đập trẻ của nước chủ nhà chuẩn bị và thể hiện suốt giải, khán giả TP.HCM không khỏi ngán ngẩm. Không biết qua giải, bóng chuyền VN sẽ học hỏi được gì về chuyên môn và tính chuyên nghiệp từ các đội quốc tế?
Bóng chuyền nữ Việt Nam (phải) ngày càng tụt hậu, và không chỉ so với Thái Lan. Ảnh: V.V |
Nhìn các đối thủ mà… thèm
Nhật Bản không giành được ngôi vô địch tại giải này, nhưng những gì mà họ thể hiện đã chiếm được sự cảm tình của giới chuyên môn và người hâm mộ VN. Họ là một tập thể gần như toàn diện trong cả phòng thủ, tấn công và chuyền hai. Đặc biệt là vị trí chuyền hai, Nhật Bản luôn sản sinh ra những tay đập hàng đầu châu lục.
Sự ấn tượng của đội Nhật không chỉ ở phương diện chuyên môn, mà trên cả tinh thần thi đấu và sự chuyên nghiệp của họ. Ít khi nào thấy các cầu thủ Nhật tỏ ra buông xuôi, ngay cả khi gặp đối thủ mạnh cỡ nào và đang bị dẫn điểm cách biệt. Điều đó giải thích vì sao, Nhật Bản khiến các đối thủ có thể hình cao to như Hàn Quốc, Trung Quốc phải toát mồ hôi.
Nhìn Thái Lan thi đấu, không ít khán giả TP.HCM cảm thấy… thèm về trình độ và tính chuyên nghiệp của họ. Sở hữu chiều cao khiêm tốn (là một trong những đội bóng có chiều cao thấp nhất giải) nhưng đó lại không phải là sự quan tâm hàng đầu của những người làm công tác quản lý bóng chuyền Thái Lan. Cái mà các nhà quản lý bóng chuyền Thái Lan đặt tiêu chí hàng đầu trong việc phát hiện và đào tại VĐV trẻ là sức bật, sự linh hoạt và ý thức tuân thủ chiến thuật trong sân. Với cách làm này, các tay đập trẻ của xứ sở chùa Vàng tiến bộ một cách chóng mặt. Cũng nguyên đội hình này, Thái Lan tham dự giải VTV Bình Điền Cup 2010 tại Gia Lai mấy tháng trước, nhưng không ai còn nhận ra, khi tất cả các kỹ thuật từ chuyền 1, chuyền 2, đến phối hợp tấn công biến hóa một cách tuyệt vời. Không thể đòi hỏi nhiều hơn với những tay đập đang ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi như vậy và chắc chắn họ sẽ là đội ngũ kế thừa cho các đàn chị trong tương lai.
Không chỉ có các đối thủ ở tốp đầu, những đội ở nhóm trung bình và đứng dưới VN cũng luôn thể hiện được khát vọng chiến thắng trong từng trận đấu. Và dù một số không giành được ngôi cao khi vẫn còn quá non kinh nghiệm, nhưng họ lại thuyết phục được những người khó tính nhất về tinh thần thi đấu của mình.
Đã yếu còn thiếu chuyên nghiệp
Đó là những nhận xét về đội chủ nhà VN tại giải lần này. Bóng chuyền nữ VN nhiều năm qua vẫn luôn vững vàng ở vị trí thứ 2 khu vực, sau Thái Lan. Thế nhưng, vị trí đó dường như đã để rơi vào tay Indonesia, khi cả giải vô địch ĐNA trước đó và giải này, VN đều thua các cô gái đến từ đất nước vạn đảo những tỷ số cách biệt. Điều đáng nói, Indonesia chưa bao giờ được sánh với VN, vậy mà họ đã có một cuộc cách mạng âm thầm để vượt qua mặt VN ngay trên sân nhà. Còn với Thái Lan thì việc VN thất bại đã là chuyện chẳng thể chối cãi. Dù đã cải thiện đáng kể khâu chuyền 1 và khả năng lập hàng chắn trên lưới, nhưng những miếng đánh của VN quá đơn giản nên bị đối thủ bắt bài, chủ yếu là những cú đập biên của chủ công Dương Thị Nhàn hay vài pha bỏ nhỏ của cây chuyền 2 Phạm Thu Hà.
Lý giải cho sự yếu kém về chuyên môn tại giải, HLV Rong Han Yan đã chỉ ra những hạn chế của các tay vợt VN, đồng thời tỏ ra khá thất vọng khi giải này không có đội hình mạnh nhất, bởi nhiều VĐV vắng mặt vì những lý do khác nhau.
Được chuyển xuống huấn luyện cho tuyển trẻ, vị HLV người Trung Quốc có cái để lo lắng với sự thiếu chuyên nghiệp của các CLB bóng chuyền VN. Giải vô địch ĐNA và vô địch châu Á là cơ hội tốt nhất để các tay đập trẻ học hỏi từ các đối thủ hàng đầu, nhưng chỉ vì lợi ích riêng của mỗi CLB, lần lượt các tay vợt trẻ triển vọng đã bị giữ lại để chuẩn bị cho vòng 2 giải VĐQG sắp khởi tranh.
Sau bóng đá, đến lượt bóng chuyền liên tiếp xảy ra hiện tượng thoái thác nghĩa vụ quốc gia. Đấy là một thực trạng báo động, thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của không ít CLB bóng chuyền VN. Đã đến lúc, LĐ bóng chuyền VN cần có quy định xử phạt những trường hợp chống lệnh lên ĐTQG nhằm tránh tiền lệ xấu xảy ra, chỉ có điều không biết LĐ bóng chuyền VN có làm được không, bởi từ trước tới giờ, lý do nào các CLB đưa ra cũng đều là chính đáng cả.
Bóng chuyền nữ trẻ VN đang đứng ở đâu, điều đó không khó để có câu trả lời sau giải lần này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.