Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bốn trường hợp nên từ chối khéo khi đồng nghiệp nhờ cậy

Huyền Nguyễn| 30/12/2019 16:55

Ở môi trường công sở, đồng nghiệp nhờ cậy, giúp đỡ nhau là chuyện bình thường. Tuy nhiên, không phải việc gì bạn cũng nên đồng ý giúp đỡ. Hãy biết nói lời từ chối một cách khéo léo khi cần thiết để không bị lãng phí thời gian, tập trung hơn cho công việc chuyên môn hoặc đơn giản là không phải làm những việc bạn không muốn.

Dưới đây là 4 trường hợp bạn nên từ chối khéo khi đồng nghiệp đề nghị giúp đỡ.  

Nhờ làm công việc quá khả năng và quyền hạn  

Giúp đỡ trong công việc thường là điều được các đồng nghiệp đề nghị nhiều nhất. Nếu công việc dễ dàng hoàn thành, vì bạn và đồng nghiệp cùng thực hiện nhiệm vụ giống nhau thì không có vấn đề gì.

Nhưng đôi khi đó có thể là một việc làm vượt quá chuyên môn và khả năng của bạn. Hãy suy nghĩ thật kỹ về công việc được nhờ, bởi nếu trong trường hợp bạn không thể hoàn thành đúng thời hạn, đúng yêu cầu thì rất có thể, bạn sẽ là người bị đổ trách nhiệm và còn gây ảnh hưởng đến tập thể. 

Hãy đưa ra lý do chính đáng khi từ chối khéo để mọi người hiểu và thông cảm cho bạn mà không khiến họ phật lòng. Bởi mọi người cũng nên biết rằng, bạn không thể đảm đương tốt công việc vượt quá khả năng, trong khi chính bản thân bạn còn đang bận rộn với các dự án của mình.

Nhờ bạn làm thay khi họ dành thời gian cho công việc riêng

Đồng nghiệp của bạn có thể đang tìm việc ở một công ty khác và họ không muốn để cấp trên biết điều này. Để tham gia những buổi phỏng vấn, họ luôn nhờ bạn thực hiện công việc của họ và thậm chí “che giấu” việc họ vắng mặt trong công ty bằng nhiều lí do khác nhau.

Mặt khác, việc bán hàng online đang trở nên nhộn nhịp hơn, đặc biệt vào dịp cuối năm và có thể đây là công việc mà đồng nghiệp của bạn đang thực hiện để gia tăng thu nhập. Dĩ nhiên, đôi lúc thời gian tại công ty cũng được tận dụng tối đa cho những công việc bên ngoài đó và bạn là người được nhờ vả trong khi họ đang bận rộn với công việc đó.

Trong cả hai trường hợp, hãy giải thích nhẹ nhàng cho người đồng nghiệp ấy hiểu rằng, làm như vậy là không nên và tìm cách từ chối khéo khi họ nhờ vả. Nếu không, bạn có thể bị liên lụy bất cứ lúc nào.

Nhờ làm việc vặt quá nhiều

Tình trạng “ma cũ bắt nạt ma mới” rất phổ biến trong công sở. Khi bạn là lính mới trong văn phòng, chị A có thể nhờ bạn lau dọn bàn ghế, chị B có thể nhờ bạn mua đồ ăn sáng, hay anh C có thể nhờ bạn in tài liệu giúp... Những công việc tưởng chừng đơn giản nhưng nếu bạn cứ giúp đỡ họ hết ngày này tháng khác, tự bạn sẽ biến mình thành một “chân sai vặt” trong mắt đồng nghiệp.

Ngoài những công việc mang tính tập thể bạn có thể hỗ trợ, còn những vấn đề cá nhân thì tốt nhất chỉ nên giúp đỡ ở một chừng mực nhất định, bởi bạn không có trách nhiệm phải thực hiện những điều đó mỗi ngày. Hãy mạnh dạn từ chối bằng một vài lý do chính đáng để tránh làm mình trở thành chân sai vặt cho tất cả mọi người.

Nhờ làm những việc không “lành mạnh”

Điều này không thường xảy ra nhưng ở môi trường công sở, đôi lúc bạn vẫn có thể nhận được những đề nghị khiến bạn thấy khó xử. Chẳng hạn như bạn được nhờ “theo dõi” một người khác, nhờ nói những lời không đúng sự thật để bênh vực hay phản đối ai đó, thậm chí đôi khi là nhờ hoặc rủ rê cùng làm những việc khuất tất trái đạo lý, trái pháp luật…

Khi đó, bạn nên dứt khoát từ chối và nếu có thể, hãy khuyên nhủ người nhờ để họ từ bỏ ý định không tốt. Bởi sớm muộn, những việc làm xấu sẽ đem đến hậu quả không hay cho chính mình và tập thể. 

Từ chối khéo khi đồng nghiệp nhờ cậy cũng là một nghệ thuật. Nếu đồng nghiệp đưa ra đề nghị bạn không muốn làm, đừng nói không ngay lập tức, tránh việc đồng nghiệp phật ý vì cho rằng bạn không muốn giúp đỡ họ. Hãy tỏ vẻ suy nghĩ về việc bạn sẽ giúp đỡ và sau đó tìm lý do chính đáng, lựa lời khéo léo để nói với người đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bốn trường hợp nên từ chối khéo khi đồng nghiệp nhờ cậy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.