(HNMO) - Ngày 12-10, tại tọa đàm đánh giá tình hình thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) do Bộ Tư pháp tổ chức, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ cho biết: tính từ 1-1-2010 đến ngày 30-9-2012, các bộ, ngành, địa phương trên cả nước đã thụ lý 168 vụ việc công dân yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Nhìn tổng thể, việc giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm ngành kiểm sát thời gian qua chiếm số lượng khá lớn (thụ lý là 65 trường hợp, đã kiểm tra, thẩm định và đề nghị cấp kinh phí bồi thường 60 trường hợp tương đương 6,5 tỷ đồng). Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn đọng một số đơn chưa giải quyết xong bởi người bị thiệt hại không thống nhất mức bồi thường, dẫn đến khiếu nại kéo dài. Bộ Tài chính chỉ tiếp nhận 7 trường hợp, đã giải quyết 5 trường hợp và các công chức liên quan đã hoàn trả 19 triệu đồng tiền bồi thường vào ngân sách nhà nước…
Mặc dù vậy, theo nhận định của Cục bồi thường Nhà nước, kết quả trên chưa phải con số chính xác tuyệt đối. Hiện nay còn tồn tại tình trạng phát sinh yêu cầu giải quyết bồi thường nhưng cá nhân người thi hành công vụ tự thương lượng, bồi thường cho người bị thiệt hại mà không theo đúng quy trình, cơ quan bao che, gây khó khăn cho việc thống kê, tổng kết báo cáo số liệu. Bất cập này một phần do các văn bản hướng dẫn bồi thường chưa đầy đủ nên người dân có tâm lý ngại kiện. Đơn cử đối với hoạt động thi hành án hình sự, Bộ Tư pháp tuy được giao giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động thi hành án hình sự nhưng về quản lý nhà nước đối với hoạt động nghiệp vụ thì Bộ Tư pháp không có thẩm quyền mà hoạt động này thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.