Trả lời báo chí bên lề Quốc hội sáng 11/11, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết các Bộ trưởng Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí sáng 11/11. Ảnh: VOV |
Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh qua tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri được tổng hợp thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thực tiễn phát biểu của các đại biểu Quốc hội trên Nghị trường, Văn phòng Quốc hội đã tập hợp lại 16 nhóm vấn đề; sau đó Tổng Thư ký Quốc hội làm việc với Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội lựa chọn 11 vấn đề báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 5 vấn đề.
Ngày 10/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến các đại biểu Quốc hội lựa chọn 4/5 vấn đề để trên cơ sở đó đưa ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn sắp tới.
Bốn nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ... sẽ do các Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn.
Sau khi các Bộ trưởng trả lời, các Phó Thủ tướng phụ trách từng lĩnh vực cũng sẽ trả lời làm rõ thêm các nội dung liên quan. Thủ tướng Chính phủ sẽ là người trả lời cuối cùng những nhóm vấn đề lớn của các đại biểu Quốc hội quan tâm. Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tiến hành trong 2,5 ngày (từ 15/11 đến 17/11).
Thông tin về điểm mới trong hoạt động chất vấn lần này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định qua tổng kết kinh nghiệm trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn 5 năm qua, kỳ họp lần này cơ bản vẫn được thực hiện như trước. Hai kỳ họp giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp đối với Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ.
Các phiên họp đầu năm và cuối năm sẽ theo thông lệ chọn nhóm vấn đề, chọn các Bộ trưởng để trả lời chất vấn. Đây cũng là lần đầu tiên thành viên Chính phủ trả lời tại nhiệm kỳ này, trong đó có nhiều tân Bộ trưởng.
Các nhóm vấn đề được chọn tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ này về cơ bản đều là nội dung mới, vì vậy, Quốc hội sẽ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần.
Thời gian đặt câu hỏi của các đại biểu vẫn trong khoảng thời gian 2 phút, vì vậy, các đại biểu Quốc hội sẽ đi thẳng vào vấn đề, tập trung đặt câu hỏi vào những nội dung chính.
Bên cạnh đó, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ có các đại biểu Quốc hội giơ biển tranh luận. Đây là hoạt động đổi mới của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, tại các phiên thảo luận và chất vấn, các đại biểu Quốc hội đều có thể giơ biển tranh luận. Điều này giúp cho các đại biểu có thể nêu ý kiến, đặt câu hỏi đến cùng, để các thành viên Chính phủ làm rõ thêm các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Đây là điểm tốt cần phát huy trong thời gian tới.
Làm rõ thêm về các nội dung sẽ được chất vấn tại Kỳ họp lần này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ đối với lĩnh vực Công Thương, các đại biểu Quốc hội quan tâm đến nguyên nhân, trách nhiệm thực hiện và biện pháp xử lý đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa được triển khai, gây lãng phí, hoang hóa; việc bán hàng đa cấp cần được kiểm soát chặt chẽ để tránh thiệt hại cho người dân; tổ chức mạng lưới bán lẻ trong điều kiện hội nhập; việc quản lý, chống hàng giả, hàng lậu, kém chất lượng để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.
Về lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, các đại biểu Quốc hội quan tâm đến lĩnh vực việc thực hiện chính sách pháp luật trong xử lý môi trường trong các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư; trách nhiệm của các bộ ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với các dự án để xảy ra sự cố môi trường; quản lý xử lý về ô nhiễm môi trường và giải pháp thích ứng với ứng phó biến đổi khí hậu; quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản.
Liên quan đến lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, các đại biểu Quốc hội muốn tập trung làm rõ việc thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo và chương trình sách giáo khoa mới theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội trong thời gian qua; việc thực hiện Nghị quyết 37/2004/QH11 của Quốc hội về tiếp tục cải tiến thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực; công tác quản lý chất lượng giáo dục đào tạo Đại học, nhất là các trường đại học do địa phương quản lý, gắn với quy hoạch về đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và có nền giáo dục hiệu quả; giải pháp để ổn định việc tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông và đại học trong giai đoạn 2016-2020.
Trong lĩnh vực Nội vụ, các đại biểu Quốc hội dành sự quan tâm đến việc tinh giản bộ máy biên chế gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; việc thực hiện Đề án vị trí việc làm, cải cách tiền lương, nâng cao hiệu quả hiệu quả, thi hành công vụ, cải thiện chỉ số hài lòng của người dân đối với hoạt động trong đánh giá chế độ công vụ, công chức và đổi mới quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ.../.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.