Văn hóa

Bồi lắng phù sa văn hóa

Hải Giang 08/02/2024 16:10

Bên cạnh vị thế địa lịch sử mà sông Hồng và các dòng sông khác góp phần tạo dựng cho Hà Nội, không thể phủ nhận dấu ấn văn hóa đặc sắc tựa như phù sa châu thổ mà các dòng sông mang đến cho Thủ đô.

z5106998224441_dab3e9e5f6f7.jpg
Bàn tay tài hoa của những người thợ làng gốm Bát Tràng tạo nên những sản phẩm đẹp từ bao đời nay. Ảnh: Linh Tâm

1. Châu thổ sông Hồng thuộc vào hàng châu thổ đông dân nhất thế giới, được xem là cái nôi của nền văn minh Việt Nam, với diện tích chừng 15.000km2. Trong đó, tiểu vùng Thăng Long (Hà Nội), theo phân loại của giới nghiên cứu Việt Nam, thuộc “vùng địa văn hóa châu thổ trung tâm”. Vùng đất này được giới khoa học thế giới và trong nước nhìn nhận với những điểm xác đáng thú vị: “Thành phố sinh ra từ nước”.

“Những cư dân đầu tiên đã xuất hiện ở khu vực quanh Hà Nội ngay từ thời kỳ đồ đá, trước khi vùng đất hiện tại là thành phố nhô lên khỏi mặt nước vào khoảng 1.500 năm trước Công nguyên, để rồi ổn định dần từ thế kỷ VII đến thế kỷ IX “giữa sự đổi dòng của con sông Hồng và sự hình thành của hồ Tây”, được ôm gọn trong một khúc uốn của con sông Tô Lịch” (nhà nghiên cứu Pierre Clément).

Tính chất “sinh ra từ nước” cũng thể hiện ở việc thành phố được xây dựng tại đỉnh của tam giác châu thổ, đúng nơi phân lưu giữa sông Hồng và sông Đuống, nền là những lớp phù sa dày. Và theo các nhà nghiên cứu Pháp, điểm đầu tiên đặt nền móng cho thành phố chỉ nằm ở độ cao 6m, dưới cả mực nước sông Hồng vào thời điểm cao nhất (12m).

Rõ ràng, vai trò của sông Hồng cùng các phụ lưu trong việc kiến tạo bộ khung đặc sắc cho thành phố là một câu chuyện kỳ diệu của thiên nhiên, và theo thời gian còn là sự nỗ lực bền bỉ của con người.

Công trình nghiên cứu địa lý nhân văn “Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ” của nhà địa lý học người Pháp Pierre Gourou, được cho là kinh điển, đã dành riêng một chương để nói về nước, mà sông Hồng và đê sông Hồng là một nội dung độc lập, quan trọng hàng đầu.

118km của sông chảy qua Hà Nội hiện nay chiếm chừng 1/5 của khoảng 600km dòng chảy sông Hồng qua Việt Nam. 1/5 là về chiều dài, nhưng nói như Tiến sĩ Dương Văn Ni (khi nhắc đến sông Mekong) thì “dòng sông tự nó không có thượng hay hạ, cả hệ thống này là một...”. Sông Hồng cũng vậy, một đoạn hơn 100km của sông Hồng chảy qua Hà Nội vẫn mang đầy đủ những đặc tính của một dòng kiến tạo văn minh vĩ đại.

Nhà nghiên cứu Diệp Đình Hoa đã đưa ra những con số cụ thể (trước thời điểm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính): Sông Hồng qua Sơn Tây lượng dòng chảy bình quân 120km3/năm, qua Hà Nội 90km3/năm, đều gấp nhiều lần so với các dòng sông khác như Đuống, Luộc... Mùa lũ sông Hồng mang theo 3.500gr phù sa/m3 nước, mùa cạn thì khoảng 500gr/m3 nước, cung cấp cho cả vùng châu thổ Bắc Bộ một sự phì nhiêu không thể phủ nhận, trong đó có vùng Thăng Long.

Cùng với nước, phù sa của sông là yếu tố sống còn của nông nghiệp. Sông "mang" về Thăng Long - Hà Nội một lượng cư dân lớn, tạo ra sự trù phú, đồng thời cũng thách thức cư dân với những đợt chuyển dòng, đổ lũ. Qua thời gian, sự thích ứng giữa cư dân và dòng sông hình thành nên văn hóa, biểu hiện ra trong nếp sinh hoạt dần được chắt lọc, tinh tế. Không kể khu phố thị của Kẻ Chợ vốn là nơi tấp nập buôn bán ở cảng sông, Hà Nội còn có các làng ven sông hay “làng ở dải đệm của sông”, “chúng tạo thành những dải song song với dòng sông và kéo dài trên nhiều cây số” - theo Pierre Gourou. Đây là những vùng lưu dấu trực tiếp sự tác động, kiến tạo của sông Hồng trên các bình diện, trong đó có văn hóa.

Theo chân các nhà dân tộc học Nguyễn Tùng và Nelly Krowolski trong công trình “Làng mạc ở châu thổ sông Hồng” để thấy rõ nhiều nội dung đặc sắc về không gian văn hóa gắn liền với dòng sông Mẹ và các phụ lưu ở một số làng ngoại thành Hà Nội như làng Mông Phụ (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây), làng Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), làng Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm). Tính chất địa văn hóa mà dòng sông Hồng và các phụ lưu mang lại cho Hà Nội là điều không thể bàn cãi.

