(HNMCT) - Mặc dù đã bị “tuýt còi” song những thông tin liên quan tới việc tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thiếu niên Việt Nam vẫn khiến công chúng không khỏi sửng sốt. Việc có thêm cuộc thi này giống như “giọt nước tràn ly” trong tình cảnh dư luận cảm thấy “bội thực” với các cuộc thi nhan sắc trong nước. Thực tế này đòi hỏi một thái độ ứng xử phù hợp để các cuộc thi nhan sắc thực sự là hoạt động giải trí bổ ích với cộng đồng.
“Giọt nước tràn ly”
Những ngày qua, thông tin về cuộc thi Hoa hậu Thiếu niên Việt Nam 2022 - Miss Teen Việt Nam 2022 công bố khởi động và tuyển sinh mùa giải mới khiến dư luận dậy sóng bởi cuộc thi chiêu mộ thí sinh chỉ từ 13 - 16 tuổi. Dù theo Ban tổ chức, mục đích của cuộc thi là “giúp các bạn trẻ tự tin hơn, mang nét đẹp tuổi teen Việt Nam để giao lưu với bạn bè thế giới”, song việc để các thí sinh ở độ tuổi vị thành niên tham gia cuộc thi hoa hậu, theo đánh giá chung của dư luận là khó chấp nhận được.
Trước đây, theo điều 19 Nghị định 79/2012/NĐ-CP, thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu trong nước phải từ đủ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, từ ngày 1-2-2021, Nghị định 144/2020/NĐ-CP có hiệu lực (thay thế cho Nghị định 79/2012/NĐ-CP) đã không còn quy định này.
Dù vậy, trên các diễn đàn, mạng xã hội, rất nhiều phụ huynh tỏ ra bất bình trước sự xuất hiện của cuộc thi nói trên. Đa số cho rằng ở tuổi vị thành niên, các em chỉ nên tập trung vào học tập, phát triển năng khiếu, kỹ năng sống chứ không nên bị cuốn vào những cuộc thi nhan sắc. Phần lớn các cuộc thi hoa hậu hiện nay tập trung vào khoe hình thể, nhan sắc, do vậy chưa phù hợp với lứa tuổi vị thành niên. Cùng với đó, những thông tin tiêu cực về chuyện các cuộc thi nhan sắc nở rộ như nấm sau mưa dẫn đến nhàm chán, rồi "mua bán" giải thưởng, chuyện người đẹp tìm mọi cách có danh hiệu nhằm đổi đời... cũng khiến các bậc phụ huynh lo lắng.
Theo nhà thơ Dương Kỳ Anh - Trưởng ban tổ chức kiêm Chủ tịch Hội đồng giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam từ năm 1988 đến 2008, độ tuổi 13 đến dưới 18 tuổi chỉ nên thi “Bé khỏe, bé đẹp” hay “Học sinh thanh lịch” là phù hợp.
Vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu đơn vị tổ chức cung cấp đầy đủ thông tin liên quan và làm báo cáo giải trình. Theo thông tin từ cơ quan này, đơn vị tổ chức cuộc thi là Q Talent không nộp hồ sơ thực hiện cuộc thi cũng như chưa được chấp nhận tổ chức cuộc thi này.
Ứng xử thế nào?
Theo thống kê, trong khoảng 6 tháng đầu năm nay đã có gần 20 cuộc thi hoa hậu được tổ chức ở trong nước, trong đó có một loạt cuộc thi lớn như Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Áo dài Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam... Và từ nay đến cuối năm sẽ có một loạt các cuộc thi lớn khác như Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu Biển đảo Việt Nam, Hoa hậu Việt Nam, Miss Peace Vietnam, Miss Grand Vietnam... Bên cạnh đó là một loạt sự kiện do các đơn vị hội, ngành, các công ty giải trí thực hiện như Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu...
Với số lượng quá lớn như trên, dễ hiểu vì sao dư luận dùng từ “loạn” để nói về danh hiệu hoa hậu hiện nay. Rất nhiều người đẹp được gắn mác hoa hậu, hoa khôi nhưng công chúng không thể nhớ mặt, nhớ tên. Vừa qua cũng có cuộc thi bị "tố" về chất lượng, thí sinh vừa đeo vương miện đã "dính" tin đồn "mua giải", cặp kè đại gia, hay chuyện thí sinh có bầu 6 tháng vẫn dự thi Hoa hậu Doanh nhân 2022...
Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, cần có biện pháp mạnh về mặt quản lý để siết lại hoạt động thi nhan sắc. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Vinh - nguyên Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, hiện tượng này là bình thường bởi đây chỉ đơn thuần là hoạt động giải trí. Số lượng cuộc thi nhiều hay ít không quan trọng, điều quan trọng là chất lượng như thế nào. “Khi chúng ta trả hoạt động này về cho xã hội tự vận hành theo đúng quy định của pháp luật thì cuộc thi nào có chất lượng sẽ tồn tại, cuộc thi nào được tổ chức không tốt thì ắt sẽ chết” - ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.
Thực tế, việc bùng nổ các cuộc thi nhan sắc đã được dự đoán khi Nghị định 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn đi vào đời sống từ năm 2021. Nghị định này được đánh giá là “cởi trói” cho các hoạt động thi nhan sắc, bỏ bớt các điều kiện liên quan tới thí sinh cũng như việc cấp phép. Tuy nhiên, Nghị định cũng đề cao vai trò của công tác hậu kiểm, các cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra và áp dụng chế tài xử lý vi phạm một cách triệt để.
Tại một số nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia, số lượng cuộc thi mang danh "nam vương", "nữ hoàng" mỗi năm có thể lên đến 60 và họ chỉ coi đó là hoạt động giải trí đơn thuần. Đúng như ông Nguyễn Quang Vinh bày tỏ quan điểm: “Mỗi người có quyền quyết định ủng hộ các cuộc thi chất lượng cao, phớt lờ sân chơi “ao làng” để nó tự triệt tiêu”. Danh hiệu chỉ có ý nghĩa khi được công chúng công nhận và những cuộc thi “ao làng”, những cuộc thi thiếu hấp dẫn, không phù hợp truyền thống văn hóa dân tộc sớm muộn cũng sẽ “tự diệt” theo quy luật thông thường của hoạt động giải trí.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.