(HNMO) - Giải bóng bàn toàn quốc các đội mạnh hồi cuối tuần trước đã kết thúc khá lặng lẽ. Những vấn đề liên quan đển khâu tổ chức của Liên đoàn bóng bàn Việt Nam chỉ càng cho thấy môn thể thao này dường như đang tụt lại trên con đường chuyên nghiệp hóa, khác hẳn những gì mà bóng đá, bóng chuyền đã làm được.
Tay vợt Mai Xuân Hằng (Viễn thông TP Hồ Chí Minh). Ảnh Internet |
* Nhạt nhòa dấu ấn chuyên môn
Giải nữ dù hội tụ đầy đủ những cây vợt mạnh (chỉ vắng Lương Thị Tám - Quân Đội) không có nhiều trận đấu nảy lửa, chất lượng chuyên môn cao. Mọi sự chú ý đều dồn vào các tay vợt hàng đầu như chị em Mai Hoàng Mỹ Trang, Mai Xuân Hằng (Viễn thông TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Việt Linh (Bộ Công an). Sự lên ngôi của Viễn thông TP Hồ Chí Minh nói chung (giải đồng đội) cũng như Mai Hoàng Mỹ Trang (nội dung đơn) không làm ai bất ngờ. Có bất ngờ cũng chỉ ở việc Mai Xuân Hằng bị hạ 0-4 ở bán kết đơn nữ trước Việt Linh. Ở thời điểm này, bóng bàn nữ TP Hồ Chí Minh sẽ vẫn duy trì thế mạnh mà chưa ai đủ sức thay thế.
Giải nam chứng kiến sự lên ngôi của các tay vợt Quân Đội ở cả nội dung đồng đội lẫn đơn. Tuy nhiên, những diễn biến trước giải và trong ngày khai mạc khiến giới chuyên môn đã nghiêng về các tay vợt Quân Đội. Đầu tiên, 2 tay vợt hàng đầu của Hà Nội là Nguyễn Nam Hải, Trần Tuấn Quỳnh xin rút lui. Ngoài việc chựng lại về chuyên môn, Nguyễn Nam Hải đã bắt đầu tìm hướng đi khác thời hậu VĐV và có thể sự nghiệp thi đấu đỉnh cao sẽ sớm chấm dứt. Trần Tuấn Quỳnh dù muốn dự giải nhưng bố, mẹ thay nhau nhập viện vì sốt xuất huyết khiến tay vợt này không thể toàn tâm toàn ý chuẩn bị cho giải. Còn Đoàn Kiến Quốc của CLB tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đến trước trận đấu đầu tiên nội dung đồng đội lại bị chấn thương dây chằng vai. Chỉ đăng ký 3 người cho nội dung đồng đội nên trưởng đoàn Trương Thới Nhiệm đành xin cho Quốc bỏ cuộc đồng nghĩa CLB Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam cũng không thể dự giải vì không đủ người. Lẽ ra việc này đã không xảy ra nếu trước giải, CLB này bổ sung được 2 tay vợt hàng đầu Việt Nam như kế hoạch. Vắng tới 3 tay vợt hàng đầu quốc gia nên các tay vợt Quân Đội tha hồ làm mưa làm gió. Họ chỉ chật vật ở chung kết đồng đội và đơn.
Chung kết đồng đội, Quang Linh bị Phan Huy Hoàng (Hà Nội) đả bại nhưng sau đó Phan Huy Hoàng lại thua Dương Văn Nam nên chức vô địch mới về đoàn Quân Đội. Trong khi đó, ở nội dung đơn, sau trận bán kết nhàn nhã trước người em ruột Nguyễn Hữu Đức (Bộ Công an), tay vợt trẻ Nguyễn Thành Luân (Quân Đội) vào chung kết với Nguyễn Văn Ngọc (Xi măng Hoàng Thạch Hải Dương). Không có nhiều nét mới, lạ về kỹ thuật ở trận này nhưng lại có thừa sự kịch tính. Thành Luân dẫn 2-0 rồi bị dẫn ngược 3-2. Séc 6, Nguyễn Văn Ngọc dù được cầm giao bóng ở 2 quả cuối khi tỉ số là 9-9 nhưng không tận dụng được nên thua 9-11. Đến lúc này Thành Luân mới bứt lên để giành ngôi vô địch. Ở nội dung này, Đinh Quang Linh lại bỏ cuộc ở vòng 2 nên sân chơi mới thực sự của các tay vợt trẻ. Nếu không, Nguyễn Thành Luân cũng khó lên ngôi.