Kiến trúc sư người Pháp Christian Pédelahore de Loddis khẳng định: “Sinh ra từ giữa những dòng nước, Hà Nội ngày nay vẫn còn gắn bó với đặc điểm này...”. Ông cũng miêu tả “tính chất nước” của Hà Nội vừa đầy chất thơ, vừa hiện thực: “Hà Nội gắn liền với nước. Mỗi năm thành phố khoác lên mình tấm voan mỏng đặc biệt của làn mưa trôi nổi qua nhiều tháng trời khiến cho không khí đầy hơi nước... Ở Hà Nội, nước có mặt khắp nơi, hiện diện trong cả ba chiều của không gian”. Và, “Chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu nước đã và đang dệt nên trí tưởng tượng chung của cả cộng đồng và xã hội trong thành phố này”.

2. Giới nghiên cứu thế giới và trong nước nhiều lần chia sẻ: Sông nước là yếu tố xuất hiện trước cả thành phố, vì vậy nó còn là nơi lưu giữ ký ức về nguồn cội, nơi hội tụ huyền thoại, nơi gắn bó về tinh thần, là “cái nôi của văn hóa”, lưu giữ cả một nền văn minh. Xác định những đặc tính không gian nước ở Hà Nội thì không chỉ xem xét những yếu tố vật lý, hình thái, mà còn phải thống kê những yếu tố tinh thần, văn hóa, xã hội... mà không gian đó tạo ra. Điều này, không phải lúc nào cũng được nhận diện rõ ràng trong câu chuyện đô thị.

Thực vậy, sông Hồng và các phụ lưu đã kiến tạo cho thành phố những không gian văn hóa gắn liền với sông, bao gồm không gian tâm linh, tín ngưỡng với những đình, đền, miếu...; không gian văn hóa nông nghiệp với các làng trồng hoa, màu, làm gốm... ven sông; không gian lễ hội với các hình thức phong phú từ đua thuyền, rước nước đến các nghi lễ gắn liền với tâm thức dân gian khác... Tức là trên cả bình diện vật chất và tinh thần, tâm thức sông nước bao phủ và góp phần tạo dựng cho Hà Nội cái gọi là “Văn hiến Thăng Long”.

Cho đến hôm nay, sông Hồng vẫn không ngừng kiến tạo không gian sống của người dân, thậm chí góp phần “tái tạo văn hóa” như nhận định của giới nghiên cứu, mà một trong số biểu hiện đó là sự phục hồi của các lễ hội trên nền truyền thống. Thậm chí sông Hồng, với sự biến động về dòng chảy còn đặt ra những câu hỏi mới cho lịch sử làng mạc vùng châu thổ. Như tại làng Kim Lan (huyện Gia Lâm), sau những đợt lũ sông Hồng đã phát lộ cả một lịch sử làng gốm cổ với các hiện vật trải liên tục suốt 10 thế kỷ.

Làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) đến nay vẫn duy trì nếp ăn uống cầu kỳ một thời được hình thành nhờ nền sản xuất hàng hóa thủ công nghiệp. Làng cũng có một bến sông đẹp ngay trước ngôi đình là điểm cập bến của tàu tuyến du lịch sông Hồng. Làng gốm Kim Lan cũng có bến sông ngay khu vực sát chùa, đình Kim Lan. Bến sông là nơi vào mùa hè trẻ con và người lớn vẫy vùng tắm mát. Nhà nhiếp ảnh Phí Đức Toàn, một người trẻ tuổi của làng đã lập ra một trang facebook làng gốm cổ Kim Lan và lưu lại ở đó nhiều bức ảnh giàu cảm xúc về dòng sông Hồng, bến nước ở Kim Lan.

Ở một quy mô khác, Quy hoạch Phân khu đô thị sông Hồng được UBND thành phố phê duyệt, hay Đề án xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng đã thu hút ý kiến đa ngành đóng góp cho thành phố... đã cho thấy tính chất của không gian văn hóa gắn liền với sông nước là một phần không thể bỏ qua trong sự phát triển bền vững của Hà Nội. Sự vào cuộc của giới nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, nghệ sĩ đối với các dự án tạo dựng không gian văn hóa gắn liền với sông Hồng cho thấy sự chín muồi của các điều kiện liên quan để định hình, một lần nữa, nhận thức và kế hoạch hành động phù hợp với vai trò quan trọng của sông Mẹ trong công cuộc kiến tạo Thủ đô.

“Hà Nội là một thành phố đối thoại và biện chứng” - theo cách nói của kiến trúc sư Christian Pédelahore de Loddis. Không có cách nào hơn, Hà Nội tiếp tục phải đối thoại văn minh với dòng sông vốn đã sinh ra thành phố và vẫn không ngừng thử thách cư dân trong hành trình đi tới. Hành trình đó không chỉ kế thừa dấu ấn khởi sinh, mà còn là sự tiếp nối mang tính đương đại từ một thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo.

Và từ đây, chúng ta sẽ dần nhận ra những chuyển động tương thích cũng như tiềm năng to lớn của thành phố sáng tạo từ tài nguyên sông nước...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bồi lắng phù sa văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.