(HNM) - Thời gian vừa qua dư luận rộ lên thông tin nhiều địa phương khu vực phía Bắc có tình trạng chế biến chè bẩn làm ảnh hưởng tới uy tín của ngành chè. Ba Vì là một trong những địa phương trồng và chế biến chè lớn của Hà Nội.
Mặc dù ở đây chưa phát hiện được hộ dân nào tham gia chế biến chè bẩn nhưng để người dân và DN yên tâm đầu tư sản xuất, giữ gìn thương hiệu chè Ba Vì thơm, ngon, sạch rất cần sự chung tay, hợp sức của 4 nhà.
Thu hái chè Ba Vì. |
Lo lắng "con sâu làm rầu nồi canh"
Trước thông tin, ở một số tỉnh phía Bắc, nhiều hộ dân chế biến chè bẩn khiến DN, chính quyền địa phương và các hộ trồng chè ở huyện Ba Vì hết sức ngỡ ngàng và bất bình. Xã Ba Trại có diện tích hơn 447ha, khoảng 12.000 nhân khẩu chuyên trồng chè, sản lượng khoảng 3.000 tấn/năm chè búp. Chè được trồng từ nguồn nước sạch, phân bón hợp lý, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Chủ tịch UBND xã Ba Trại Đinh Công Sử cho rằng: "Mặc dù hiện nay trên địa bàn xã việc sản xuất và chế biến chè vẫn diễn ra bình thường, song chúng tôi rất lo lắng, nếu như người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm chè thì hậu quả sẽ rất khó khăn". Không riêng gì Ba Trại, tại các xã như Khánh Thượng, Ba Trại, Vân Hòa, Tản Lĩnh, Minh Quang… diện tích cây chè cũng tăng lên nhanh chóng và trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế vườn. Đến nay, diện tích cây chè trên đất Ba Vì đã lên tới 1.660ha.
Hiện nay, Ba Vì có 6 nhà máy chế biến chè theo hướng công nghiệp, ngoài ra còn có 1.700 máy sao chè, 645 máy vò chè, sản lượng chè búp khô tự chế đạt 780 tấn. Tổng sản lượng năm 2010 đạt hơn 3.000 tấn, trong đó lượng chè xuất khẩu chiếm từ 50-60%. Đang vào chính vụ thu hái và chế biến, cả DN chế biến và người trồng chè đều kỳ vọng vào thị trường cuối năm có nhiều chuyển biến tích cực. Vì vậy nếu cơ quan chức năng không nhanh vào cuộc và đưa ra những kết luận chính xác xem lượng chè chế biến theo công nghệ bẩn bán cho ai, có bao nhiêu hộ dân tham gia chế biến, chế biến ở những đâu… để bảo vệ uy tín, thương hiệu cho các vùng chè làm ăn chân chính thì việc phát triển sản xuất và xuất khẩu chè sẽ rất khó khăn.
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Hà Xuân Hưng khẳng định, UBND huyện vừa chỉ đạo các xã nằm trong vùng chè trọng điểm của huyện tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá để nhân dân, DN cùng chung tay bảo vệ, phát triển thương hiệu. Ngoài việc cơ quan chức năng thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc chế biến chè thủ công, các DN và nhân dân trên địa bàn cũng cần tích cực tự giám sát lẫn nhau, nếu phát hiện hộ cá nhân, cơ sở nào chế biến chè bẩn báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Bài toán phát triển bền vững
Công ty CP Chè Việt Mông là một trong những DN sản xuất, chế biến chè xuất khẩu đóng trên địa bàn huyện Ba Vì. Mỗi ngày, DN thu mua khoảng 60 tấn chè tươi. Mặc dù trên địa bàn Ba Vì chưa phát hiện hộ cá nhân nào chế biến theo công nghệ bẩn nhưng từ nhiều năm nay, các nhà máy chế biến chè của công ty luôn trong tình trạng "đói" nguyên liệu vào thời kỳ giao vụ.
Như vậy, cùng với việc xuất hiện tình trạng chế biến chè bẩn ở một số vùng cung ứng nguyên liệu, việc nhiều cơ sở sản xuất "đói" nguyên liệu đã cho thấy ngành chè Việt Nam hiện đang thiếu quy hoạch tổng thể, phát triển "nóng" và thiếu ổn định. Cách tận thu chè bẩn là đặc biệt nguy hiểm, có thể người trồng chè sẽ thu lợi trước mắt, song điều đó về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu chè của Việt Nam. Trước mắt, các nhà máy chè sẽ bị vỡ hợp đồng với đối tác, mất uy tín trong xuất khẩu. Việc thiếu nguyên liệu ở vùng này sẽ lan ra vùng khác, tạo nên hiệu ứng dây chuyền. Khi đó sẽ mất hợp đồng với các bạn hàng truyền thống và hàng chục ngàn lao động của ngành chè sẽ không biết đi về đâu.
Đã có tình trạng DN đầu tư vốn vào xây dựng vùng chè nhưng đến khi thu hoạch thì các cơ sở chế biến nhỏ nhảy vào "làm giá". Các cơ sở chế biến nhỏ, thay vì đầu tư cho người dân trồng chè vốn, giống, kỹ thuật, đã chọn giải pháp "đầu tư qua giá"... Vì vậy, người dân luôn trồng chè trong tình trạng "ăn xổi" khiến vùng nguyên liệu chè phát triển không bền vững. Không chỉ thiếu nguyên liệu, việc "ăn xổi" còn làm chất lượng chè sụt giảm đáng kể, nguồn chè sơ chế chất lượng cao ngày càng ít. Trên thị trường chè thế giới, giá chè của Việt Nam chỉ bằng khoảng 70% giá chè cùng loại của nhiều nước.
Trước mắt, cần quy hoạch vùng nguyên liệu cho từng cơ sở chế biến, đồng thời phải có sự ràng buộc đối với các cơ sở này. Chỉ khi vùng nguyên liệu được quy hoạch bài bản, cơ sở chế biến gắn với vùng nguyên liệu, gắn với người trồng chè thì mới tạo ra hiệu quả lâu dài. Ngoài ra, chính quyền địa phương phải tổ chức rà soát lại vùng nguyên liệu của từng cơ sở chế biến, phân định ranh giới cụ thể cho từng DN đến từng hộ dân để tự giám sát, hỗ trợ nhau trong việc bảo đảm các quy định về sản xuất chè sạch để có nguồn nguyên liệu ổn định về số lượng và chất lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.