* Nhiệt tình chưa đủ
Khi hay tin, giải bóng bàn các đội mạnh toàn quốc được Liên đoàn bóng bàn Việt Nam đưa về tổ chức tại Nhà thi đấu Gia Lâm (Hà Nội), nhiều người đã không khỏi nghi ngại về sự lan tỏa của giải, nhất là ở khâu truyền thông. Thực tế, BTC Nhà thi đấu Gia Lâm đã sốt sắng, nhiệt tình và hoàn thành khâu tổ chức từ hoàn thiện sân bãi, tìm nơi ăn chốn ở cho VĐV các đoàn cũng như trọng tài đến huy động học sinh, sinh viên trên địa bàn huyện đến cổ vũ nhưng để lôi kéo những khán giả đích thực của bóng bàn lại là chuyện khác. Ở Hà Nội, bóng bàn vẫn là môn thể thao ưa chuộng của người nội thành, còn ở ngoại thành lại là những môn khác, như cầu lông hoặc bóng chuyền. Và để chức thành công một giải bóng bàn quốc gia ở Hà Nội, nhất là ở khâu thu hút khán giả, thì không gì tốt hơn tổ chức ở trung tâm thành phố, đặc biệt là ở Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức. Ngay cả những Nhà thi đấu trong nội thành như Cầu Giấy hay Hoàng Mai cũng không thể thu hút khán giả đông đảo như ở Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức. Vấn đề khi tổ chức giải ở Nhà thi đấu Gia Lâm chỉ thuộc về cách trở giao thông, kể cả khi cầu Vĩnh Tuy mới được đưa vào sử dụng, đã rút ngắn đang kể đường từ nội thành sang Nhà thi đấu Gia Lâm ở Trâu Quỳ (Gia Lâm). Điều này khiến giới hâm mộ trong nội thành dù “máu” đến mấy cũng đành ở nhà nghe và xem tin về giải qua báo chí.
* Dùng dằng chuyện VĐV ngoại
Nếu bảo Liên đoàn bóng bàn Việt Nam không muốn đưa bóng bàn nước nhà theo con đường chuyên nghiệp như chủ trương xã hội hóa của nhà nước thì sẽ không phải. Nhưng từ ý tưởng đến cách làm vẫn chưa đồng nhất nên vẫn chưa tạo ra hiệu ứng mong muốn. Như chuyện sử dụng VĐV nước ngoài tại các giải đấu thuộc hệ thống thi đấu quốc gia chẳng hạn.
Bóng đá, bóng chuyền đã làm tốt điều này và từ đó giải quốc gia cũng hấp dẫn hơn, nhiều doanh nghiệp cũng muốn đầu tư hơn để qua đó khuếch trương thương hiệu. Đó là chuyện bình thường của mỗi nền thể thao chuyên nghiệp bởi không ai cho không ai cái gì. Hiện tại số doanh nghiệp đầu tư vào các đội bóng bàn trên cả nước mới chỉ đếm trên đầu ngón tay: Viễn thông TP Hồ Chí Minh, Tập đoàn dầu khí Việt Nam, T&T, Xi măng Hoàng Thạch, Ngân hàng công thương Việt Nam. Trong số này, CLB Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam đi tiên phong trong chuyện thuê VĐV nước ngoài với lý do rằng thuê VĐV nước ngoài chỉ có lợi cho bóng bàn Việt Nam, từ việc nâng chất giải đấu để thu hút khán giả, tài trợ đến việc giúp ích về chuyên môn cho VĐV Việt Nam. Được thi đấu, tập luyện cùng VĐV nước ngoài đẳng cấp cao hơn thì trình độ, bản lĩnh, sự chuẩn bị cho mỗi giải đấu của VĐV nội rồi cũng sẽ nâng lên. Vấn đề ở đây là sử dụng VĐV nước ngoài với tỉ lệ bao nhiêu, ở nội dung nào cho hợp lý, hợp với đặc thù của bóng bàn.
