(HNM) - Theo quy luật, Tết Nguyên đán là thời điểm giá thị trường có nhiều biến động nhất trong năm do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh. Tại cuộc họp với các cơ quan báo chí ngày 17-12, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết đang gấp rút triển khai nhiều biện pháp nhằm giữ ổn định giá thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão.
CPI năm 2010 sẽ ở mức 11%
Hai tuần đầu tiên của tháng 12, giá một số mặt hàng thiết yếu đã biến động mạnh. Theo Tổng cục Thống kê, nếu CPI tháng 12-2010 tăng 1,5% như dự báo thì CPI cả năm 2010 sẽ tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tốc độ tăng giá tiêu dùng trong năm nay đã bỏ xa mục tiêu 7%.
Hai tuần đầu tháng 12, giá một số mặt hàng thiết yếu đã biến động mạnh. Ảnh: Trung Kiên
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá tiêu dùng năm 2010 tăng mạnh. Trong đó, nguyên nhân sâu xa là do những yếu kém về cơ cấu của nền kinh tế, mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư nhưng kém hiệu quả, sức cạnh tranh chưa cao. Việt Nam đã đẩy mạnh tăng trưởng dựa vào đầu tư nhưng do đầu tư kém hiệu quả nên kéo theo chính sách tài khóa mở rộng và chính sách nới lỏng tiền tệ dẫn đến hệ quả lạm phát cao. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khách quan như: giá nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu năm 2010 tăng mạnh; thị trường tiền tệ biến động với hai lần điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ liên ngân hàng; sức mua và khả năng thanh toán tăng mạnh với tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ xã hội 11 tháng qua đạt 1.425.170 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Việc Nhà nước, doanh nghiệp (DN) thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng thiết yếu (điện, nước sạch, xăng, dầu)… đã tác động tới tăng CPI.
Tuy CPI "lỗi hẹn" và vượt mức một con số, song nếu không có sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ và nỗ lực bình ổn giá của các bộ, ngành, DN, con số này sẽ còn ở mức cao hơn. Ông Nguyễn Tiến Thỏa cũng thẳng thắn cho rằng, công tác điều hành giá vừa qua còn tồn tại nhiều bất cập. Tình trạng độc quyền giá vẫn xảy ra với một số loại mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu, hệ thống phân phối vòng vèo ở nhiều nơi đã khiến giá hàng hóa bị đẩy lên… Trách nhiệm của ngành chức năng chính là khắc phục những yếu kém này để công tác điều hành giá phát huy hiệu quả hơn.
Đưa hàng thiết yếu ra lưu thông để bình ổn giá
Nhiều dự báo cho thấy, năm 2011, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phục hồi khiến nhu cầu nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất tăng, đẩy giá cả lên. Thời điểm cuối năm 2010 và quý I-2011, theo quy luật, thường xảy ra những đợt biến động giá do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tăng cường các biện pháp bình ổn giá thị trường cuối năm và trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ Tài chính đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác quản lý và bình ổn giá tại một số địa phương từ ngày 1 đến 12-12-2010. Kết quả cho thấy các địa phương đã tích cực triển khai công tác bình ổn giá; chú trọng lựa chọn những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhằm cân đối cung cầu, dự trữ hàng hóa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng phục vụ nhân dân. Tại TP Hồ Chí Minh, chương trình bình ổn giá đối với một số mặt hàng thiết yếu đã được tích cực triển khai. TP Hồ Chí Minh đã có 1.989 điểm bán hàng bình ổn giá, tạo ra sức lan tỏa đến các tỉnh, TP thuộc khu vực miền Nam, qua đó, góp phần bình ổn và kiềm chế CPI.
UBND TP Hà Nội đã tích cực triển khai chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm giữ ổn định giá thị trường. TP Hà Nội đã chi 400 tỷ đồng (qua hai đợt hỗ trợ), với lãi suất ưu đãi 0% cho các DN đủ điều kiện vay để dự trữ 9 mặt hàng thiết yếu. TP Hà Nội đã có 396 điểm bán hàng bình ổn giá, phấn đấu từ nay đến Tết, sẽ có 500 điểm bán hàng. Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng cho biết, các DN trên địa bàn đã làm tốt công tác dự trữ hàng hóa phục vụ Tết với lượng hàng dồi dào, bảo đảm đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới. TP chỉ đạo các đơn vị tham gia bình ổn tích cực hơn, chủ động kết hợp việc đưa hàng về nông thôn và kiểm soát diễn biến giá cả ở từng địa phương.
Công tác bình ổn giá hàng thiết yếu được triển khai quyết liệt sẽ tác động tích cực đến việc giữ ổn định giá thị trường trong dịp Tết. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, với cách làm hiện nay, hàng bình ổn mới chỉ có trong những cửa hàng lớn, siêu thị mà chưa có mặt tại chợ truyền thống, một kênh phân phối quan trọng. Nếu cân đối được lượng hàng bình ổn ở cả hai kênh phân phối: hiện đại và truyền thống thì hiệu quả bình ổn giá sẽ có sức lan tỏa lớn hơn rất nhiều.
Cục Quản lý giá cho biết, trong dịp Tết và quý I-2011, sẽ giữ ổn định giá các dịch vụ công quan trọng như: y tế, giáo dục; giá điện, than (bán cho các hộ tiêu dùng lớn), nước sạch... Các công cụ phí, thuế, quỹ bình ổn giá sẽ được sử dụng để giữ ổn định giá xăng, dầu và giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Trường hợp xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, Bộ sẽ áp dụng biện pháp bình ổn sau khi xem xét nguyên nhân gây tăng giá. Nếu nguyên nhân là do nguồn hàng không bảo đảm sẽ đưa hàng dự trữ ra lưu thông để tránh xảy ra "sốt" giá, hoặc có chính sách nhập khẩu phù hợp để cân đối cung - cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.