(HNM) - Hơn 5 tháng đã qua kể từ khi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tận dụng Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) không kích Libya những mong nhanh chóng lật đổ chế độ của Tổng thống Muammar Gaddafi, nhưng cái mà phương Tây muốn có qua bom đạn hiện vẫn là số 0 và một nền hòa bình đã bị lãng quên.
Biểu tình trên đường phố Damascus của Syria phản đối bom đạn của NATO sát hại người dân vô tội ở Libya. |
Trung tuần tháng 7 này, khi phe nổi dậy ở Libya được mưa bom, đạn pháo của NATO hậu thuẫn tuyên bố quyết chiếm thành phố chiến lược gần thủ đô Tripoli. Tuy nhiên, kết quả thu được đã không như mong đợi. Quân đội trung thành với ông M.Gaddafi hiện vẫn làm chủ nơi đây cũng như Tripoli. Thậm chí, binh sĩ Chính phủ Libya còn mở các cuộc phản kích vào vùng sa mạc phía Tây, vị trí được phe chống đối sử dụng làm bàn đạp để tấn công thủ đô Tripoli. Ngày 26-7, Thủ tướng Libya Al-Baghdadi Ali al-Mahmoudi một lần nữa tuyên bố, Tripoli sẽ không đàm phán nhằm chấm dứt cuộc xung đột với lực lượng nổi dậy tại quốc gia Bắc Phi này, nếu NATO không ngừng các cuộc không kích và cái ghế Tổng thống của nhà lãnh đạo M.Gaddafi không phải là một thứ để thương lượng.
Chiến dịch không kích của NATO vào một nước có chủ quyền đã buộc phải kéo dài ngoài mong muốn đang gây tác động ngược. Mối hoài nghi về mục đích ngay từ đầu chiến dịch không kích này đã xuất hiện trong HĐBA nay càng được khẳng định. Bằng chứng là dự thảo nghị quyết lên án chính quyền Syria của HĐBA, do các nước phương Tây soạn thảo, ngày 24-7 vừa qua đã bị bác bỏ thẳng thừng nhờ kinh nghiệm từ Libya. Nga và Trung Quốc tuyên bố không thông qua nghị quyết vì cho đây là sự can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia và sẽ kéo theo nội chiến. Thêm vào đó, bom đạn của NATO trút xuống Tripoli đã sát hại và làm cơ cực hàng ngàn, hàng vạn dân thường vô tội. Ngày 25-7, Chính phủ Libya tố cáo, NATO đã không kích vào một phòng khám y tế và các nhà kho lương thực tại thành phố Dlitan ở phía Đông Tripoli, làm 8 người thiệt mạng. Trước đó, bom đạn của NATO cũng đã san phẳng một số nhà thờ, trường học… Trước báo giới tại Washington (Mỹ), ngày 25-7, lần đầu tiên Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Michael Mullen lên tiếng thừa nhận chiến dịch không kích của NATO vào Libya đang bế tắc. Trong khi đó, trong phúc trình mới nhất, ngày 26-7, Cao ủy Nhân quyền LHQ ở Geneve cho biết, sinh hoạt tại thủ đô Tripoli đang thiếu thốn trầm trọng, kể cả xăng dầu và thuốc men... Trước tình hình này, 24 giờ qua, Bộ Tình trạng khẩn cấp Liên bang Nga đã phải mở cầu hàng không để chuyển hàng viện trợ nhân đạo tới thủ đô Tripoli.
Như vậy, sau hơn 5 tháng trút bom đạn xuống quốc gia Bắc Phi này, mục tiêu của những đợt không kích vẫn đang là một dấu hỏi lớn. Một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Libya phải là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Trong thông điệp mới đây, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giải quyết cuộc khủng hoảng ở Libya thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp với sự tham gia của cả hai bên liên quan trong cuộc xung đột. Trong một động thái liên quan, ngày 20-7, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cùng người đồng cấp Libya Abdul Ati al-Obeidi gặp nhau ở thủ đô Mátxcơva để thảo luận về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng. Tại cuộc gặp, hai bên đều nhấn mạnh nhiệm vụ "hàng đầu" là chấm dứt ngay lập tức tình trạng đổ máu để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột. Trong khi đó, Ngoại trưởng Italia Franco Frattini cho biết, nước này ủng hộ chiến lược giải quyết xung đột tại Libya thông qua đàm phán giữa giới chức chính quyền Tripoli và Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) của lực lượng đối lập; đồng thời vấn đề liên quan đến sự ra đi của ông M.Gaddafi phải do người dân Libya định đoạt. Một thành viên NATO là Anh cũng vừa lần đầu tiên lên tiếng rằng nhà lãnh đạo M.Gaddfi không cần thiết phải rời đất nước... Đây là động thái chưa từng có của người Anh kể từ chiến dịch không kích Libya.
Một giải pháp hòa bình cho quốc gia Bắc Phi này đang được cả cộng đồng quốc tế mong đợi. Tuy nhiên, chìa khóa mở cánh cửa hòa bình lại đang nằm trong tay phương Tây, nhất là NATO với các cuộc không kích được hứa hẹn sẽ tiếp diễn. Khi bom đạn tiếp tục trút xuống hẳn không thể có hòa bình. Một Libya trong khói lửa vẫn là dự báo trong những ngày tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.