Giải Cây vợt vàng lần thứ 24 ở Vũng Tàu cách đây 3 tháng, VĐV nước ngoài đã được chấp nhận thi đấu cho các đội bóng Việt Nam mà cụ thể là CLB Tập đoàn dầu khí Việt Nam (nam) và Vietsov Petro (nữ). Khi đó 3 VĐV nước ngoài ở 2 CLB này dự đủ các nội dung. Sau giải, có ý kiến phàn nàn rằng việc các VĐV ngoại dự đủ các nội dung đã hạn chế đáng kể việc thi thố của các tay vợt nội. Lập tức, Liên đoàn bóng bàn Việt Nam bớt hào hứng với thử nghiệm sử dụng tay vợt ngoại trong các CLB bóng bàn Việt Nam. Vì thế khi CLB Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam xin được sử dụng 1 VĐV nước ngoài ở nội dung đồng đội( đó là tỷ lệ được đánh giá là vừa phải, được nhiều nước áp dụng) tại giải bóng bàn các đội mạnh, Liên đoàn bóng bàn Việt Nam đã lắc đầu dù đến trước giải vẫn không có công văn chính thức trả lời đề nghị trên. Một trong những lý do đưa ra là nếu sử dụng VĐV ngoại sẽ gây ảnh hưởng đến phong trào bóng bàn nói chung, nhiều nơi sẽ không đầu tư cho bóng bàn nữa. Bên cạnh đó Liên đoàn bóng bàn Việt Nam cũng nảy ra ý tưởng tổ chức một giải bóng bàn chuyên nghiệp mà ở đó các đội được thuê VĐV nước ngoài. Tuy vậy giải này lại không thuộc hệ thống thi đấu quốc gia và nếu thế doanh nghiệp đầu tư cho bóng bàn để làm gì, chẳng lẽ lại chỉ đấu mấy giải không chính thức?. Đến đây lại nảy ra câu hỏi nữa, tại sao ở giải các cây vượt xuất sắc trước đó gần 1 tháng ở Hải Dương, cũng thuộc hệ thống thi đấu quốc gia, BTC giải lại mời các VĐV nước ngoài tham dự. Về mặt thành tích, các tay vợt Việt Nam không được hưởng lợi. Giải nữ là đất diễn của các tay vợt Thái Lan, giải nam là của Xingapo. Nếu không có các tay vợt này, biết đâu những Mai Hoàng Mỹ Trang, Phan Huy Hoàng, Đinh Quang Linh… đã có một chức vô địch nữa trong đời VĐV. Tuy vậy, về mặt chuyên môn, đó lại là cơ hội tốt để các tay vợt có dịp nhìn lại mình trong suốt thời gian tập luyện vừa qua và thực sự giải đấu đã hấp dẫn hơn hẳn. Nếu không, khán giả đã không đến Nhà thi đấu Hải Dương đông như vậy.
Đến đây người ta càng khó hiểu về những quyết định trái ngược nhau về sử dụng VĐV ngoại ở 2 giải đấu cùng hệ thống thi đấu quốc gia của bóng bàn Việt Nam. Một mặt Liên đoàn bóng bàn Việt Nam vẫn ủng hộ xã hội hóa nhưng lại nói “không” với những cách làm xã hội hóa.
Vấn đề là việc sử dụng VĐV ngoại cần được nhìn ở cả 2 mặt. Cứ lo giữ phong trào trong nước cho các địa phương còn nặng chuyện bao cấp trong thể thao mà không nghĩ đến những cái được từ chuyên môn, đến việc tham gia của các doanh nghiệp vào phát triển phong trào thì e rằng các giải quốc nội của bóng bàn Việt Nam sẽ còn mất giá trong mắt người hâm mộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.